Những sự thật bất ngờ và thú vị về thể thao thời Liên Xô
Thể thao thời Liên Xô có những sự thật bất ngờ và thú vị nhất, từ Đại hội Olympic đầu tiên đến trận đấu bóng đá diễn ra trên Quảng trường Đỏ, nơi có một vị khán giả đặc biệt là nhà lãnh đạo Joseph Stalin.
Lá cờCộngsảnxuấthiệntrướccôngchúngtạichâu Âu
Thời kỳ đó, biểu tượng và quốc ca của những nước xã hội chủ nghĩa trong các giải đấu quốc tế tại châu Âu không được hoan nghênh. Chẳng hạn, tại đó cấm xuất hiện lá cờ đỏ của Liên Xô, không được thể hiện bài “Quốc tế ca” (đây cũng là quốc ca của Liên bang Xô viết lúc bấy giờ).
Các cầu thủ đội tuyển bóng đá Liên Xô đã nhanh trí xử lý tình huống này trong chuyến du đấu năm 1932 đến các nước Baltic, Scandinavia và Đức. Đội trưởng Pyotr Artemyev đã qua mặt hải quan bằng cách quấn lá cờ lên người mình. Khi bước ra sân vận động, đội tuyển Liên Xô mang theo bên mình và giương cao lá cờ Cộng sản khổ lớn.
Buổitườngthuậtphátthanhthểthao đầutiênởLiênXô
Việc phổ biến đài phát thanh ở Liên Xô từng diễn ra đồng thời với công tác tuyên truyền thể dục thể thao. Ngày 26-5-1929, trận bóng đá giữa hai đội tuyển Ukraine và Moskva lần đầu tiên trong lịch sử được bình luận trên sóng phát thanh.
Người bình luận cho trận bóng này là phát thanh viên 22 tuổi Vadim Sinyavsky, người sau này trở thành bình luận viên huyền thoại, một trong những nhà báo thể thao đầu tiên ở Liên Xô. Điều thú vị là, một trong những tài năng của Vadim Sinyavsky là có thính giác cực kỳ tốt. Bởi trước khi trở thành người hướng dẫn thể dục trên sóng phát thanh, ông từng là nhạc công biểu diễn tại các nhà hát ở Moskva.
Trận bóng đá diễn ra ngay trên Quảng trường Đỏ
Năm 1936, một trận bóng đá đã được tổ chức ngay trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva. Vị khán giả đặc biệt của trận đấu là nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, người rất hâm mộ môn thể thao này. Trận bóng được sắp xếp diễn ra khi kết thúc màn đồng diễn thể dục quy mô lớn.
Ra sân là đội hình chính và đội dự bị của Câu lạc bộ bóng đá “Spartak”. Để tổ chức trận đấu, người ta cho trải trên Quảng trường Đỏ tấm thảm màu xanh cỡ lớn rộng 9.000m2 do 300 người thợ thực hiện. Xin nói thêm, trận đấu diễn ra theo kịch bản đã dựng trước để nhà lãnh đạo Stalin có thể xem những bàn thắng.
Tiêu chí “Sẵn sàng lao động và phòng thủ” thể hiện tư cách công dân
Năm 1932, Liên Xô bắt đầu triển khai đề án quy mô rộng khắp trong lĩnh vực thể dục thể thao nhằm đưa ra khái niệm mới về cuộc sống của con người Xô viết, với khẩu hiệu “Sẵn sàng lao động và phòng thủ”. Theo đó, mỗi công dân nước này đều phải giỏi các môn thể thao như chạy bộ, nhảy cao, bắn súng, ném lao, bơi lội, đánh đu…
Tư cách và phẩm chất của công dân được xác định qua các tiêu chí “Sẵn sàng lao động và phòng thủ”, còn thành tích được ghi nhận bằng trao tặng huy hiệu. Đề án này được triển khai cho đến khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Cúp vô địch bóng đá được làm từ chiếc bình
Trong một thời gian dài Nhà nước Xô viết phản đối việc khích lệ các vận động viên thể thao. Bởi cho rằng, huy chương và giải thưởng là xu hướng của tư sản phương Tây, nên không được phép tồn tại ở một nước xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, quan niệm này đã dần thay đổi theo thời gian. Vì vậy, chiếc cúp vô địch đã được “thiết kế” bởi Chủ tịch Hội đồng bóng đá Aleksei Sokolov. Theo đó, vào những năm 1930, ông đã mua được chiếc bình tại một cửa hàng đồ cổ ở Moskva. Sau đó, những người thợ kim hoàn đã gắn thêm chân đế cho chiếc bình và đặt lên giữa là quốc huy Liên Xô, còn phía trên là hình cầu thủ bóng đá.
Các vận động viên trong Thế chiến II
Moskva là nơi tổ chức Giải vô địch bóng đá trong thời gian nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mặc dù giao tranh diễn ra ác liệt với kẻ địch, nhưng các cầu thủ vẫn tiếp tục thi đấu. Tuy nhiên, sau đó giải đấu đã buộc phải dừng lại.
Sang ngày thứ 5 của cuộc chiến, Liên Xô đã thành lập Lữ đoàn bộ binh cơ giới đặc nhiệm thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ, với thành phần là những vận động viên thuộc nhiều môn thể thao khác nhau như: Điền kinh, bắn súng, trượt tuyết, boxing và bơi lội. Nhiệm vụ chính của Lữ đoàn này là thực hiện các chiến dịch biệt kích trên mặt trận, cũng như tại hậu phương của địch.
Đội bóng đá “Dinamo” du đấu ở Vương quốc Anh
Sau Thế chiến II, vào mùa thu năm 1945, đội bóng đá Liên Xô “Dinamo” đi du đấu tại các thành phố của Vương quốc Anh. Về mặt chính thức, đây là hoạt động thể thao bày tỏ sự ủng hộ đối với các đồng minh trong giai đoạn khó khăn sau chiến tranh, cũng như giới thiệu những thành tựu chung trong lĩnh vực thể thao.
Tuy nhiên, đoàn đại biểu Liên Xô đã đưa ra cho phía Anh danh sách những yêu cầu về quy chế các trận giao hữu. Theo đó, phía Liên Xô chỉ ra sân cùng với các câu lạc bộ của Anh tối đa mỗi tuần một lần (chỉ vào thứ Bảy), không được có bất kỳ hoạt động giải trí nào khác mà không liên quan đến bóng đá, khởi động và tập luyện trước trận đấu. Kết thúc chuyến du đấu, các cầu thủ Liên Xô đã đá 4 trận, trong đó thắng 2 và hòa 2.
Cường quốc hàng đầu về cờ vua
Năm 1948, đại kiện tướng Liên Xô Mikhail Botvinnik đã thắng giải cờ vua diễn ra tại The Hague và Moskva, trở thành nhà vô địch thế giới.
Sau chiến thắng này, cờ vua được Liên Xô đưa vào môn thể thao quốc gia. Trong vài thập kỷ sau đó, nước này chiếm ưu thế về cờ vua trên toàn thế giới. Những đại kiện tướng cờ vua nổi bật nhất của Liên Xô có thể kể đến như: Mikhail Botvinnik, Mikhail Tal, Tigran Petrosian, Boris Spassky, về sau nữa có Anatoly Karpov và Garry Kasparov.
Sân vận động chính của thể thao Liên Xô
Một trong những sân vận động đầu tiên và cũng là sân vận động lớn nhất của Liên Xô chính là nơi thi đấu của Hội thể thao cơ quan nhà nước “Dinamo” (hay còn gọi là Câu lạc bộ “Dinamo”).
Đây là công trình thử nghiệm đầu tiên và thành công trong việc xây dựng các công trình thể thao bằng bê tông cốt thép có sức chứa 25.000 chỗ ngồi. Sân được xây dựng trong thời gian ngắn kỷ lục - chỉ 1 năm, và đến mùa hè năm 1928 tại đây đã diễn ra Đại hội thể thao toàn quốc. Dự án công trình do hai kiến trúc sư Dmitry Iofan và Moisei Ginzburg thiết kế, nhưng cuối cùng được xây dựng theo bản vẽ được chỉnh sửa của Arkady Langman và Lazar Cherikover.