Những sông hồ có màu sắc lạ nhất trên thế giới
Canõ Cristales được mệnh danh là dòng sông chạy trốn khỏi thiên đường, còn ba hồ nước ở Indonesia lại lần lượt đổi màu cho nhau.
Nước của các dòng sông, suối và hồ đột nhiên chuyển sang màu đỏ khiến nhiều người không khỏi hoang mang lo ngại. Hiện tượng này xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Một số là ô nhiễm do con người gây ra, một số là hiện tượng tự nhiên kỳ thú, còn một số vẫn còn là những “bí ẩn”.
Hồ Chinoike Jigoku (Nhật Bản)
Hay còn gọi Ao máu Địa ngục, là một trong bảy suối nước nóng để ngắm, thay vì tắm ở thành phố Beppu. Với nhiệt độ 78 độ C, nước hồ thường sôi, sủi bọt và hơi nước bay mù mịt trong không khí. Ngoài nhiệt độ Chinoike Jigoku có nhiều oxit sắt dưới đáy, khiến hồ có màu đỏ đậm.
Río Tinto
Được mệnh danh là “Sao Hỏa của Trái Đất”,Río Tintolà dòng sông nổi tiếng ở Tây Ban Nha, thu hút du khách và các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đến thăm mỗi năm vì làn nước mùa đỏ như máu. Dòng sông trải dài hơn 100 km, theo chiều dọc đất nước, được xem là nguồn quặng đồng, sắt lớn nhất thế giới. Río Tinto có màu như vậy là kết quả của hoạt động khai thác làm thay đổi địa hình khu vực, khiến sắt và các kim loại nặng từ mỏ rỉ ra ngoài. Do đó, việc khai thác đã được dừng lại bởi ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Hồ Hillier
Nằm trên bán đảo Middle ngoài khơi bờ biển phía nam của Tây Úc. Nước hồ có màu hồng tự nhiên và không thay đổi màu sắc ngay cả khi bị lấy ra khỏi hồ. Hồ Hillier dài khoảng 600 m, rộng 250 m, diện tích bề mặt khoảng 15 ha và được bao quanh là rừng cây rậm rạp.
Nếu nhìn từ trên cao, du khách sẽ thấy rõ sự tương phản giữa màu hồng trong nước hồ và màu xanh của đại dương. Màu hồng của nước trong hồ là tự nhiên, không thay đổi, vẫn giữ nguyên màu khi nước được đưa ra khỏi hồ. Nguyên nhân hồ nước có màu hồng do hàm lượng muối cao tạo điều kiện cho vi tảo Dunaliella Salina phát triển.
Canõ Cristales (Colombia)
Dòng sông bảy sắc cầu vồng này được tương truyền là "trốn từ trên thiên đường xuống hạ giới cư ngụ", nằm ở phía đông dãy Andes. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đây là kết quả của một hiện tượng sinh học độc đáo, thường xuất hiện từ tháng sáu đến tháng 11. Dưới lòng sông có một loại cây thủy sinh hiếm. Phần lớn thời gian trong năm, loại cây này có màu xanh sẫm. Nhưng khi mùa mưa tới, mực nước dâng cao và ánh nắng mặt trời chiếu tới đáy sông thì loại cây này bùng nổ thành những dải sắc màu sặc sỡ, từ tím, hồng, vàng nhạt tới xanh lá.
Năm 2009, khu vực này mở cửa đón khách tham quan, và thu hút hàng triệu người ghé thăm. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể đến đây vào nửa cuối năm. Từ tháng 1 đến 5, sông sẽ không đón khách để hệ sinh thái khu vực được "nghỉ ngơi".
Grand Prismatic
Grand Prismaticlà suối nước nóng lớn thứ ba thế giới, diện tích hơn một sân bóng đá và nằm ở vườn quốc gia Yellowstone, Mỹ. Suối nước nóng có dải màu cam, vàng, xanh lá cho tới xanh lam. Màu sắc sặc sỡ là kết quả do các thảm vi sinh vật ưa nhiệt tạo ra.
Ba hồ nước đổi màu ở Kelimutu
Ở độ cao hơn 1.600 m trên đỉnh núi lửa Kelimutu, thuộc quần đảo Flores là ba hồ nước giống hệt nhau và nằm liền kề. Điều độc đáo là ba hồ nước luôn mang màu sắc khác nhau, và sẽ đổi màu cho nhau vào thời gian không cố định trong năm như xanh lá, xanh da trời, đỏ đồng hoặc xám đen.
Với màu sắc sặc sỡ, biến đổi quanh năm, những dòng sông này luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan.