Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 6/2 - 11/2
Nhà chức trách Nga đang xem xét đánh thuế thu nhập bất thường đối với các tập đoàn lớn; Thâm hụt thương mại của Mỹ đạt gần 1 tỷ USD... là những điểm nhấn nổi bật trên bức tranh thị trường toàn cầu tuần qua.
1. Moscow đang xem xét đánh thuế thu nhập bất thường đối với các tập đoàn lớn như một biện pháp bù đắp cho doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt đang sụt giảm nghiêm trọng, khiến nước này bị thâm hụt 25 tỷ USD.
Theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, Moscow đang thảo luận về khoản đóng góp "tự nguyện" một lần từ các doanh nghiệp lớn.
2. Cuộc đình công tại Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải tổ hưu trí, đã làm gián đoạn việc vận chuyển nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu và kho nhiên liệu của TotalEnergies hôm 7/2.
Công nhân, viên chức trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành năng lượng, đã đình công trong nhiều tuần để phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron.
3. Ngân sách của Nga thâm hụt 24,7 tỷ USD (1,76 nghìn tỷ rúp) trong tháng 1, so với thặng dư vào tháng 1 năm 2022, do doanh thu nhà nước từ dầu mỏ và khí đốt giảm 46,4%, Bộ Tài chính Nga cho biết trong một ước tính sơ bộ.
Tổng thu ngân sách tháng trước giảm 35% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi tổng chi ngân sách tháng 1 tăng 58,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu của Bộ cho thấy.
4. Nhằm tiếp tục gây áp lực lên doanh thu của Iran, Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 9 công ty khai thác, bán và vận chuyển xăng dầu và hóa dầu của Iran ở châu Á.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết 9 công ty bị trừng phạt ngày hôm nay đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khai thác, bán và vận chuyển hóa dầu và dầu mỏ trị giá hàng trăm triệu USD của Iran cho người mua ở châu Á.
5. Bloomberg thông tin rằng, gã khổng lồ ExxonMobil đang tiến hành thành lập một bộ phận giao dịch toàn cầu để cạnh tranh mạnh mẽ hơn với những công ty như BP và Shell trong thế giới phái sinh năng lượng có rủi ro cao nhưng lợi nhuận cũng rất tiềm năng.
Cổ phiếu của Exxon Mobil (XOM) đang phục hồi trở lại mức cao kỷ lục sau khi The Wall Street Journal đưa tin rằng ông lớn năng lượng này sẽ sáp nhập các đơn vị kinh doanh như một phần của quá trình tái cơ cấu công ty.
6. Giá dầu cao đã góp phần đẩy thâm hụt thương mại quốc tế của Mỹ lên gần 1 nghìn tỷ USD, theo một công bố hôm thứ Ba của Cục Phân tích Kinh tế.
Thâm hụt hàng hóa và dịch vụ năm 2022 là 948,1 tỷ USD, tăng 103 tỷ USD so với mức thâm hụt năm 2021, trong đó nhập khẩu tăng 556,1 tỷ USD.