Những 'sứ giả văn hóa' ở Đền Hùng
Mặc dù chưa đến chính hội nhưng lượng du khách đổ về Khu Di tích lịch sử Đền Hùng những ngày này khá đông. Đây chính là thời điểm công việc của những người làm công tác thuyết minh, hướng dẫn tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng bắt đầu vất vả hơn, song mỗi người đều ý thức trách nhiệm với công việc được giao. Không chỉ giới thiệu, truyền tải thông tin giúp du khách hiểu về các giá trị văn hóa vùng Đất Tổ mà còn góp phần xây dựng hình ảnh con người Đất Tổ thân thiện, mến khách, tạo ấn tượng tốt đẹp cho mỗi du khách khi về nơi Cội nguồn dân tộc.

Cán bộ Phòng Quản lý di tích, văn hóa, lễ hội, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng giới thiệu cho du khách về truyền thuyết Mẹ Âu Cơ tại Đền Hạ.
Hướng dẫn đoàn du khách của Tổ chức kết nối doanh nghiệp BNI Việt Nam về dâng hương tại Đền Hùng vào trung tuần tháng 2 âm lịch vừa qua, chị Nguyễn Thị Vân Anh - Phòng Quản lý di tích, văn hóa, lễ hội duyên dáng trong bộ áo dài truyền thống, dịu dàng truyền tải thông tin về giá trị văn hóa, lịch sử và sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của du khách liên quan đến các di tích đình, đền hay những hiện vật còn lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, giúp du khách mở mang hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa nước nhà.
Chị Vân Anh chia sẻ: Để hướng dẫn cho du khách khi về Đền Hùng đòi hỏi mỗi cán bộ như chúng tôi phải được trang bị đầy đủ các kiến thức lịch sử, văn hóa thời đại Hùng Vương, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng như lịch sử các di tích, cổ vật được trưng bày tại Đền Hùng để giải đáp cho du khách. Đồng thời, mỗi người phải có kỹ năng của một hướng một dẫn viên du lịch.

Cán bộ Phòng Quản lý di tích, văn hóa, lễ hội giới thiệu cho du khách về Lăng Hùng Vương.
Luật sư Phạm Thành Long- trưởng đoàn Tổ chức kết nối doanh nghiệp BNI Việt Nam về dâng hướng tại Đền Hùng thông tin: Đoàn cán bộ, nhân viên của Tổ chức kết nối doanh nghiệp BNI hôm nay có gần 100 người. Cảm nhận của chúng tôi khi về đây là Đền Hùng rất xanh, sạch, đẹp. Các hướng dẫn viên rất nhiệt tình, đã giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về thời đại Hùng Vương cũng như các Vua Hùng, các bậc tiền nhân có công xây dựng đất nước.

Các em học sinh nghe cán bộ Phòng Quản lý di tích, văn hóa, lễ hội giới thiệu về trống đồng đang trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Không chỉ hướng dẫn, thuyết minh cho các đoàn khách tham quan, các thuyết minh, hướng dẫn viên của Khu di tích còn hướng dẫn thuyết minh cho các em học sinh, các du khách trong nước và quốc tế. Công việc này không chỉ đòi hỏi sự kiên trì học hỏi, trau dồi kỹ năng mà còn cần tình yêu và lòng đam mê để thực sự trở thành những “sứ giả” mang giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương đến với du khách.
Đội hướng dẫn, thuyết minh thuộc Phòng Quản lý di tích, văn hóa, lễ hội của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng hiện nay có trên 30 người, đều là viên chức và có trình độ Đại học trở lên. Đây là những người không chỉ có kiến thức chuyên sâu về thời đại Hùng Vương nói chung mà còn có kiến thức cụ thể về từng chi tiết, đường nét kiến trúc quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; đặc điểm hình thành, ý nghĩa, giá trị lịch sử - văn hóa của từng địa danh, không gian nơi đây.
Ví như nói về Cổng đền của Đền Hùng, các hướng dẫn viên không chỉ nhớ thời gian xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917) mà còn phải biết kết cấu kiến trúc cổng là xây kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống, giữa tầng một có đề bức đại tự “Cao sơn cảnh hành” nghĩa là “lên núi cao nhìn xa rộng”.
Tới đền Hạ, phải truyền tải được sự tích nguồn gốc “đồng bào” gắn với truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai được bắt nguồn từ đây. Cứ như vậy, men theo hàng trăm bậc đá, ngược gần 175m lên tới đỉnh Nghĩa Lĩnh, hàng trăm câu chuyện của các di chỉ, chứng tích lịch sử văn hóa đều được các hướng dẫn viên khéo léo truyền tải tới du khách thập phương.
Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng Phạm Thị Hoàng Oanh cho biết: Để nâng cao chất lượng, trình độ cán bộ làm công tác hướng dẫn, thuyết minh tại Đền Hùng, trong năm, chúng tôi đã phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương, Hội Hướng dẫn viên Du lịch mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng cho người làm hướng dẫn, thuyết minh tại Đền Hùng. Không những vậy, hàng năm Khu di tích đều tổ chức tập huấn cho những người đăng ký hành nghề chụp ảnh, chạy xe điện, ông từ những kiến thức cơ bản các nghi lễ, về văn hóa, lịch sử của Khu di tích để có thể truyền đạt lại cho du khách.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhung-su-gia-van-hoa-o-den-hung-230560.htm