Những suy tư về cách biệt
Theo WHO, cách biệt xã hội hiện là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn sự lây lan của virus Covid-19. Từ góc nhìn khoa học, giải pháp này không chỉ được cho là cần thiết để kiểm soát đại dịch mà nó cũng đã chứng tỏ hữu hiệu trong lịch sử với ví dụ tiêu biểu là dịch cúm Tây Ban Nha.
Dịch cúm Corona có thể khiến kinh tế toàn cầu suy thoái
Khi bùng nổ vào năm 1918, đại dịch này làm chết hàng chục triệu người trên khắp thế giới. Theo một nghiên cứu được thực hiện năm 2007, các đô thị đã thực hiện sớm những biện pháp ngăn ngừa như cấm tụ tập đông người hay đóng cửa các trường học đã giảm được đáng kể tỷ lệ tử vong do dịch cúm so với các đô thị khác.
Nói nôm na, cách biệt xã hội là hạn chế tối đa hoạt động đi lại và tiếp xúc với người khác, luôn giữ khoảng cách tối thiểu hai mét ở những chỗ công cộng như siêu thị hay hiệu thuốc và cố gắng ở trong nhà tới mức tối đa. Phản ứng ban đầu của phần lớn con người khi bị ''nhốt'' trong bốn bức tường nhà mình trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần liền đồng nghĩa với một cú sốc.
Trong nháy mắt, cách ly xã hội đã thành thông lệ mới, một trải nghiệm chưa từng có. Về bản chất, sự xa cách này trái ngược với tính chất vốn có của con người, một sinh vật xã hội sống theo bầy đàn. ''Con người không phải là một hòn đảo'', nhà thơ John Donne từng nói, ám chỉ đến vai trò của hợp tác xã hội trong lịch sử loài người. Biện pháp này cũng trái ngược với bản năng cơ bản của con người trong thời nguy hiểm: tụ tập lại để hợp sức, chống lại mối đe dọa.
Nếu thời hiện đại tôn sùng sự gấp gáp và coi sự ''sống chậm'' là biểu hiện của tính thụ động thì trong mùa đại dịch, tình hình đã đảo ngược. Bây giờ sự ''sống chậm'' và cách biệt xã hội được cho là biểu hiện của ý thức cộng đồng cao, thậm chí là một hành động vị tha, nhân từ.
Điều này đúng nhất đối với giới trẻ, nhóm xã hội có xu hướng hoạt động đi lại nhiều nhất nhưng đồng thời có nguy cơ chết vì virus tương đối thấp. Cho nên, khi họ tự cách ly, họ cũng bảo vệ nhóm xã hội nhạy cảm nhất, là những người lớn tuổi.
May thay, chúng ta thích nghi nhanh, nghĩ ra nhiều cách để dành khoảng thời gian ở trong nhà một cách ý nghĩa và thú vị hơn. Với sự phát triển của công nghệ và mạng Internet, cách biệt xã hội liệu không thực sự tồi tệ như ta đã tưởng? Trên thực tế, sự hạn chế này không có nghĩa là chúng ta không thể kết nối xã hội và tương tác với bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay thầy giáo của mình qua mạng. Do vậy, một số người đã lên tiếng muốn thay thế thuật ngữ ''cách biệt xã hội'' (social distancing) bằng ''cách biệt thân thể'' (physical distancing).
Quả thật, trong mùa dịch, cuộc sống của mỗi chúng ta gắn bó với mạng Internet và những công cụ phổ biến như Zoom, Viber, Messenger, FaceTime hay Skype. Thời gian dư dả và tình hình nguy hiểm đã khiến ta liên kết với nhau nhiều hơn, thậm chí liên lạc với những bạn cũ mà ta đã từng mất liên lạc.
Việc chúng ta bị cách biệt trong nhà không ngăn ta giao lưu với bạn bè trong thế giới số và tìm cách để giải trí tiêu khiển: ví dụ tận hưởng cùng nhau những buổi xem phim trên mạng, chơi cùng nhau những game điện tử, thậm chí tổ chức những bữa ''tiệc'' nhỏ trên ban công với hàng xóm.
Bản thân tôi chẳng hạn, từ khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Hà Nội, tôi dành nhiều ngày liền mà không hề hé mặt ra ngoài phố. Thực lòng mà nói, tôi không thấy chán. Ở trong nhà mỗi ngày hai mươi tư giờ vẫn chưa đủ để tôi hoàn thành mọi việc mà mình muốn làm. Thứ nhất, tôi vẫn phải lo ''miếng cơm manh áo'' và tìm cách để kiếm tiền. Tôi dạy tiếng Anh trên mạng và viết báo. Thứ hai, tôi tranh thủ theo đuổi đam mê của mình, là viết văn.
Từ khi các trường học ở Việt Nam đóng cửa vì dịch bệnh và tôi phải ở nhà, tôi đã viết cả một nửa tiểu thuyết mới mang tên ''Tâm sự của kẻ lập dị''. Theo thông lệ, mỗi buổi sáng tôi đọc sách và mỗi buổi tối tôi xem phim trên Netflix theo kiểu ''binge'' (xem liên tục nhiều tập phim không dừng lại). Bên cạnh đó, ngoài việc rèn luyện bộ não bằng cách đọc sách, viết văn hay học ngoại ngữ, tôi cũng cố gắng mọi ngày rèn luyện cơ thể và tập thể dục. Trong mùa dịch tôi vẫn duy trì nhịp độ đi tập gym ba bốn lần một tuần, nhưng từ khi các phòng gym ở Hà Nội đóng cửa, tôi phải chạy bộ dọc bờ Hồ Tây.
Tuy nhiên, thời gian trôi đi và sự xa cách xã hội trở nên ngày một buồn tẻ, ngột ngạt. Người tuân theo biện pháp này dần mất hứng thú. Sau hai ba tuần người Ý bị phong tỏa cũng không còn hát trên ban công chung cư. Sự cô lập bắt đầu gây cảm giác cô đơn.
Nhưng không phải ai cũng phản ứng về sự cô lập xã hội theo cách tương tự. Nếu những người hướng ngoại khao khát sự nhộn nhịp xã hội và cảm thấy bị mắc kẹt trong nhà thì những người hướng nội không thực sự thấy phiền khi phải sống chậm, sống xa cách. Cách biệt xã hội thậm chí có thể khiến họ thích thú.
Hai thuật ngữ hướng nội và hướng ngoại được truyền bá lần đầu bởi nhà tâm lý học Carl Jung, và thời gian gần đây, bởi tiến sĩ và tác giả nổi tiếng Susan Cain với cuốn sách bán chạy (cũng được xuất bản ở Việt Nam) mang tên ''Hướng nội: sức mạnh của người hướng nội''.
Theo quan điểm phổ thông, người hướng nội có tính cách nhút nhát, kín đáo, lập dị trong khi người hướng ngoại thích kết bạn, giao lưu và thích làm người lãnh đạo. Tuy nhiên, quan điểm này chưa chính xác đầy đủ. Sự khác biệt tất yếu giữa hai nhóm người này, xét về mặt nhận thức, nằm ở cách họ nạp và tiêu năng lượng.
Người hướng ngoại tìm ý nghĩa và thu năng lượng ở những nơi đông đúc, tấp nập, họ thích kết nối và trò chuyện, tán gẫu với người khác và cảm thấy chán nản, cô đơn khi một mình. Ngược lại, người hướng nội cảm thấy mệt mỏi, bỡ ngỡ ở chỗ ồn ào đông người, họ không có nhu cầu giao lưu với nhiều người, họ ghét trò chuyện phiếm (small talk) và thích nhất ở một mình, ở chỗ yên tĩnh vắng người. Họ tìm ý nghĩa và nạp năng lượng trong những hoạt động đơn độc như đọc sách hay suy tư.
Trái lại với quan điểm phổ thông, người hướng nội cũng có nhu cầu xã hội nhưng họ chỉ thích dành thời gian với một vài người rất thân thiết thay vì tham dự bữa tiệc và trò chuyện với nhiều người một cách ngẫu nhiên. Nhưng điều đó chưa có nghĩa là họ không có nhu cầu giao lưu: họ thích trò chuyện ''nghiêm túc'' và bàn luận về những chủ đề sâu sắc.
Mặc dù chúng ta hay nghĩ rằng người hướng ngoại chiếm ưu thế vì tính cách cởi mở và lòng tự tin của mình, người hướng nội cũng có nhiều điểm mạnh vượt trội và cũng có thể làm nên nghiệp lớn. Một số trong những người hướng nội nổi tiếng bao gồm Bill Gates, Albert Einstein, Warren Buffet, Isaac Newton, Nikola Tesla, Mark Zuckerberg, Elon Mask...
Theo tác giả Susan Cain, xã hội hiện đại ưu tiên tính cách hướng ngoại và được thiết kế theo tiêu chuẩn này trong mọi lĩnh vực (giáo dục hay môi trường doanh nghiệp chẳng hạn). Xu hướng này đặc biệt đúng ở nền văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, đại dịch virus COVID-19 đánh dấu một sự gián đoạn chưa từng có, và kinh nghiệm của sự cách ly xã hội có thể dạy cho ta những bài học.
Thứ nhất, nó là một dịp để chúng ta nhấn nút ''reset'' và suy ngẫm lại cuộc đời ta, tự hỏi chúng ta thực sự cần gì và phải hành động thế nào trong tương lai: một câu hỏi dành cho toàn bộ xã hội loài người. COVID-19 kêu gọi ta xem xét lại bản thân và các ưu tiên mà ta đặt cho mình về mặt phát triển kinh tế, xã hội hay bảo vệ môi trường.
Thứ hai, kinh nghiệm này nhắc nhở chúng ta về giá trị cốt lõi của các mối quan hệ xã hội và sự kết nối giữa con người, một điều mà chúng ta có xu hướng quên do ảnh hưởng của nếp sống hiện đại coi trọng sự giàu có vật chất. Trong thời khó khăn đầy rủi ro như bây giờ, sự liên kết và hợp tác xã hội vốn là cách tốt nhất để chúng ta vượt qua sóng gió.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/nhung-suy-tu-ve-cach-biet-591473/