Những sáng chế trong phòng, chống dịch

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giảng viên, sinh viên các trường đại học phía Nam đã có những sáng chế, tạo ra các sản phẩm phục vụ trong trường và phát miễn phí cho người dân. Đây là những việc làm thiết thực, hữu ích với cộng đồng nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (ngồi) thử máy hàn quai siêu âm đơn điểm, bên máy tạo thân khẩu trang y tế - Ảnh: T.H

Nhóm giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đã chế tạo thành công hệ thống máy sản xuất khẩu trang y tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng khoa Cơ khí chia sẻ, từ đầu tháng 2-2020, khi tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh còn chưa diễn biến phức tạp, khoa đã họp khẩn các giảng viên chủ chốt để triển khai dự án thiết kế và chế tạo máy sản xuất khẩu trang y tế cho cộng đồng.

"Các giảng viên chuyên ngành về thiết kế, chế tạo và hàn siêu âm đã phân tích, đưa ra hàng loạt phương án sản xuất khẩu trang. Cuối cùng, phương án được lựa chọn là thiết kế máy tự động tạo thân khẩu trang y tế (phần xếp ly) và hàn quai siêu âm đơn điểm. Năng suất một máy tự động tạo thân khẩu trang có thể đạt tối đa 90 cái/phút, trong khi năng suất máy hàn quai siêu âm đơn điểm chỉ đạt 15 cái/phút. Do đó, để bảo đảm năng suất đồng bộ, một máy tạo thân khẩu trang sẽ đi kèm với sáu máy hàn quai siêu âm", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lộc cho biết.

Tương tự, nhóm giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Lạc Hồng đã cùng với sinh viên nhà trường nghiên cứu và sản xuất thành công hai dòng sản phẩm dung dịch rửa tay có tác dụng sát khuẩn dùng trong phòng, chống dịch Covid-19. Một loại dung dịch rửa tay dạng xịt và một loại dung dịch rửa tay dạng khô ứng dụng công nghệ nano bạc. Sản phẩm dung dịch rửa tay gồm thành phần cơ bản: Cồn 70% có tác dụng sát khuẩn, glycerin giữ ấm da, nipagin bảo quản dung dịch đặc biệt bổ sung nano bạc với hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng và cả vi rút. Tiến sĩ Cao Văn Dư, Phó Trưởng khoa Dược khẳng định: Việc kết hợp nano bạc với các hoạt chất sát khuẩn làm tăng khả năng diệt khuẩn của dung dịch rửa tay khô nhưng vẫn bảo vệ tốt cho da tay. Ngoài ra, loại nước rửa tay này còn có mùi thơm tự nhiên của tinh dầu sả.

Hiện nhiều trường đại học khác ở phía Nam như: Viện Công nghệ môi trường - năng lượng (Trường Đại học Sài Gòn), Đại học Nông lâm, Đại học Văn Hiến, Đại học Trà Vinh, Đại học Bình Dương... cũng đã nghiên cứu và điều chế hàng nghìn lít dung dịch rửa tay sát khuẩn để phục vụ cho sinh viên, cán bộ, giảng viên trong trường và cung ứng ra ngoài xã hội.

Đánh giá về những đóng góp của khối trường đại học trong phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết: Ngoài việc dành ký túc xá, nơi lưu trú làm khu cách ly, các trường đại học còn tích cực phát huy tinh thần chủ động trong nghiên cứu khoa học và cử cán bộ, sinh viên trực tiếp tham gia chống dịch Covid-19. Một trong những công trình nghiên cứu ứng dụng đáng chú ý là sản phẩm buồng khử khuẩn toàn thân di động, sử dụng công nghệ phun sương với hệ thống phun siêu âm 360, không gây ướt và giúp khử khuẩn toàn thân dễ dàng của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh).

"Có thể nói, trong mọi điều kiện thuận lợi hay khó khăn, các trường đại học đã vững vàng tinh thần chủ động, tiên phong, quyết liệt và phát huy tối đa mọi nguồn lực để chung tay với nhiệm vụ lớn của quốc gia. Tôi mong tinh thần này sẽ được lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống giáo dục, đóng góp hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của đất nước", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhận xét.

Thanh Tàu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/964276/nhung-sang-che-trong-phong-chong-dich