Những sản phẩm sáng tạo từ sách tranh

Sách tranh không chỉ là cầu nối giúp các em làm quen với việc đọc, mà qua những tranh minh họa sinh động, tư duy hình ảnh, năng lực nghệ thuật của các em cũng được nâng cao.

 Học sinh mô tả lại ấn tượng về ông Kẹ và cô bé ma sau khi đọc truyện. Ảnh: BTC.

Học sinh mô tả lại ấn tượng về ông Kẹ và cô bé ma sau khi đọc truyện. Ảnh: BTC.

"Mình bắt đầu thực hiện sản phẩm rất nhanh chóng khi được nghe câu chuyện Í ẹ ông Kẹ trên Thư viện Mây trong tiết đọc thư viện của trường mình".

"Con ma dâu tây dễ thương. Con ma không đáng sợ nhưng đáng sợ nhất là sự tham lam và ích kỉ, không biết giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn".

Đó là những chia sẻ của các em sau khi đọc hoặc được nghe người lớn đọc cho một cuốn truyện ma mỏng. Không những thế, các em còn được khuyến khích tự tay làm những sản phẩm thủ công lấy cảm hứng từ câu chuyện vừa đọc.

Qua các sản phẩm được chụp lại, ta có thể thấy được trí tưởng tượng sinh động của các em sau mỗi quyển sách, những hạt giống tích cực vừa được gieo xuống, và cả những cảm nhận có thể khiến người lớn phải suy ngẫm.

Tác phẩm "con ma dâu tây dễ thương" và nhiều tác phẩm sáng tạo khác được các học sinh thực hiện sau khi đọc sách. Ảnh: BTC.

Tác phẩm "con ma dâu tây dễ thương" và nhiều tác phẩm sáng tạo khác được các học sinh thực hiện sau khi đọc sách. Ảnh: BTC.

Hoặc với cuốn Sinh nhật Bơ, độc giả nhí đã có nhiều chia sẻ cảm động thông qua sản phẩm dự thi của mình. Bạn Tấn Phát chia sẻ khi gửi tác phẩm dự thi “Bánh kem tặng bạn - chia sẻ yêu thương”: "Đôi khi chúng ta thèm ăn một cái bánh kem thì cha mẹ sẽ mua cho chúng ta ăn liền không cần phải do dự. Còn em thấy các bạn có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ vất vả làm suốt cả ngày thì một cái bánh kem hay một tiệc sinh nhật chỉ là một điều ước. Vì vậy, cái bánh kem của em sẽ là món quà tinh thần cho các bạn".

"Cha mẹ đã vất vả nhiều, con mong muốn sẽ tự tay làm bánh kem tặng cho cha mẹ", bạn Anh Thư với tác phẩm “Bánh kem dành cho cha mẹ”.

Nhiều sản phẩm thủ công như thế đã được gửi đến Thư viện Mây trong chương trình “Mở sách tạo niềm vui” do Room to Read tổ chức. Theo đó, mỗi tuần sẽ có 2 cuốn sách tranh để đưa ra thử thách. Người tham gia gồm trẻ em và phụ huynh sẽ sáng tạo sản phẩm dựa trên nội dung một trong hai cuốn sách, thể hiện được sự gần gũi với trẻ em và thân thiện với môi trường.

 Tiết học thư viện - nơi những cuốn sách tranh đơn giản, dễ thương mang lại niềm vui và cảm hứng đọc sách cho các em. Ảnh: BTC.

Tiết học thư viện - nơi những cuốn sách tranh đơn giản, dễ thương mang lại niềm vui và cảm hứng đọc sách cho các em. Ảnh: BTC.

“Có nhiều người vẫn nghĩ sách gì mà có ít chữ vậy, đọc xíu là hết rồi thì liệu trẻ em có học được gì nhiều từ sách không. Nhưng sách tranh chính là một công cụ hữu hiệu để giúp trẻ làm quen với các con chữ, được đọc trong tâm thế không áp lực. Thêm vào đó khi trẻ được tiếp cận sách tranh từ sớm, tư duy hình ảnh, tư duy thẩm mỹ của các bạn cũng được bồi đắp ngay từ nhỏ”, bà Đàm Thị Thu Giang, cán bộ phụ trách Thư viện Mây của Room to Read, bày tỏ.

Các cuốn sách được chọn từ Thư viện Mây đều được thực hiện bởi các tác giả, họa sĩ Việt Nam, với sự chú ý đặc biệt về yếu tố văn hóa bản địa đã được Room to Read giới thiệu đến các độc giả nhí, đặc biệt là ở những vùng xa xôi trong hơn 10 năm qua.

Chương trình nhằm hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam và Ngày Sách và Bản Quyền Thế giới, kéo dài đến ngày 10/5.

Thanh Trần - Phước Sáng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-san-pham-sang-tao-tu-sach-tranh-post1427271.html