Những scandal đạo văn đình đám trên thế giới

Ngày nay, đạo văn là một hiện tượng khá phổ biến mà dường như rất khó loại bỏ được. Và không chỉ những tác giả mới vào nghề, mà cả những người từng đứng ở đỉnh cao của giới văn học cũng phạm luật này. Vậy một số tác giả đã dính vào bê bối đạo văn thế nào và cách xử sự của họ ra sao trước sự cố này?

Helen Keller

Việc đạo văn có thể được biện minh không? Hẳn là có, như trường hợp của Helen Keller. Ở tuổi 11, cô bé khiếm thị và khiếm thính này đã viết một câu chuyện có tên là "Nhà vua băng giá", sau đó được đăng trên tạp chí của trường, tiếp đó được tái bản cho tờ báo của các nhà giáo cũng bị những khuyết tật này.

Nữ tác giả trẻ Helen Keller.

Người ta nhanh chóng phát hiện ra rằng câu chuyện này rất giống với cuốn truyện "Những nàng tiên băng giá" đã được xuất bản trước đó không lâu. Mặc dù vậy, thời điểm đó Keller vẫn tiếp tục sự nghiệp văn chương và được cô kể lại trong tiểu sử của mình. Cô cũng khẳng định rằng mình chưa bao giờ đọc câu chuyện "Những nàng tiên băng giá". Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với bạn bè mới vỡ lẽ câu chuyện đó có thể đã được kể ở đâu đó trong cộng đồng của cô.

Cô gái đã bị phán xét tại "tòa án" trường học. Sau khi thẩm vấn, bồi thẩm đoàn đã không thể thống nhất được ý kiến và chia thành hai phe khác nhau. Một nửa trong số họ cho rằng Keller cố tình đánh cắp ý tưởng, nửa còn lại thì đứng về phía cô gái, nói rằng cô đã trải qua một hiện tượng gọi là Cryptomnesia, khi ranh giới giữa thế giới bên ngoài và thế giới riêng đã bị xóa bỏ. Cuối cùng thì cuộc bỏ phiếu của bồi thẩm đoàn đã tuyên bố trắng án cho cô gái. Là một tác giả còn rất trẻ, trải nghiệm này quá tổn thương đối với Helen đến nỗi sau đó cô nói, trong tương lai sẽ không muốn viết truyện nữa, vì cô không phân biệt được suy nghĩ và ký ức của mình với những gì mà cô đã nghe được ở đâu đó.

Christian Serruya

Người phụ nữ này nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết của mình trước khi bị cáo buộc đạo văn không chỉ một cuốn sách, mà còn hàng chục ấn phẩm khác nhau vào năm 2019. Có tin đồn rằng cô đã sao chép đúng từng từ các đoạn từ sách của người khác và biến chúng thành của mình. Lần đầu tiên, trong tác phẩm của Christian việc đạo văn được phát hiện bởi một cô gái tên là Conurtney Milan, người đã nhận ra sáng tác của chính mình trong một bài mà trước đó cô đã đăng trên blog. Sau đó, nhiều tác giả bắt đầu nói rằng họ tìm thấy những đoạn văn thuộc về họ từ các chủ đề và ý tưởng trong các cuốn sách của Christian. Không lâu sau, điều này còn dẫn đến việc thậm chí những cuốn sách của Seruya bắt đầu bị kiểm tra chính xác "dưới kính hiển vi" để tìm kiếm ở đó những đoạn đạo văn.

Christian chỉ mới 20 tuổi sau khi chuyển đến Brazil làm luật sư và cô đã quyết định bắt tay vào sáng tác bởi ưa thích viết văn. Trong vòng chưa đầy bảy năm, Christian đã viết được khoảng 30 cuốn tiểu thuyết, dĩ nhiên là rất ấn tượng. Tuy nhiên, thay vì thừa nhận việc đạo văn, Christian đã hành động một cách hoàn toàn bất ngờ. Cô đổ lỗi cho tác giả, người mà cô đã thuê viết với giá 5 đô-la một giờ, nhưng điều này không khiến cho ý kiến về cô tốt hơn trong hội văn bút. Vì điều này, Christian đã buộc phải đóng Twitter của mình cũng như trang web cá nhân. Sách của Christian cũng không còn được bán ở hầu hết các hiệu sách.

Kaavia Viswanathan

Năm 2006, ở tuổi 16, Kaavia đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình. Cuốn sách có một slogan rất nổi bật "Bạn sẵn sàng đi bao xa để đạt được điều mình muốn?". Đây là một bước phát hiện mới trong văn đàn. Kaavia khi đó đang là sinh viên của Đại học Harvard và nhân vật chính trong sách là một cô gái muốn được vào học tại trường đại học này bằng tất cả sự nỗ lực của bản thân.

Sau khi xuất bản, cuốn sách nhanh chóng nhảy vọt lên vị trí sách được bán chạy nhất, cùng vị trí với cuốn tiểu thuyết của Megan McCafferty viết về một cô gái trẻ. Tất nhiên, điều này không thể không làm cho mọi người so sánh hai cuốn sách đó với nhau. Và chính vì vậy mà cuốn sách của Kaavia thất bại. Sau khi kiểm tra cẩn thận, người ta thấy rằng có nhiều phần trong cuốn sách của Megan đã được Kaavia sao chép và đưa vào sách của mình. Các nhà báo của tờ The New York Times đã tìm thấy ít nhất 29 đoạn đã bị đạo văn.

Khi điều này được đưa ra, Kaavia thú nhận là đã vô thức sao chép tác phẩm của người khác. Cuốn sách thu được gần 500 nghìn đô-la đã bị thu hồi khỏi các hiệu sách. Tuy nhiên, vụ bê bối này đã không làm tổn hại cho Kaavia vì cô đã sớm bắt đầu cuộc sống mới và bước đầu tạo lập sự nghiệp trong lĩnh vực lập pháp.

Jill Abramson

Jill là cựu Giám đốc điều hành của The New York Times, sau đó đã viết một cuốn sách có tên là "Những nhà buôn sự thật" - tuyên bố về tình trạng của giới truyền thông đương đại, trong đó bà tố cáo chất lượng và tính trung thực của báo chí đang ở mức thấp. Năm 2019, người ta nhận thấy ít nhất có sáu đoạn trong cuốn sách đã được mượn từ các tác giả khác mà không được chỉnh lý cho phù hợp.

Ngoài ra, trong cuốn sách các trích dẫn đã được dùng cũng với cách đó. Hơn nữa, chúng còn được sử dụng theo cách như thể chính Abramson nói chuyện với những người mà về nguyên tắc, bà không thể nói chuyện với họ. Jill khẳng định là bản thân bà không đạo văn trong tác phẩm của những người khác, nhưng bà cũng nói rằng đã nhận thức một cách sâu sắc và nghiêm túc tuyên bố này. Các nhà xuất bản khẳng định rằng, cuốn sách đã được kiểm tra cẩn thận và chuẩn bị xuất bản, và nếu thấy cần thiết thì tác giả sẽ thực hiện những sự thay đổi cần thiết.

Jill Abramson, người từng là giảng viên báo chí tại Harvard đã quy mọi lỗi sai sót trong sổ ghi chép của mình, bà lưu ý rằng những điều đã được viết không khớp với những gì có trong cuốn sách. Cuối cùng, bà buộc phải thừa nhận là trong sáng tác của mình có một số đoạn đặc thù đã được vay mượn, nhưng đã được công nhận là không có chủ ý. Tuy nhiên, những sai sót như vậy là một hiện tượng khá lạ lùng đối với một người từng giảng dạy tại Đại học Harvard.

Stephen Ambrose

Tác giả sách phi hư cấu Stephen Ambrose.

Trước khi xảy ra câu chuyện đạo văn, Stephen được biết đến như một tác giả sách best-seller phi hư cấu. Vì vậy, khi ông xuất bản cuốn sách mới về một phi công lái máy bay ném bom trong Thế chiến II thì mọi người phát hiện ra đó rõ ràng là đạo văn và là một vụ bê bối thực sự. Một nhà sử học khác đã tìm thấy trong ấn phẩm này những ngôn từ của riêng mình, tuy nhiên mọi sự lại không đơn giản như vậy. Mặc dù Ambrose có ghi nhận về tác giả trên trong phần chú thích nguồn thông tin, nhưng lại không thêm dấu ngoặc kép trong văn bản để chỉ ra rằng có một số đoạn văn nhất định đã được trích dẫn. Đây có lẽ là một sơ suất, sai lầm đơn giản, ông đã xin lỗi và được nhà sử học trên chấp nhận. Thế nhưng vụ việc này buộc các nhà báo của tạp chí Forbes phải đào sâu thêm một chút. Và họ đã tìm thấy trong sách của Ambrose nhiều đoạn ghép khác nữa thuộc về các tác giả khác. Song Stephen đã phản ứng với điều này một cách kém thuyết phục hơn lần trước.

Sau khi Stephen qua đời vào năm 2002, các nhà báo cho rằng tác phẩm nổi tiếng nhất của ông ghi lại cuộc đời của Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower thực sự đã dựa trên các sự kiện hư cấu và những cuộc phòng vấn bịa đặt. Stephen tuyên bố đã bỏ ra hàng giờ trong Văn phòng của Tổng thống để trực tiếp tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy rằng họ đã gặp nhau nhiều nhất chỉ là năm giờ trong toàn bộ thời gian viết sách. Ngoài ra, vào những ngày mà Stephen nói rằng đang gặp Tổng thống, thực tế là ông lại đang ở rất xa văn phòng của mình.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhung-scandal-dao-van-dinh-dam-tren-the-gioi-i651219/