Những sai lầm khiến 'Steve Jobs phiên bản nữ' bị kết án tù 11 năm
Từng được mệnh danh là 'Steve Jobs phiên bản nữ', Elizabeth Holmes đã trở thành kẻ phản diện của Thung lũng Silicon với 4 tội danh lừa đảo và 11 năm tù giam.
Với tội danh lừa đảo, Elizabeth Holmes, CEO startup xét nghiệm máu Theranos, sẽ đối mặt án tù hơn 11 năm. Bà sẽ phải ngồi tù vào ngày 27/4/2023 và thêm 3 năm bị quản thúc sau khi mãn hạn tù.
Phán quyết này của Tòa án quận Bắc California thấp hơn mức đề nghị 15 năm tù của công tố viên nhưng cao hơn rất nhiều so với đơn xin giảm án xuống còn 18 tháng giam giữ tại nhà của luật sư phía Elizabeth Holmes. Đây cũng chính là hồi kết cho vụ lừa đảo chấn động Thung lũng Silicon, kéo dài hàng năm trời.
Hối hận vì trò lừa thế kỷ
Theo Bloomberg, ngày 18/11, Elizabeth Holmes đã xuất hiện tại phiên xét xử cùng với bộ đồ đen và đang mang thai đứa con thứ hai. Sau khi nghe phán quyết từ tòa án, CEO Theranos không tỏ ra bất ngờ mà chỉ ôm lấy bố mẹ mình ngồi ở hàng ghế sau.
“Tôi rất đau khổ về sai lầm của mình. Nếu quay lại quá khứ, tôi sẽ thay đổi nhiều thứ mà đáng lẽ tôi nên làm vào lúc đó. Tôi đã quá vội vàng trong việc hiện thực hóa ước mơ của mình”, Holmes nói tại phiên tòa.
Thẩm phán Edward Davila tuyên Elizabeth Holmes 135 tháng tù với tội danh âm mưu lừa đảo và 3 tội nói dối nhà đầu tư để huy động vốn cho Theranos. Bà đã thực hiện hành vi lừa đảo với tổng cộng 10 người và số tiền lên đến 121 triệu USD.
Trước đó, công tố viên đã đề nghị mức án 15 năm tù và đền bù 804 triệu đô cho 29 nhà tài trợ. Họ cho rằng án phạt nặng cho Holmes sẽ là bước đầu để “vạch trần các startup lừa đảo khác”, đồng thời “xây dựng lại niềm tin của bên đầu tư đối với các nhà khởi nghiệp trẻ”.
Về phía luật sư của Holmes, họ đã nộp tài liệu dài 82 trang đề nghị giảm mức án xuống còn 18 tháng giam giữ tại nhà và phục vụ cộng đồng. Kèm theo đó là hơn 100 lá thư của bạn bè, gia đình viết để ủng hộ và bênh vực cho CEO Theranos.
“Truyền thông đã thêu dệt rất nhiều câu chuyện về công ty và thất bại của Elizabeth. Nhưng chẳng mấy ai nói về những phát kiến sáng tạo mà con bé đổ công đổ sức cống hiến cho công ty”, bố cô viết.
Luật sư Kevin Downey còn khẳng định Holmes chưa bao giờ lấy tiền từ số cổ phiếu Theranos bà nắm giữ. Do đó, không hề có bằng chứng nào cho thấy bà ấy lừa tiền để tư lợi, mua du thuyền, phi cơ, biệt thự hay tổ chức tiệc tùng như cáo buộc. “Mặc dù phạm lỗi, động cơ của Holmes chỉ là vì muốn phát triển công nghệ mới”, luật sư nói.
Nhưng trong phiên tòa, khi thẩm phán Edward Davila hỏi xem liệu có nạn nhân nào của Holmes có mặt tại đây hay không, một người đàn ông tự xưng là Alex Shultz đã đứng dậy. Ông là bố của Tyler Shultz, một nhân viên cũ của Theranos từng đứng ra tố cáo về trò lừa đảo tinh vi của Holmes.
Người đàn ông cho biết nữ CEO đã quấy phá gia đình ông sau khi phát hiện Tyler Shultz tiết lộ sự thật về Theranos cho báo chí. Bà thậm chí còn thuê thám tử tư để theo dõi họ, đòi kiện cáo và lôi điểm yếu của họ ra để đe dọa. Ông cho biết con trai ông đã sợ hãi đến mức đêm nào cũng phải giấu dao dưới gối mới có thể yên giấc ngủ.
Thăng trầm của một startup công nghệ
Theo New York Times, câu chuyện thăng trầm của Elizabeth Holmes bắt đầu từ gần 10 năm trước khi bà bỏ học tại Đại học Stanford để thành lập startup Theranos vào năm 2003.
Đây là một công ty chuyên về công nghệ chăm sóc sức khỏe, nhằm thực hiện ý tưởng tạo ra một thiết bị chỉ cần một giọt máu cũng có thể thực hiện hàng nghìn xét nghiệm và phát hiện được cả bệnh ung thư hay tiểu đường trong thời gian ngắn với chi phí thấp hơn nhiều so với các xét nghiệm truyền thống.
Tuy nhiên, đến năm 2015, vở diễn của Elizabeth Holmes đã sụp đổ khi tờ Wall Street Journal đăng tải bài viết với nội dung nghi ngờ tính chính xác của thiết bị của Theranos. Công ty của bà sau đó đã bị buộc ngừng hoạt động để điều tra. Năm 2018, nữ sáng lập của startup Theranos bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cáo buộc nói dối các nhà đầu tư về công nghệ của công ty để huy động vốn.
Bà đã đổ tội cho các nhân viên khác trong Theranos vì đã làm ngơ những thiếu sót của công ty, đồng thời nói rằng những thông tin sai sự thật chỉ là vì bà muốn vẽ ra một viễn cảnh công nghệ mà các nhà đầu tư muốn nghe. “Bọn họ không quan tâm điều gì sẽ xảy ra trong thời gian ngắn. Thứ họ muốn là những thay đổi lớn lao mà chúng tôi có thể mang lại”, Holmes nói.
Bà còn cáo buộc Ramesh Balwani, bạn trai cũ và là cánh tay phải của bà tại Theranos, vì tội lạm dụng tình dục. Về phía Balwani, ông phủ nhận mọi cáo buộc. Tin nhắn mùi mẫn của cả 2 do CNBC thu thập cho thấy cặp đôi rất hạnh phúc khi startup của họ kiếm hàng trăm triệu USD. Đây được xem là cách Holmes biến mình trở thành nạn nhân.