Những sĩ quan Công an biệt phái sang làm 'sếp' ở Bộ Giao thông, giờ ra sao?
Đã có hơn 10 sĩ quan Công an cấp bậc từ Thiếu tá đến Thiếu tướng thuộc một số Tổng cục của Bộ Công an đã được biệt phái sang làm việc và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng ở Bộ GTVT trong giai đoạn 2014 và 2015.
Đầu năm 2014, Bộ GTVT công bố các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm nhiều sĩ quan Công an biệt phái về công tác tại Bộ này. Lúc đó, Cục An ninh kinh tế tổng hợp (Tổng cục An ninh II) là đơn vị có nhiều cán bộ được điều động theo diện này.
Cụ thể, Đại tá Trần Văn Dũng - Phó Cục trưởng An ninh kinh tế tổng hợp đã nhận chức Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT); các Đại tá, Phó Cục trưởng của Cục nói trên là ông Đào Văn Chương và Nguyễn Minh Cương lần lượt được tiếp nhận và bổ nhiệm Phó cục trưởng Cục Hàng không và Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Một số đơn vị khác của Bộ GTVT như Thanh tra, Vụ Tổ chức cán bộ cũng có người của lực lượng Công an giữ các vị trí cấp phó. Ở Văn Phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Văn phòng Thường trực Ủy ban An ninh hàng không quốc gia cũng có 4 sỹ quan Công an cấp Tá được biệt phái nhận nhiệm vụ công tác ở đây.
Cụ thể, trong số hơn 10 người thuộc diện biệt phái, người có cấp bậc cao nhất là Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, khi đó là Cục trưởng Cảnh sát đường thủy (Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội) được tiếp nhận làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; người có cấp bậc thấp nhất là một nữ Thiếu tá, về làm chuyên viên của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Đặc biệt, tại một đơn vị được coi là quan trọng bậc nhất ở Bộ GTVT - Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, cũng có người của ngành Công an, đó là Đại tá Phạm Quốc Hiếu. Trước khi biệt phái sang làm Phó Cục trưởng Cục này, ông Hiếu là Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch Đầu tư (Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an).
Ở ngành Đường sắt, sau khi xảy ra vụ việc tiêu cực nhận hối lộ của nhà thầu Nhật Bản, tháng 11/2015 một Đại tá Công an ở Cục Cảnh sát giao thông là ông Nguyễn Văn Minh cũng được cử biệt phái đến đây và bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong thời gian 3 năm.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từng lãnh đạo 2 đơn vị có cán bộ biệt phái ngành Công an cho biết: “Hồi tôi công tác ở Thanh tra Bộ, có đồng chí Vũ Ngọc Dũng - Phó Cục trưởng C67 sang làm Phó Chánh và sau này ở Tổng cục Đường bộ thì có đồng chí Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng C68 về làm Phó Tổng cục trưởng trong vòng 2 năm. Nhìn chung, trong quá trình làm biệt phái, các đồng chí này đã hỗ trợ tốt cho ngành”.
Theo quan sát, đến thời điểm này, phần lớn các sỹ quan Công an sau 4 - 5 biệt phái sang Bộ GTVT, hiện vẫn đang công tác ở Bộ này với các chức vụ như thời điểm tiếp nhận, bổ nhiệm. Chỉ có Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng đã quay trở lại Bộ Công an, và đã được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông.
Tại các Cục như Hàng không, Đăng kiểm, Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông… các cán bộ biệt phái vẫn đảm nhiệm vị trí Phó Cục trưởng tại các đơn vị này. Thậm chí, có người đã hết thời gian biệt phái (Đại tá Nguyễn Văn Minh - Phó Cục trưởng Cảnh sát giao thông) nhưng vẫn chưa quay trở về Bộ Công an mà tiếp tục công việc ở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam?
Trao đổi với PLVN về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) Trần Văn Lâm cho hay, mọi chế độ và phụ cấp cho các cán bộ biệt phái sang Bộ GTVT đều do Bộ Công an chi trả theo quy định hiện hành. “Trong thời gian tới, các đồng chí cán bộ này sẽ vẫn tiếp tục công tác tại các đơn vị thuộc Bộ GTVT cho tới khi đến tuổi hưu chứ không quay về Bộ Công an nữa”, ông Lâm cho biết.
Thực hiện Nghị định 01 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công an, từ ngày 6/8/2018, 6 Tổng cục của Bộ này đã bị xóa bỏ, đồng thời đã giảm 60 đơn vị cấp Cục… Một số lãnh đạo cấp Tổng cục sau cuộc sắp xếp tổ chức nói trên đã xuống làm Cục trưởng.