Những sáng kiến bạc tỷ của nữ công nhân tài năng
Sau ngày tốt nghiệp đại học, cô gái trẻ Bạch Lê Ngọc Châu không theo nghiệp văn chương mà quyết định lên Bình Dương xin làm công nhân kiếm tiền mưu sinh. Không ngờ ngã rẽ cuộc đời cộng với tinh thần chịu khó học hỏi đã đưa chị đến với những cải tiến kỹ thuật làm lợi cho doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng. Tháng 7-2023, chị xuất sắc lọt tốp 19 nữ công nhân tiêu biểu cả nước và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh.
Chị Bạch Lê Ngọc Châu nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2023
Không ngừng nỗ lực
Dù bản thân đã nhận được giải thưởng danh giá, nhưng chị Bạch Lê Ngọc Châu vẫn khiêm nhường, không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp trong và ngoài nước. Với người lao động tại Công ty TNHH Sài Gòn Stec (thuộc Công đoàn KCN VSIP), chị luôn nhẹ nhàng hướng dẫn công việc, nên được nhiều người yêu mến.
Trong 5 năm qua (từ năm 2018 đến 2022), chị Bạch Lê Ngọc Châu đã có 5 sáng kiến làm lợi cho công ty với tổng số tiền 330 tỷ đồng. Tưởng chừng những sáng kiến ấy sẽ mang lại thu nhập cho chị mỗi tháng lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng không! Chị Châu chia sẻ rất thực: “Mình chỉ là người làm công ăn lương mà anh, có chăng thì cũng chỉ cao hơn người khác chút đỉnh. Sau 11 năm làm việc tại công ty, có lẽ tài sản lớn nhất của em vẫn là chồng và con. Chúng em vẫn đang ở trọ”.
Hơn 11 năm trước, Bạch Lê Ngọc Châu từng học khoa ngữ văn, trường Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long). Trong những ngày chờ lấy bằng tốt nghiệp, cô gái trẻ quê An Giang cùng chị gái của mình lên Bình Dương xin làm công nhân kiếm tiền mưu sinh. Chính bản thân chị cũng không ngờ khoảng thời gian ngắn tiếp xúc với công việc, chị đã nảy sinh tình yêu công việc với máy móc nên không ngừng nỗ lực học hỏi. Vừa làm vừa nghiên cứu các hệ thống dây chuyền tại các phân xưởng, sau gần 2 năm, chị mạnh dạn thi tuyển vào phòng kỹ thuật của công ty. Chị Châu tâm sự: “Với người được đào tạo chuyên ngành máy móc, khi vào làm ở phòng kỹ thuật đã gặp không ít khó khăn, huống gì người “ngoại đạo” như em. Họ nỗ lực 1 thì mình phải nỗ lực gấp 2, gấp 3”.
Bên cạnh học tập thực tế, nghiên cứu qua sách vở, chị Châu phải học thêm nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nhật. Chị chia sẻ, mỗi lần máy móc trục trặc, hay theo chân lãnh đạo người Nhật đi khảo sát dây chuyền sản xuất, họ truyền đạt những ý tưởng hay thì chị không hiểu. Mà khi không hiểu thì làm sao có sáng kiến hay. Vậy là sau giờ làm, chị lại đạp xe đến các trung tâm học tiếng Nhật cho đến khi nghe nói thành thạo.
Những sáng kiến trăm tỷ
Tại giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần IV-2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng, Bình Dương có 7 lao động (trong tổng số 167 lao động cả nước) được vinh danh. Trong 5 năm qua, 7 công nhân lao động này đã cùng đồng nghiệp không ngừng nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến và được các đơn vị áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, sản xuất an toàn. Qua đó, các sáng kiến đã làm lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp với tổng giá trị lên đến hơn 340 tỷ đồng. Trong đó, có 330 tỷ đồng đến từ 5 sáng kiến của chị Bạch Lê Ngọc Châu.
Mỗi ngày, chị Bạch Lê Ngọc Châu không ngừng nỗ lực phấn đấu với công việc đã chọn
Chia sẻ về những cải tiến kỹ thuật các đề án của mình, chị Châu cho biết bản thân đã trải qua không ít thất bại khi bắt đầu làm. Đó là trong quá trình làm việc, nhận thấy hàng làm ra bị hư hao khá nhiều nên chị đã mày mò áp dụng kỹ thuật mình học được để cải tiến máy móc, cũng như hạn chế tác động từ con người. Từ những cải tiến thủ công, chất lượng chưa cao, chị tiếp tục mày mò, tìm hiểu kỹ thuật của người Nhật và áp dụng 3D cùng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Phương pháp này từng bước thành công, đạt hiệu quả tốt hơn; điều quan trọng là không còn phụ thuộc vào độ tỉ mỉ của người lao động. Cải tiến của chị Châu đã giảm được 0,2% hàng hư so với trước đây...
Nói về ước mơ trong thời gian tới, chị Châu cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với công việc, không ngừng học tập tìm ra những sáng kiến mới, được vinh danh tại các giải thưởng cao quý khác. Và cũng như bao người xa quê đến Bình Dương lập nghiệp, ước mơ lớn nhất của chị là có đủ tiền mua được căn nhà nhỏ cho gia đình.
Với đề án cải tiến tối ưu hóa tiêu chuẩn kiểm tra hàng hư đối với mã hàng năm 2018, chị Châu làm lợi cho doanh nghiệp hơn 43 tỷ đồng/năm; đề án cải tiến thay đổi phương pháp phán định hàng hư cho mã hàng năm 2019 làm lợi cho doanh nghiệp 45 tỷ đồng/năm; đề án cải tiến cải tạo khung chuyển đổi nguyên liệu năm 2021 làm lợi hơn 95 tỷ đồng/năm; đề án cải tiến thay đổi điều kiện bảo quản tấm chụp bảo vệ sản phẩm năm 2022 làm lợi 60 tỷ đồng/năm; giải pháp giảm hàng hư trầy thấu kính năm 2022 làm lợi 87 tỷ đồng/năm…