Những sự thật về vụ thử bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới

Khi quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới phát nổ, một phi công Mỹ cho rằng đó là một 'mặt trời mọc lên từ phía nam'.

Nhờ vụ thử bom nguyên tử có mật danh Trinity diễn ra thành công vào tháng 7/1945 ở bang New Mexico, Mỹ đã mở ra thời kỳ con người áp dụng công nghệ hạt nhân vào lĩnh vực quân sự. Đối với Lầu Năm Góc khi đó, cuộc thử nghiệm này được liệt vào hàng tối mật, nên nhiều tài liệu xoay quanh Trinity sau này không được công bố chi tiết.

Đám mây hình nấm do bom nguyên tử trong cuộc thử nghiệm Trinity tạo ra. Ảnh: Wikipedia

Đám mây hình nấm do bom nguyên tử trong cuộc thử nghiệm Trinity tạo ra. Ảnh: Wikipedia

Nhưng nhờ những thông tin ít ỏi được Trung tâm vũ khí hạt nhân của Lực lượng Không quân Mỹ (AFNWC) công bố gần đây, chúng ta có thể khám phá một vài sự thật về cuộc thử nghiệm này.

Người dân sinh sống gần nơi thử nghiệm phải giữ bí mật

Địa điểm diễn ra cuộc thử nghiệm Trinity nằm cách thành phố Los Alamos thuộc bang New Mexico khoảng 337km về phía nam. Người dân sinh sống ở khu vực này bị kiểm soát và hạn chế nghiêm ngặt về thông tin họ có thể tiết lộ về Trinity.

Bản đồ nơi cuộc thử nghiệm Trinity diễn ra. Ảnh: Wikipedia

Bản đồ nơi cuộc thử nghiệm Trinity diễn ra. Ảnh: Wikipedia

Thư gửi qua đường bưu điện bị kiểm duyệt, các cuộc gọi điện thoại để bàn bị nghe lén và nhiều cuộc nói chuyện của người dân sinh sống trong khu vực này đều bị quân đội kiểm soát chặt chẽ nội dung. Toàn bộ thư từ và tài liệu gửi cho khu vực nằm gần bãi thử nghiệm đều chia sẻ địa chỉ là “P.O. Box 1663, Santa Fe, New Mexico”.

Bí ẩn xoay quanh cái tên Trinity

Dù nhiều người từng tuyên bố rằng, mật danh Trinity đặt cho cuộc thử nghiệm lấy cảm hứng từ một bài thơ liên quan tới tôn giáo của thi sĩ John Donne (1572-1631), nhưng theo người đứng đầu dự án Manhattan – dự án nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử của Mỹ - là Julius Oppenheimer (1904-1967), thì ông cũng không biết vì sao mình lại chọn mật danh đó.

Ông Julius Oppenheimer. Ảnh: AP

Ông Julius Oppenheimer. Ảnh: AP

“Lý do bản thân chọn cái tên đó, thì ngay chính tôi cũng không rõ nữa”, trang web Interesting Engineering dẫn lời ông Oppenheimer nói trong cuộc phỏng vấn được tổ chức năm 1962.

Căn nhà nằm gần nơi diễn ra cuộc thử nghiệm vẫn đứng vững sau vụ nổ

Căn nhà “George McDonald”. Ảnh: Wikipedia

Căn nhà “George McDonald”. Ảnh: Wikipedia

Bất chấp sức công phá lên tới 25 Kiloton tới từ quả bom nguyên tử được dùng trong cuộc thử nghiệm Trinity, tức mạnh hơn hai quả bom Little Boy và Fat Man sau này được Mỹ dùng trong thực chiến, thì căn nhà “George McDonald” nằm gần nơi vụ nổ diễn ra vẫn đứng vững.

Theo Interesting Engineering, căn nhà “George McDonald” khi đó được nhân viên dự án Manhattan dùng làm nơi tập kết bom. Đến giữa thập niên 1980, tòa nhà này được Cục Công viên quốc gia Mỹ (NPS) cải tạo thành địa điểm thăm quan dành cho du khách có niềm đam mê với lĩnh vực hạt nhân.

Có người cho rằng vụ nổ là “một mặt trời mọc lên từ phía nam”

Vì đây là một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nên nhiệt lượng và mức độ ánh sáng do quả bom phát ra vô cùng lớn. Thậm chí, độ sáng do quả bom phát ra khi đó đã khiến một số chuyên gia theo dõi cuộc thử nghiệm bị mù tạm thời.

“Tôi đang điều khiển phi cơ bay ở độ cao hơn 3.000m trên vùng trời gần thành phố Albuquerque, cách nơi diễn ra vụ nổ hơn 200km, thì một ánh sáng chiếu rọi vào buồng lái máy bay. Nó giống như mặt trời, nhưng mọc lên ở hướng nam. Khi tôi báo tình hình với Trạm kiểm soát không lưu Albuquerque để có được sự giải thích, thì những nhân viên tại đó khuyến cáo tôi đừng bay về hướng nam”, cựu phi công Hải quân Mỹ, ông John R.Lugo kể lại những gì bản thân chứng kiến khi đó.

Bia kỷ niệm vụ thử nghiệm Trinity. Ảnh: Wikipedia

Bia kỷ niệm vụ thử nghiệm Trinity. Ảnh: Wikipedia

Video về cuộc thử nghiệm Trinity. Nguồn: Atomcentral

Tuấn Trần

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-su-that-ve-vu-thu-bom-nguyen-tu-dau-tien-tren-the-gioi-2136114.html