Những sự thật đáng kinh ngạc về trận chiến Berlin năm 1945

Berlin là mục tiêu chiến lược chính của chiến dịch quân sự mùa xuân năm 1945, nơi đóng trụ sở Quốc trưởng và các văn phòng trung tâm của Đức Quốc xã. Trận chiến Berlin là chiến dịch quân sự quy mô lớn cuối cùng diễn ra ở châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Lực lượng đồng minh Anh và Mỹ không tham gia chiến dịch này nên quân đội Liên Xô một mình tiến công Berlin. 75 năm sau, nhiều sự thật về trận chiến này đã được tờ Russia Beyond hé mở khiến không ít người kinh ngạc.

Theo sử sách, trận Berlin là một trong những trận đánh lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Trận này bắt đầu vào ngày 16-4-1945 ở ngoại ô Berlin. Ngày 25-4-1945, binh sĩ Xô viết đã vào được bên trong thủ đô của Đệ tam đế chế (tức chế độ phát xít Đức Quốc xã). Khoảng 3,5 triệu người lính thuộc hai phe tham gia trận chiến này, sử dụng hơn 50.000 vũ khí và 10.000 xe tăng.

Lẽ ra trận Berlin có thể diễn ra vào đầu tháng 2-1945, sớm hơn hai tháng so với thực tế. Sau Chiến dịch Vistula-Oder, quân đội Liên Xô chỉ cách Berlin khoảng 60-70km. Phương diện quân Belarus số 1, dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Gueorgui Zhukov, đã sẵn sàng tiến hành cuộc tấn công quyết định vào Berlin. Tuy nhiên, Phương diện quân Ukraine số 1 và Phương diện quân Belarus số 1 đều bị đối phương cản trở, một phần là do quân Đức chuyển quân từ Courland sang Pomerania. Trước tình hình trên, Nguyên soái Zhukov được lệnh hỗ trợ Phương diện quân Ukraine số 1, do đó Chiến dịch Berlin bị hoãn lại cho đến mùa xuân.

 Hồng quân Liên Xô ăn mừng chiến thắng trước Đức Quốc xã tại tòa nhà Quốc hội Đức. Ảnh: Getty Images.

Hồng quân Liên Xô ăn mừng chiến thắng trước Đức Quốc xã tại tòa nhà Quốc hội Đức. Ảnh: Getty Images.

Trước trận chiến cuối cùng tấn công Berlin, vấn đề đặt ra là lực lượng nào tham gia đánh chiếm Berlin: Phương diện quân Belarus 1 của Nguyên soái Zhukov hay Phương diện quân Ukraine 1 của Nguyên soái Ivan Konev. Khi đó, lãnh tụ Liên Xô Stalin đã bí mật tổ chức một cuộc "cạnh tranh" giữa hai nguyên soái. Nguyên soái Konev phấn khích thi đua đến mức lực lượng của ông đã vượt qua cả đường ranh giới giữa hai phương diện quân, tạo ra sự hỗn loạn và nhầm lẫn ở phía sau lực lượng của Nguyên soái Zhukov. Do vậy, Stalin quyết định binh sĩ Phương diện quân Belarus số 1 sẽ đánh chiếm trung tâm thành phố Berlin, còn Phương diện quân Ukraine số 1 sẽ là lực lượng yểm trợ.

Trên thực tế, Hồng quân Liên Xô không phải là lực lượng duy nhất tấn công vào Berlin. Họ nhận được sự hậu thuẫn của Tập đoàn quân Ba Lan với lực lượng hùng hậu 200.000 người, chiếm khoảng 10% tổng số binh sĩ tham chiến bên phía Liên Xô. Lực lượng đồng minh này được trang bị vũ khí của Liên Xô và đặt dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Ba Lan do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Họ chiến đấu dưới ngọn cờ riêng của mình và mặc quân phục riêng. Lực lượng này được nhớ đến nhiều nhất qua cuộc chiến đấu gần Công viên Tiergarte, khi các binh sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh Tadeusz Kościuszko số 1 yểm trợ cho Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ số 2 của Liên Xô-đơn vị không còn được bộ binh theo sau yểm hộ nữa.

Vào đầu trận chiến Berlin, Đức đã mất toàn bộ đồng minh. Tuy nhiên, hàng nghìn người nước ngoài tiếp tục chiến đấu cho Đức Quốc xã. Trong số đó có một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn SS Latvia số 1, những người Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, và Hà Lan trong Sư đoàn Bộ binh cơ giới SS tình nguyện, và người Pháp thuộc Sư đoàn Thợ săn Đen số 33. Ngoài ra, thủ đô Đệ tam đế chế (tức Đức Quốc xã) còn được hàng trăm người Tây Ban Nha bảo vệ. Lực lượng Tây Ban Nha này đã quyết định ở lại và tiếp tục cuộc chiến chống Liên Xô sau khi Sư đoàn Xanh rút khỏi mặt trận phía Đông vào năm 1943.

Lựu pháo B-4 203mm (có biệt danh là “búa tạ của Stalin”) của Liên Xô thật đáng nể. Nó có thể dễ dàng phá hủy các lô cốt trên phòng tuyến Mannerheim và có khả năng biến một tòa nhà nhiều tầng thành đống đổ nát trong vài chục phút. Thế nhưng, lựu pháo B-4 đã gặp phải đối thủ ở Berlin. Đó là “Tháp cao xạ Luftwaffe” ở gần Vườn bách thú Berlin. Mặc dù bị nã pháo trong khoảng thời gian này, song tháp cao xạ chỉ hư hại một góc. Lực lượng lính Đức cắm chốt bên trong chỉ đầu hàng sau khi chiến sự ở tất cả những nơi khác trong thành phố Berlin kết thúc.

Hồng quân đã không đánh chiếm được ngay trụ sở Quốc hội Đức (Reichstag) trong đợt tấn công đầu tiên. Cuộc tấn công ngày 29-4 đã thất bại và mãi đến tối 30-4 Hồng quân mới chiếm được tòa nhà này. Ngày hôm sau, quân kỳ Liên Xô tung bay trên nóc tòa nhà biểu tượng cho phát xít Đức. Khi đó, khoảng 1.500 quân Đức cố gắng trốn khỏi tầng hầm của tòa nhà để thoát ra phố nhưng đã không thành công.

Phía Mỹ cũng tham gia trận chiến Berlin nhưng là dưới hình thức các cỗ xe tăng Sherman M4A2 do họ sản xuất và cung cấp cho Liên Xô theo chương trình cho thuê. Trong chiến dịch công phá Berlin, riêng Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ số 2 của Liên Xô đã mất 209 xe tăng loại này.

Mặc dù Berlin nằm khá xa biển Baltic, Hải quân Liên Xô vẫn cố gắng đóng một vai trò tích cực trong trận chiến Berlin. Từ ngày 23 đến 25-4-1945, dưới hỏa lực của địch, các thuyền nhỏ từ đội tàu Dnieper đã vận chuyển hơn 16.000 chiến sĩ Liên Xô và 100 khẩu pháo vượt sông Spree đến vùng chiến sự.

Có một nghịch lý là khi Hồng quân Liên Xô đột kích thủ đô Đức thì lại có một bộ phận lãnh thổ Liên Xô vẫn bị Đức chiếm đóng. Có tới 250.000 lính Đức Quốc xã bị bao vây ở khu vực Courtland (miền Tây Latvia), nơi đây được gọi hài hước là “trại tù binh có vũ trang”. Lực lượng này hạ vũ khí vào ngày 10-5-1945, nhưng hàng nghìn người Baltic làm việc cho địch cùng với một số người Đức đã không chịu đầu hàng và chúng phát động chiến tranh du kích trong rừng chống lại quân Liên Xô.

BÌNH NGUYÊN (biên dịch)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/nhung-su-that-dang-kinh-ngac-ve-tran-chien-berlin-nam-1945-617413