Những sai lầm của Mỹ khi giết tướng Iran
Cuộc không kích khiến Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds Qassem Soleimani thiệt mạng cho thấy Mỹ đã 'rất thành công' trong việc củng cố vị thế cho lực lượng cứng rắn tại Iran, bằng những sai lầm nghiêm trọng khi nhận định về chính trường cũng như chiến lược được củng cố suốt nhiều thập kỷ tại quốc gia này. Diễn biến mới cũng cho thấy chính quyền Trump đã vướng vào một cái bẫy khiến căng thẳng song phương rất có thể sẽ đi theo hướng mà Iran, chứ không phải Mỹ, quyết định.
Iran đã chấm dứt sự kiên nhẫn của mình vào năm ngoái với một chiến lược leo thang căng thẳng, đáp trả việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và tái áp đặt các đòn trừng phạt. Iran cho rằng việc đẩy Mỹ tới sát bờ vực một cuộc chiến Trung Đông khác sẽ thuyết phục Chính quyền Donald Trump phải quay trở lại bàn đàm phán. Đó là một nước cờ nhiều rủi ro và cho đến nay đã đem lại kết quả cụ thể.
Vụ sát hại một nhà thầu người Mỹ tại căn cứ quân sự của Iraq hồi tuần trước là bước đi mới nhất của Iran. Hành động này đã khiến Mỹ tiến hành cuộc không kích nhằm vào lực lượng được Iran hậu thuẫn, khiến Tướng Soleimani và lãnh đạo lực lượng dân quân Abdul Mahdi al-Muhandis thiệt mạng. Hành động của Iran, dẫn tới việc bao vây Đại sứ quán Mỹ tại Iraq khiến người ta không khỏi nhớ lại vụ khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979.
Điều này cũng đẩy tương lai các lực lượng Mỹ tại Iraq đứng trước nhiều nguy cơ, 17 năm sau khi quân đội Mỹ lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Quốc hội Iraq đang thảo luận các biện pháp để quân đội nước ngoài rút khỏi lãnh thổ của mình. Chuyên gia về Iran tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) Ali Vaez bình luận: “Rất có khả năng Mỹ sẽ bẽ bàng rời khỏi Iraq.”
Lực lượng dân quân ủng hộ Iran cho rằng họ là người Iraq với mối quan hệ thân cận với giới an ninh Iraq và sẽ không bị ảnh hưởng bởi những động thái chủ yếu nhằm vào Mỹ. Lãnh tụ tinh thần Iraq Ali al-Sistani cho tới nay mới chỉ kêu gọi các bên kiềm chế sau khi Tướng Soleimani thiệt mạng. Tuy nhiên, ông Al-Sistani có thể sẽ trở thành nhân tố thay đổi cục diện nếu đưa ra một “fatwa” (sắc lệnh Hồi giáo) yêu cầu quân đội Mỹ rút lui.
Trong một diễn biến liên quan, Iraq, nơi được xem là chiến trường của cuộc chiến ủy nhiệm Mỹ-Iran, sau cái chết của Tướng Soleimani đã trở thành “vùng đất cấm” đối với người Mỹ khi Chính quyền Trump kêu gọi các công dân Mỹ nhanh chóng rời đi để tránh nguy cơ trở thành đối tượng bị tấn công.
Trước đó, vụ tấn công hồi tháng 9 nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ then chốt của Saudi Arabia, được nhiều người cho là do Iran giật dây, cùng thái độ chần chừ trong việc đáp trả của Tổng thống Trump hay việc Iran bắn hạ máy bay không người lái Mỹ, đã khiến Saudi Arabia phải hạ giọng các tuyên bố và tìm cách giảm nhiệt căng thẳng với Iran. Tuy nhiên, khả năng Saudi Arabia và Iran hòa giải đã gặp trở ngại lớn trong những tháng gần đây do các cuộc biểu tình chống chính quyền tại Liban và Iraq đe dọa làm chệch hướng chiến lược gia tăng ảnh hưởng khu vực của Iran thông qua các lực lượng ủy nhiệm. Dù khả năng Riyadh và Tehran xích lại gần nhau đang bị những căng thẳng leo thang trì hoãn song đây cũng là một yếu tố không thể bỏ qua.
Trước đó, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã có động thái hướng về phía Iran sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo này tìm cách kích động các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu ngoài khơi UAE. Ông Eldar Mamedov, cố vấn về xã hội-dân chủ tại Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Nghị viện châu Âu, cho rằng “hàng loạt sự kiện cho thấy cho tới nay, chiến lược leo thang căng thẳng có tính toán của Iran đã có những hiệu quả nhất định… Bằng cách đó, Iran đã buộc một loạt nhân tố quan trọng phải thay đổi các tính toán thiệt-hơn của mình.” Điều này cũng có nghĩa là những đồng minh khu vực của Mỹ, ngoại trừ Israel ủng hộ hoàn toàn việc sát hại Tướng Soleimani, sẽ tỏ ra thận trọng khi ủng hộ Mỹ trong bối cảnh căng thẳng leo thang như hiện nay. Cả Saudi Arabia và UAE đều kêu gọi các bên kiềm chế sau vụ việc.
Việc Tướng Soleimani thiệt mạng làm tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến trả đũa lẫn nhau mà Iran vốn có nhiều lợi thế hơn. Động thái trả đũa mới nhất của Iran là vụ phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào 2 cơ sở của Mỹ tại Iraq. Ngày 8-1, các tên lửa đạn đạo đã được phóng từ bên trong Iran, nhằm vào 2 cơ sở quân sự Mỹ tại Iraq, đó là cơ sở tại TP Erbil ở miền Bắc Iraq và căn cứ không quân Al Asad ở miền Tây nước này.
Trong bối cảnh dư luận còn đang đồn đoán về những cú đòn đáp trả, Tehran nhiều khả năng sẽ tận dụng cơ hội và phản công một cách bất ngờ, có thể là kích động Mỹ tiếp tục có những phản ứng một lần nữa theo đúng những tính toán của quốc gia này. Chuyên gia về Iran Dina Esfandiary bình luận: “Iran chắc chắn sẽ đáp trả, nhưng không phải theo kiểu kích động chiến tranh tổng lực, cuộc chiến mà họ biết họ sẽ thua.”
Một tín hiệu khác cho thấy Mỹ đã sai lầm khi nhận định tình hình là việc sát hại Tướng Soleimani có thể sẽ là “món quà” đối với lực lượng cứng rắn tại Iran, những người nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội tháng tới. Các chính sách của Mỹ thường củng cố quan điểm của Tehran rằng mục tiêu thật sự của Mỹ là thay đổi chế độ tại nước Cộng hòa Hồi giáo. Một cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump càng củng cố quan điểm này với phát biểu sau vụ không kích: “Hy vọng rằng đây là bước đầu tiên trong công cuộc thay đổi chế độ tại Tehran.”
Tuy nhiên, việc củng cố lực lượng cứng rắn tại Iran không những sẽ hủy hoại các mục tiêu chính sách của Mỹ mà còn đe dọa đẩy Mỹ tới trước nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là tới nguy cơ thất thế và sa lầy trong một cuộc xung đột mà họ chưa được chuẩn bị kỹ càng.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-sai-lam-cua-my-khi-giet-tuong-iran-176378.html