Những tác động đến sức khỏe thời hậu Covid
Hậu Covid là khoảng thời gian được tính ngay sau khi kết thúc theo dõi hoặc điều trị của một người được xác định là mắc Covid-19.
Người mắc bệnh được chia thành 2 nhóm lớn: Có và không có triệu chứng. Nhóm có triệu chứng bao gồm các bệnh nhân có các triệu chứng từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng, thậm chí tử vong trong bối cảnh suy hô hấp và tổn thương nhiều bộ phận cơ quan khác trong cơ thể.
Tác động lâu dài
Theo các báo cáo khoa học mới đây, những vấn đề về sức khỏe thời hậu Covid rất đáng chú ý ở người mắc bệnh có triệu chứng, kể cả những người mắc bệnh Covid-19 không có bất kỳ biểu hiện nào. Các nhà chuyên môn gọi những vấn đề sức khỏe xuất hiện sau nhiễm Covid là hội chứng hậu Covid (post Covid-19 condition)
Theo định nghĩa về hội chứng hậu Covid của Tổ chức Y tế thế giới (WHO/OMS), tình trạng hậu Covid xảy ra ở người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng các chẩn đoán khác.
Tình trạng này khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, tác động nghiêm trọng đến khả năng trở lại làm việc hoặc tham gia các hoạt động xã hội. Hậu Covid ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra hậu quả kinh tế nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tổ chức Y tế thế giới đưa ra kết luận, có khoảng 10 - 20% người bệnh sau khi mắc Covid-19, dù có triệu chứng hay không có triệu chứng đều chịu sự tác động khá lâu dài của bệnh. Mức độ ảnh hưởng tùy theo trường hợp, thay đổi từ nhẹ đến nặng. “Dư âm” của Covid có thể kéo dài đến 6 tháng sau nhiễm bệnh và thể hiện ở nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể.
Một số biểu hiện thường gặp nhất ở thời hậu Covid là cảm giác mỏi mệt (58%), nhức đầu (44%), cảm giác yếu người (41%), cảm giác khó chịu (33%), cảm giác thở khó (25%), giảm khả năng tập trung, chú ý (26%), tóc rụng (25%), chất lượng cuộc sống giảm sút (18,4 - 59,9%).
Các nhà chuyên môn chia “dư âm” Covid thành các nhóm biểu hiện sau đây:
- Nhóm bệnh toàn thân: Mệt mỏi, đau nhức cơ xương khớp, thay đổi giọng nói, sốt. Các biểu hiện này có thể gia tăng sau một hoạt động thể lực hoặc tinh thần.
- Nhóm bệnh cơ quan hô hấp và tim mạch: Cảm giác đau ngực, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, hụt hơi, thở khó và ho kéo dài.
- Nhóm bệnh tiêu hóa và tiết niệu: Cảm giác ăn không ngon miệng, chán ăn, rối loạn chức năng đại tràng, tiêu chảy, đau dạ dày, tổn thương tế bào gan, tổn thương thận và có thể gây suy thận.
- Nhóm bệnh tâm thần kinh và nội tiết: Nhức đầu chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ, lo âu, trầm cảm, giảm hoặc mất khả năng tập trung. Rối loạn hoặc mất vị giác, khứu giác, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn huyết động...
Ngoài ra, ở trẻ em một số trường hợp xảy ra hội chứng viêm đa cơ quan quan (MISC - Multisystem Inflammatory Syndrome in Children) sau khi được cho là khỏi bệnh Covid từ 2 - 6 tuần.
Cơ chế gây hội chứng và hướng điều trị
Sau một khảng thời gian bị Covid hỏi thăm, các biểu hiện trên xuất hiện tạo ra hội chứng hậu Covid. Sau đây là các cơ chế tạo ra “dư âm” này:
- Cơ chế 1: Virus xâm nhập trực tiếp, gây tổn thương và rối loạn chức năng tế bào tại nhiều cơ quan trong cơ thể thông qua vô số thụ thể của men chuyển ACT2 (Angiotensin 2).
- Cơ chế 2: Sự đáp ứng quá mức của cơ thể thông qua phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh tạo thành “Cơn bão cytokine” làm tổn thương nhiều cơ quan tạo ra bệnh cảnh phức tạp và nặng nề.
- Cơ chế 3: Sự tác động tiêu cực từ các yếu tố tâm lý xã hội do đại dịch xảy ra kéo dài làm mất việc, giảm thu nhập, nghèo khó, mất người thân hoặc những ám ảnh của người bị mắc bệnh nặng, phải tập trung điều trị trong các khu cách ly.
Hướng điều trị: Việc điều trị hội chứng hậu Covid nhằm mục đích giảm thiểu các biểu hiện đang có, để đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh. Đây là điều trị không đặc hiệu, chỉ nhằm vào triệu chứng qua chế độ ăn uống bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể, nâng cao thể trạng và rèn luyện phục hồi các chức năng đã mất hay bị giảm.
Phổi là bộ phận được chú trọng phục hồi chức năng sớm và nhiều nhất do đây là cơ quan đảm nhận chức năng sống bị tác động trực tiếp của tác nhân gây bệnh. Tổn thương phổi chủ yếu dưới dạng xơ hóa gây giảm khả năng đàn hồi, thông khí và trao đổi khí của hệ thống phế nang, gây ra sự suy giảm chức năng cơ quan hô hấp.
Để cải thiện chức năng hô hấp không gì khác hơn là tập phục hồi chức năng phổi và các bộ phận liên quan như tập kiểm soát nhịp thở, tập các cơ hô hấp, cơ hoành. Người bệnh cũng có thể tập ho để làm long và tống đờm ra khỏi cơ quan hô hấp. Ngoài ra còn tập vận động tay vai, cột sống, lồng ngực để góp phần gia tăng hiệu quả của quá trình thông khí của phổi
Một số loại thuốc thông thường có thể được sử dụng nhằm làm nhẹ các triệu chứng như các thuốc giảm đau, chống mệt mỏi, lo âu, cải thiện tuần hoàn não và các vi chất dinh dưỡng gồm các vitamine và chất khoáng để bổ sung cho cơ thể và tăng cường sức đề kháng. Chế độ ăn cân bằng theo khẩu vị, giàu chất dinh dưỡng, nhiều trái cây và rau xanh...
Chăm sóc sức khỏe hậu Covid
Khác với nhiều bệnh phổ biến khác, sau khỏi bệnh đồng nghĩa với sự an toàn và không còn gì để lo. Nhưng đối với người mắc Covid-19, sau giai đoạn nhiễm bệnh khả năng có thể xảy ra hội chứng hậu Covid. Do đó, người bệnh cần được tiếp tục theo dõi và chăm sóc. Sau đây là một số biện pháp mà các nhà chuyên môn khuyến cáo thực hiện để có sức khỏe và tinh thần tốt nhất trong thời kỳ hậu Covid:
Thứ nhất, chăm sóc tinh thần: Luôn lạc quan, tươi vui, giữ liên lạc với bạn bè và người thân xung quanh, trao đổi về những vấn đề tích cực trong cuộc sống. Không lo nghĩ nghiều, tránh các stress về tinh thần, thư giãn và nghe nhạc khi có thể.
Thứ hai, chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, nhiều trái cây và rau xanh, uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể, tăng cường thêm 1 - 2 bữa ăn phụ trong ngày để bồi dưỡng cơ thể.
Thứ ba, rèn luyện cơ thể: Bao gồm việc tập thở và tập thể dục.
- Tập thở: Ở nơi thông thoáng, không khí trong lành như khu vực bãi biển, góc vườn, góc công viên có nhiều cây xanh. Hít vào thật sâu, thở ra chậm và dài. Tập điều chỉnh nhịp thở. Cường độ tập nên tăng dần từng ngày để đạt được hiệu quả thông khí phổi tốt nhất.
- Thể dục: Hình thức thể dục có thể là các bài tập thể dục, tập dưỡng sinh, đi xe đạp, đi bộ, chạy tại chỗ, hít đất, bơi lội. Thời gian tập khoàng 15 - 30 phút mỗi ngày. Tốt nhất nên tập vào buổi sáng, như là một khởi động đầu ngày để đón nhận những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống.
Mai Hữu Phước (Thạc sĩ Y học)