Những sự kiện và điểm đến ấn tượng với phóng viên thường trú ở Nga

Từ một biên tập viên Ban Biên tập Tin Thế giới của Thông tấn xã Việt Nam, năm 2013, cuộc sống và cả cách làm nghề thay đổi khi tôi bước vào con đường làm phóng viên thường trú nước ngoài.

Tác giả đưa tin lễ hội Năm mới Ysyakh Tuymaada độc đáo của người Yakut tại Nga.

Tác giả đưa tin lễ hội Năm mới Ysyakh Tuymaada độc đáo của người Yakut tại Nga.

Quả thực sự ép đối với một con người suốt 10 năm chỉ quanh quẩn dịch tin ở Tổng xã (trụ sở chính TTXVN) khi đó với tôi không hề nhỏ. Trước tiên, đó là áp lực phải “hồi” lại tiếng Nga sau gần 20 năm, khi lưỡi đã cứng và phát âm đôi lúc còn ngọng. Lần bóc băng phỏng vấn đầu tiên khiến tôi vật lộn suốt cả đêm, nhưng nhờ nền tảng từ thời du học Liên Xô nên cuối cùng tôi cũng có thể vượt qua những trở ngại ban đầu này. Có thể nói so với một biên dịch viên, làm phóng viên là sự thay đổi không nhỏ. Bạn buộc phải tích nghi với cuộc sống “nay đây, mai đó” mà điểm quan trọng nhất theo tôi đó là các sự kiện và điểm đến. Đây chính là những yếu tố chính để khám phá, phát hiện, thực hiện các loại hình thông tin.

Với tôi, cả hai nhiệm kỳ làm việc ở Nga đều đầy ăm ắp sự kiện. Trong nhiệm kỳ thứ nhất (2013-2016), tôi đã chứng kiến những xung đột, như biểu tình ở Maidan tại trung tâm thủ đô Kiev (Ukraine), sự kiện trưng cầu dân ý ở bán đảo Crimea, hay tình cảnh của người Việt Nam tại khu vực Donetsk ở miền Đông Ukraine. Đến nhiệm kỳ thứ hai (2019-2023), tôi cũng vẫn chứng kiến nhiều xung đột ở miền Đông Ukraine, song lần này ác liệt hơn nhiều. Một giai đoạn có ảnh hưởng lớn nữa là khi nước Nga “bế quan tỏa cảng” do đại dịch COVID-19.

Sau đại dịch, những tưởng hoạt động giao lưu sẽ cải thiện hơn, đi lại dễ dàng hơn, thì chiến dịch quân sự đặc biệt lại nổ ra, để rồi xứ Bạch Dương phải chịu hàng nghìn lệnh cấm vận, hạn chế. Tuy nhiên, trong những giai đoạn khó khăn đó, người phóng viên vẫn phải đảm bảo cho mình những sự kiện và điểm đến để có thể tiếp tục “dòng thông tin không ngừng chảy” theo đúng tin thần TTXVN.

Với sự kiện, trong giai đoạn COVID-19, tôi bất ngờ được có mặt trên Quảng trường Đỏ để đưa tin về cuộc duyệt binh nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nước Nga tháng 6/2020. Đối với tôi, việc bất ngờ có mặt tại cuộc duyệt binh này có thể xem như “không tưởng”. Do đại dịch COVID-19, chính quyền Nga đã hạn chế đáng kể số phóng viên có mặt tại sự kiện này. Tuy nhiên, vào phút chót, tôi lại có cơ hội “khó tin” để hiện diện ở một sự kiện hoành tráng của nước Nga trong bối cảnh đại dịch.

Đi xe ngựa dạo quanh khu trung tâm cổ kính của St. Petersburg, thành phố tuyệt đẹp bên bờ sông Neva của nước Nga nhân dịp kỷ niệm tròn 320 tuổi với hơn 200 hoạt động kỷ niệm tưng bừng.

Đi xe ngựa dạo quanh khu trung tâm cổ kính của St. Petersburg, thành phố tuyệt đẹp bên bờ sông Neva của nước Nga nhân dịp kỷ niệm tròn 320 tuổi với hơn 200 hoạt động kỷ niệm tưng bừng.

“Khó tin” là bởi vì ngay với các cựu chiến binh Liên Xô được mời, để có mặt ở sự kiện này, họ phải đi “nghỉ dưỡng” cách ly nhiều tuần tại một cơ sở riêng để đảm bảo không nhiễm virus. Nhờ cơ hội này, tôi may mắn vì có mặt trên Quảng trường Đỏ dự cả cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng của nước Nga năm 2015 khi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sang tham dự, lẫn lễ kỷ niệm 75 năm.

Với miền Đông Ukraine, nơi tôi từng có nhiều kỷ niệm tác nghiệp trong nhiệm kỳ thứ nhất, đầu năm 2022, khi chiến sự diễn ra ác liệt, Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt ở LB Nga phải thực hiện một chiến dịch đặc biệt. Đó là đưa những gia đình người Việt bị mắc kẹt trong vùng chiến sự ở khu vực này về nước qua ngả LB Nga.

Đương nhiên, với vai trò phóng viên tại địa bàn, chúng tôi cũng tham gia vào nỗ lực chung này. Tuy số người Việt được đưa về qua ngả LB Nga chỉ gần 100 người, không nhiều so với đại bộ phận người Việt Nam tản cư qua miền Tây Ukraine sang các nước châu Âu, song những người Việt này có lẽ là các nhân chứng phải hứng chịu nhiều bom đạn nhất vì nơi họ ở trực tiếp là những chiến trường ác liệt. Nghe qua lời họ kể có lẽ khó ai có thể cầm được lòng và cảm xúc. Những người Việt bị kẹt ở Mariupol đã phải trú trong hầm tối cả tháng trời, không được tắm rửa, chứng kiến căn hầm kiên cố rung lên trong những trận mưa bom đạn.

Hoặc mới đây, một gia đình người Việt ở Donetsk cho tôi xem video về một mảnh đạn bắn xuống và găm thẳng vào tủ lạnh trong phòng bếp, ngay khi người vợ vừa từ bếp đi vào phòng trong. Ấy vậy mà người Việt còn ở thành phố này vẫn ra chợ bán hàng, tiếp tục mưu sinh. Trò chuyện với họ, tôi cảm nhận được sự điềm tĩnh, dù cho họ đã phải đối mặt với những rủi ro khủng khiếp như thế nào. Đối với một người phóng viên, đây là những thứ để có thể cảm nhận, hiểu sâu hơn về cuộc sống, đặc biệt là nhận thức được rõ những ảnh hưởng tiêu cực mà chiến tranh đem lại, để thêm yêu cuộc sống bình yên cũng như nền hòa bình mà người dân Việt Nam đang được hưởng thụ.

Tất nhiên, trải nghiệm ở nước Nga không chỉ có xung đột. Khi là phóng viên, tôi có thể khám phá nhiều điểm đến ở Nga. Là nước có diện tích rộng nhất thế giới, trải dài trên 9 múi giờ, vì vậy, quốc gia này có những điểm đến thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ. Riêng đối với tôi, trong nhiệm kỳ này, điểm đến gây ấn tượng mạnh mẽ là khu vực Siberia hoang sơ, hữu tình; hay như Baikal, hồ nước ngọt lớn và sâu nhất thế giới; hay như bức tường thành đá hùng vĩ cao trung bình 200m, kéo dài hàng chục km trên sông Lena…

Đi nhiều, trải nghiệm nhiều đã khiến những kinh nghiệm tác nghiệp của tôi ở LB Nga càng thêm phong phú.

Duy Trinh (P/v TTXVN tại Moskva)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-su-kien-va-diem-den-an-tuong-voi-phong-vien-thuong-tru-o-nga-20230617105352170.htm