Những sự thật chưa tiết lộ về thương vụ thâu tóm của Facebook
Trong 'Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram', Sarah Frier đã kể lại câu chuyện Instagram tạo ra ngành công nghiệp tỷ đô và thương vụ thâu tóm của Facebook.
Tác giả Sarah Frier là một phóng viên công nghệ của Bloomberg News. Trong cuốn sách đầu tay của mình, Frier kể lại câu chuyện cho thấy lý tưởng của các nhà sáng lập công ty công nghệ có thể bị tác động thế nào trước áp lực tạo ra lợi nhuận.
Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram được tường thuật qua một góc nhìn tổng thể kết hợp lời kể của nhiều người. Qua đó, tác giả không chỉ kể về câu chuyện kinh doanh, mà còn phản ánh câu chuyện văn hóa, danh tiếng và trên hết là mối quan hệ của con người với công nghệ, mối quan hệ giữa người với người trên không gian mạng.
Theo Frier, Systrom và Krieger khởi sinh quyết định bán Instagram cho Facebook với mong muốn “đứa con tinh thần” của mình lớn mạnh, giữ được độ hợp thời và tồn tại lâu hơn. Nhưng sau cột mốc 1 tỷ người dùng, ứng dụng này dần bị mắc kẹt trong những rắc rối về cá tính, lòng tự tôn cá nhân và những ưu tiên của Facebook.
Zuckerberg đã ra lệnh dừng tất cả hoạt động hỗ trợ khi nhận ra Instagram đang có tốc độ tăng trưởng doanh thu và người dùng nhanh hơn Facebook. Điều này tạo ra sự căng thẳng giữa Mark Zuckerberg và hai nhà đồng sáng lập của Instagram.
Sarah Frier viết: “Mỗi khi Instagram đạt được một chút thành công, Zuckerberg dường như lại thẳng chân đá họ về lại vị trí của mình”.
Cuộc đấu tranh dai dẳng giữa Instagram với “công ty mẹ” chỉ đi đến hồi kết khi Systrom và Krieger ra đi vào năm 2018. Trước tham vọng thống trị của Facebook, một cựu giám đốc của Instagram đã chia sẻ đầy chua chát: “Facebook giống một cô chị muốn diện đẹp cho cô em đi dự tiệc nhưng không hề muốn cô em xinh hơn mình”.
Tác giả Frier đã khai thác chi tiết các sự việc dẫn dắt đến sự vụ này, tiết lộ những thông tin độc quyền từ người trong cuộc. Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram không chỉ bàn về sự cạnh tranh không tránh khỏi giữa các nền tảng trong dòng chảy sinh tồn khắc nghiệt tại Thung lũng Silicon; cho thấy một thực trạng đáng tiếc khi các startup tiềm năng phải đối mặt với sức ép cạnh tranh và tham vọng thống trị từ những “gã khổng lồ” công nghệ.
Tạp chí kinh doanh Fortune đã mô tả cuốn sách của Sarah Frier là “một trong những cuốn sách mê hoặc nhất về những tranh đấu ở Thung lũng Silicon”. Sách đoạt giải Sách kinh doanh của năm của Financial Times năm 2020.