Những sai phạm của bà Nguyễn Thị Nghê có thể bị xử phạt như thế nào?
Dù đã bị thu hồi giấy phép hoạt động, bà Nghê vẫn tiếp tục hành nghề khám, chữa bệnh và bán thuốc cho nhiều người tại Bảo Xuân Đường.
Vừa qua, nhóm phóng viên của Zing đã ghi nhận những hình ảnh bà Nguyễn Thị Nghê cùng các cộng sự khám, chữa bệnh và bốc thuốc tại cơ sở Bảo Xuân Đường thuộc thôn La Đồng, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Trước đó, đại diện Sở Y tế Hà Nội xác nhận bà Nghê đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh với chức danh là y sĩ. Tuy nhiên, phòng khám y học cổ truyền Bảo Xuân Đường đã bị thu hồi giấy phép hoạt động do vi phạm các quy định của pháp luật từ tháng 11/2019. Ngoài ra, do bà Nghê không đủ điều kiện cần thiết, người phụ trách chuyên môn của phòng khám này là một phụ nữ khác tên Chu Lệ Thủy.
Tùy mức độ để xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, khoản 2 Điều 42 Luật khám chữa bệnh năm 2009 quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh cụ thể phải có giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp. Do đó, cơ sở khám, chữa bệnh như trường hợp của Bảo Xuân Đường không có hoặc đã bị thu hồi giấy phép hoạt động mà vẫn tổ chức khám, chữa bệnh là vi phạm pháp luật. Tùy mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Cụ thể, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng với hành vi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động, đang trong thời gian bị đình chỉ hoặc hoạt động tại địa điểm không được ghi trong giấy phép.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 12 tháng với hành vi trên theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 39 của nghị định này.
Đặc biệt, cá nhân, tổ chức khám, chữa bệnh vi phạm các điều luật trên song gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, tùy mức độ của hành vi phạm tội, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự ở mức thấp nhất là phạt tù từ một đến 5 năm. Mức cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 7 đến 15 năm.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, đồng thời cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm theo quy định tại khoản 4 điều luật trên.
Đơn vị nào chịu trách nhiệm?
Luật sư Cường cho biết theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật khám chữa bệnh năm 2009, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh ở địa phương là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh.
“Trong trường hợp có dấu hiệu dung túng, che giấu cho hành vi khám chữa, bệnh trái phép, người chịu trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ”, luật sư Cường nói.
Căn cứ Điều 6 Nghị định 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước nếu vi phạm chế độ trách nhiệm quy định tại Nghị định này, tùy tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, phải chịu một hoặc nhiều hình thức trách nhiệm gồm: Trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm vật chất, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Sai phạm trong quảng cáo
Về chức danh được quảng cáo của bà Nghê, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật, cho biết theo quy định tại Luật khám, chữa bệnh năm 2009, lương y phải là người có hiểu biết về lý luận y dược học cổ truyền, có kinh nghiệm khám, chữa bệnh bằng phương pháp y dược học cổ truyền có dùng thuốc hoặc không dùng thuốc, được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội Đông y Trung ương hoặc Hội Đông y cấp tỉnh.
Ngoài ra, về hành vi giả mạo logo các đài truyền hình nổi tiếng, luật sư Bình cho hay Luật Quảng cáo nghiêm cấm việc quảng cáo sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được đồng ý, trừ trường hợp pháp luật cho phép.
Bên cạnh đó, những hình thức khác cũng bị nghiêm cấm như các quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh và về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Luật sư Cường bổ sung: “Việc sử dụng trái phép logo của tổ chức khác là hành vi vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ và sẽ bị xử phạt theo Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Tùy mức độ vi phạm, mức xử phạt sẽ khác nhau”.