Những sáng kiến vì cộng đồng của nhà giáo xứ Thanh
Không chỉ hướng trò đến điều tốt đẹp, không ít nhà giáo xứ Thanh còn hăng say viết sáng kiến kinh nghiệm. Nhiều sáng kiến hướng về cộng đồng, mong muốn về một môi trường xanh – sạch – đẹp.
Gắn liền với thực tiễn
“Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) giúp thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng trong công tác giảng dạy, quản lý. Đồng thời, mang đến những đổi mới, sáng tạo trong việc dạy và học, giúp giáo viên (GV) vượt qua tâm lý sức ì trong việc giảng dạy…”.
Đây là chia sẻ của nhà giáo Đinh Thị Lý, GV giảng dạy môn Địa lý, Trường THPT Lê Hồng Phong (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa). Hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Lý là một trong những nhà giáo hăng say tham gia viết SKKN.
Đặc biệt, nhiều SKKN của nữ nhà giáo được đánh giá, xếp loại cấp tỉnh, trong đó SKKN “Tích hợp giáo dục môi trường trong bộ môn Địa lý 10 ở trường THPT Lê Hồng Phong - Bỉm Sơn” được Hội đồng khoa học ngành xếp loại B, năm học 2018–2019.
Theo cô Lý, hiện nay các hoạt động giáo dục về bảo vệ môi trường ở Việt Nam được tiến hành mạnh mẽ và rộng khắp. Trong đó, các em học sinh (HS) chính là chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng cần đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT), bảo vệ sự sống của chúng ta.
“Vì vậy, với lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp đã thúc bách tôi trong việc làm thế nào để môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, vận dụng liên hệ vào môn Địa lý để góp phần nâng cao nhận thức của học trò”, cô Lý chia sẻ.
Không chỉ hăng say cống hiến cho sự nghiệp giáo dục bằng những SKKN gắn liền với thực tiễn, nữ nhà giáo Đinh Thị Lý còn thành công khi dẫn dắt đội tuyển. Đến nay, đã có hàng chục HS được cô dẫn dắt giành giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Đặc biệt, năm 2017 hai HS do cô Lý dẫn dắt đã xuất sắc đoạt giải Khuyến khích cấp Quốc gia tại kỳ thi: “Vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn” do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Trong năm học 2017–2018, nữ GV cũng vinh dự đoạt giải Nhất cấp Quốc gia tại cuộc thi Giáo án tích hợp do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Trải qua hơn 2 thập kỷ gắn bó với nghề, từ những ngày đầu với bao khó nhọc, đồng lương ít ỏi song nữ GV luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đến trường, được nghe tiếng chào đầy thân thương của học trò.
“Những bó hoa cùng lời chúc thật đẹp của HS và cả thành quả mà cô và trò cùng đạt được sau bao tháng ngày cố gắng… đó chính là niềm vui, hạnh phúc níu giữ tôi ở lại với nghề dạy học này”, cô Lý bộc bạch.
Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường
“Cô là một nhà giáo theo hướng hiện đại và rất tâm lý với HS. Phương pháp giảng dạy của cô rất thiết thực với cuộc sống thông qua các hoạt động ngoại khóa. Gần nhất là tham gia dự án bảo vệ môi trường vừa giúp chúng em nâng cao kỹ năng giao tiếp và nâng cao nhận thức về BVMT”.
Đó là những lời chia sẻ chân tình của em Lê Khắc Việt Anh (lớp 10A1, Trường THPT Hoằng Hóa 4) khi nói về người cô kính mến của mình – cô giáo Đặng Thị Hoài Thu, GV tiếng Anh, Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).
Gần 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, “gia tài” của nữ nhà giáo xứ Thanh gồm 8 lần vinh dự nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; gần 50 HS đoạt giải HSG cấp tỉnh. Đặc biệt, năm học 2018-2019 và 2021-2022 cả 5/5 HS do cô Thu dẫn dắt đều đoạt giải tại kỳ thi HSG cấp tỉnh môn tiếng Anh.
Không chỉ vậy, nữ GV Đặng Thị Hoài Thu còn ghi dấu ấn khi tham gia viết SKKN với 9 sáng kiến vinh dự được xếp loại B.
Trong đó, SKKN: “Vận dụng phương pháp giảng dạy theo dự án trong dạy kỹ năng nói tiếng Anh” được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá, xếp loại B năm 2020. Đây cũng là SKKN được đồng nghiệp đón nhận, tham khảo và áp dụng rộng rãi trong dạy và học tại các trường tại Thanh Hóa.
Trong số những sáng kiến được đánh giá, xếp loại, nữ nhà giáo tâm đắc nhất SKKN: “Combining project-based learning in teaching English Go Green projects to raise students’ awareness of the environmental problems” năm 2020. (Kết hợp phương pháp dạy học theo dự án tại “dự án Sống Xanh” để nâng cao ý thức của người học về vấn đề môi trường).
SKKN này của nữ GV được đông đảo HS đón nhận và tham gia vào hoạt động BVMT ngay tại khuôn viên nhà trường và tại địa phương nơi mình sinh sống.
“Khi nêu ra thực trạng về môi trường, tôi cũng đồng thời khơi gợi cho các em những việc làm góp phần BVMT. Thông qua bài học, các em có ý thức hơn và có biện pháp để giữ gìn môi trường.
Bên cạnh đó, các em cũng hăng hái tham gia lao động công ích tại các làng, xã… Từ những việc làm nhỏ này góp phần lan tỏa đến mọi người về ý thức giữ gìn và BVMT”, cô Thu chia sẻ.
Nói về phương pháp giảng dạy của mình, nữ GV bộc bạch: “Không ngừng học tập và đổi mới phương pháp là phương châm trong công tác giảng dạy của tôi. Bởi, mỗi HS là một cá thể khác nhau, mỗi một thế hệ HS có năng lực và nhu cầu sử dụng ngôn ngữ khác nhau.
Vì vậy, GV phải không ngừng học tập, tìm hiểu và vận dụng những phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng HS của mình”.
Trải qua những năm đầu sự nghiệp đầy khốn khó với hành trình “gieo chữ” ở ngôi trường vùng cao – Trường THPT Như Xuân (Như Xuân, Thanh Hóa) cho đến những nốt thăng trong sự nghiệp, nữ nhà giáo cho cho rằng, niềm hạnh phúc của nghề dạy học chính là sự thành công của học trò.
“Nhiều HS sau khi ra trường đã tâm sự “muốn nói Tiếng Anh giống chất giọng như cô”. Điều này khiến tôi rất vui và cảm nhận được sự lan tỏa không nhỏ của mình trong việc học ngoại ngữ của các em HS”, nữ GV tâm sự.
Toán - Đức