Những sự thật về ung thư trẻ em: Cha mẹ cần biết để chăm sóc và giúp con điều trị thành công

Không giống như nhiều bệnh ung thư ở người lớn, ung thư ở trẻ em không liên quan nhiều đến lối sống hoặc các yếu tố nguy cơ trong môi trường...

Ung thư bắt đầu khi các tế bào trong cơ thể bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát. Các tế bào ở gần như bất kỳ bộ phận nào của cơ thể đều có thể trở thành ung thư, và sau đó có thể lan sang các khu vực khác của cơ thể.

Mặc dù điều này xảy ra ở cả bệnh ung thư trẻ em lẫn ung thư người lớn, có sự khác biệt khá lớn trong các loại ung thư mà trẻ em hay mắc, cũng như cách mà chúng được điều trị.

Các loại ung thư phổ biến ở trẻ em là khác với người lớn

Nhóm tác giả:

TS.BS. Phạm Nguyên Quý

Khoa Nội khoa Ung thư

Bệnh viện Trung Ương Kyoto Miniren

Bệnh viện Đại học Kyoto

TS.BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Khoa Nhi Tiêu hóa- Dinh dưỡng- Bệnh nhiệt đới

Trung tâm Nhi Khoa Bệnh viện Trung Ương Huế

Các loại ung thư hay gặp ở trẻ em thường khác với các loại ung thư phát triển ở người lớn. Không giống như nhiều bệnh ung thư ở người lớn, ung thư ở trẻ em không liên quan nhiều đến lối sống hoặc các yếu tố nguy cơ trong môi trường. Chỉ có một số ít bệnh ung thư trẻ em là do biến đổi gene được truyền từ cha mẹ.

Theo báo cáo từ Hoa Kỳ, gần 50% bệnh ung thư ở trẻ em là ung thư máu hoặc ung thư hạch lympho (lymphoma), và tầm 25% là u não và hệ thần kinh trung ương. Trong khi đó, ở người lớn, hai loại ung thư máu và ung thư hạch lympho chiếm ít hơn 10% tất cả các ca bệnh ung thư, và ung thư não-tủy sống là ít hơn 1,5%.

Một số loại ung thư phổ biến ở trẻ em nhưng lại cực hiếm ở người lớn. Chúng bao gồm u nguyên bào thần kinh và u nguyên bào võng mạc. Ngược lại, đa số ung thư người lớn hay được phân loại thành ung thư biểu mô (phát sinh ở da, niêm mạc tiêu hóa, hô hấp,…) lại rất hiếm ở trẻ em.

Ung thư trẻ em thường tiến triển nhanh hơn nhưng dễ chữa thành công hơn

Ung thư ở trẻ em có xu hướng tiến triển nhanh hơn và "ác liệt" hơn ung thư ở người lớn. Vì sự phát triển và lan rộng nhanh chóng hơn, ung thư ở trẻ em thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hơn, tiến triển hơn so với ung thư người lớn. Vào thời điểm chẩn đoán, 80% trường hợp ung thư trẻ em đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Trẻ em cần được hỗ trợ để không chiến đấu một mình với ung thư (Ảnh: acco.org)

Trẻ em cần được hỗ trợ để không chiến đấu một mình với ung thư (Ảnh: acco.org)

Tuy nhiên, ngoài một số trường hợp ngoại lệ, ung thư ở trẻ em thường đáp ứng tốt hơn với các phương pháp điều trị bằng Tây Y (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật) so với ung thư ở người trưởng thành. Điều này có thể là do sự khác biệt trong bản thân bệnh ung thư, cũng như vì trẻ em thường được điều trị (và theo được điều trị) mạnh hơn. Trẻ em thường không có nhiều vấn đề sức khỏe khác mà người lớn hay bị mắc kèm; những bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn khi điều trị ung thư cản trở sự thành công của điều trị.

Theo những báo cáo từ Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót 5 năm (sau khi chẩn đoán) của trẻ em mắc ung thư hạch dạng Hodgkin là 95%; ung thư hạch dạng không Hodgkin là 91%, ung thư máu dạng bạch cầu lympho cấp (ALL) là 91%, trong khi con số này ở người trưởng thành là 86%, 71%và 71%.

Sự thật này có thể giúp quý phụ huynh thêm tin tưởng rằng nếu chịu khó điều trị đúng hướng với Tây Y, khả năng sống sót của trẻ mắc ung thư vẫn cao với chất lượng cuộc sống khá tốt.

Cần quan tâm hơn tới tác dụng phụ lâu dài về sau

Mặc dù nhiều trẻ em có thể vượt qua bệnh ung thư, cơ thể trẻ vẫn đang phát triển và có thể bị tác dụng phụ xuất hiện muộn do điều trị. Ví dụ, một số trẻ em có thể bị vô sinh do hóa trị, hoặc giảm khả năng tập trung/học tập do xạ trị vào vùng đầu. Vì một số phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra tác dụng không mong muốn xuất hiện về sau đó mà trẻ em bị ung thư sẽ cần được theo dõi cẩn thận và liên tục bởi nhóm bác sĩ và nhân viên y tế đa ngành.

Không chỉ có thế, vì trẻ sẽ còn phát triển tâm sinh lý qua các giai đoạn thanh thiếu niên và trưởng thành về sau nên rất cần sự quan tâm hỗ trợ thích hợp đúng thời điểm từ các nguồn lực ngoài bệnh viện. Chúng bao gồm những việc thiết thực như hỗ trợ thêm cho việc học tập ở trường, tìm việc sau khi ra trường, tư vấn tâm lý cũng như hỗ trợ sinh sản khi có bạn đời.

Theo acco.org

TS.BS. Phạm Nguyên Quý - TS.BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nhung-su-that-ve-ung-thu-tre-em-cha-me-can-biet-de-cham-soc-va-giup-con-dieu-tri-thanh-cong-820201612587373.htm