Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế từ 18/1 -23/1

OPEC+ tuân thủ 99% thỏa thuận cắt giảm trong tháng 12; Rosneft đang mời gọi các nhà đầu tư trong dự án Vostok Oil ở Siberia; tân Tổng thống Mỹ sban hành lệnh cấm tạm thời đối với các hợp đồng thuê dầu khí trong Khu bảo tồn động vật hoang dã Quốc gia Bắc Cực... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng thế giới tuần qua.

1. Các nhà sản xuất thuộc liên minh OPEC+ đã tuân thủ mức cắt giảm sản lượng dầu ở mức 99% vào tháng 12/2020, giảm so với mức 101% vào tháng 11, hãng Reuters đưa tin.

Đầu tháng này, công ty theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics ước tính rằng, sự tuân thủ của nhóm OPEC+ đối với việc cắt giảm sản lượng dầu đã giảm xuống 75% vào tháng 12/2020 - một trong những mức thấp nhất kể từ khi hiệp ước được ban hành vào tháng 5/2020.

2. Các nguồn tin trong ngành nói với Reuters rằng, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của OPEC, Iraq, đã giảm 10-20% nguồn cung có thời hạn trong năm 2021 cho một số nhà máy lọc dầu lớn của Ấn Độ. Dường như động thái này của Iraq là nhằm cố gắng thực hiện đúng cam kết với OPEC+.

Việc cắt giảm từ Iraq diễn ra trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu và nhập khẩu dầu của Ấn Độ đang phục hồi từ mức thấp trong thời kỳ đại dịch.

3. Hãng Reuters đưa tin, nhà sản xuất dầu hàng đầu của Nga, Rosneft, đang đàm phán với một số nhà kinh doanh dầu lớn nhất thế giới, đề nghị họ trở thành nhà đầu tư trong dự án quy mô lớn Vostok Oil ở Siberia, thuộc vùng Viễn Bắc của nước này để đổi lấy các hợp đồng cung cấp dầu.

Vostok Oil bao gồm các cụm Vankor và Payakha với nguồn tài nguyên ước tính khoảng 44 tỷ thùng.

4. Nhóm chuyển tiếp của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cho biết, tân tổng thống sẽ ban hành "lệnh cấm tạm thời" đối với tất cả các hợp đồng thuê dầu khí trong Khu bảo tồn động vật hoang dã Quốc gia Bắc Cực, hay khu vực ANWR.

Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Trump hoàn tất hợp đồng thuê khoan Bắc Cực 10 năm trên gần 400.000 mẫu Anh ở ANWR của Alaska - quyết định được ông Trump thông qua vào ngày cuối cùng tại vị.

5. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro mới đây cho biết, nước này đang mở cửa đón đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp dầu mỏ của mình, nhằm đảo ngược sự sụt giảm sản lượng nghiêm trọng, dưới tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Venezuela sẽ hướng tới việc bơm 1,5 triệu thùng dầu/ngày, và điều này sẽ cần sự giúp đỡ từ các đối tác nước ngoài.

6. Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) đang tìm cách thiết lập quan hệ đối tác với các công ty Mỹ để phát triển các nguồn dầu phi truyền thống tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Tháng 11 năm ngoái, Hội đồng Dầu mỏ tối cao của Abu Dhabi cho biết tiểu vương quốc này đã tăng tổng trữ lượng dầu của mình thêm 2 tỷ thùng lên 107 tỷ thùng nhờ những phát hiện mới, đồng thời công bố Abu Dhabi có 22 tỷ thùng dầu dự trữ phi truyền thống cho đến nay, một lần nữa nhờ những phát hiện mới trên đất liền.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nhung-su-kien-noi-bat-tren-thi-truong-nang-luong-quoc-te-tu-181-231-596960.html