Những tác nhân gây ô nhiễm sông Buông
Thường xuyên ở mức xấu là kết quả quan trắc chất lượng nước năm 2022 của sông Buông đoạn chảy qua H.Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Kết quả này không khác nhiều so với 2 năm trước đó.
Sông Buông bị ô nhiễm gây ra hệ quả là nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thủy sinh ngày càng cạn kiệt.
* Chất lượng nước xấu
Trên sông Buông, các vị trí ghi nhận chất lượng nước xấu, bị ô nhiễm hữu cơ cao là khu vực cầu gần Khu du lịch Giang Điền (H.Trảng Bom), cách 500m nơi hợp lưu sông Buông với sông Đồng Nai, cầu sông Buông và đoạn sông chảy qua 2 phường Tam Phước, Phước Tân (TP.Biên Hòa). Kết quả này tương tự như kết quả quan trắc năm 2020 và 2021.
Nguyên nhân theo phân tích là sông Buông phải tiếp nhận nhiều nguồn thải: chất thải từ các cơ sở chăn nuôi, sinh hoạt của người dân và nước thải từ hoạt động rửa đá của các cơ sở kinh doanh, chế biến khoáng sản ven sông.
Sông Buông là sông nội tỉnh, dài hơn 50km, bắt nguồn từ TP.Long Khánh chảy qua H.Thống Nhất, H.Trảng Bom về TP.Biên Hòa rồi đổ ra sông Đồng Nai.
Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn thông tin, các mỏ đá được cấp phép cơ bản chấp hành xử lý nước thải trước khi xả ra sông. Có khoảng 10 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động rửa đá, mài đá, kinh doanh vật liệu xây dựng không có giấy phép môi trường. Các cơ sở này mua đá từ mỏ về xay, nghiền, rửa sạch rồi đem bán. Quá trình rửa đá, nước thải không được thu gom, xử lý đúng cách mà xả ra sông Buông gây ô nhiễm nguồn nước.
Bà Ngô Thị Lan (ngụ KP.Miễu, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho rằng, từ khi có khai thác đá, nước sông Buông ngày càng tệ. Hiện tại, nước luôn có màu sánh đục như nước xi măng. Không chỉ có nguồn nước mà môi trường không khí, việc đi lại của người dân cũng bị ảnh hưởng. Bà Lan đã phản ánh nhiều lần với chính quyền địa phương nhưng tình hình không mấy cải thiện.
Ô nhiễm nước sông Bông là thực trạng đã được báo chí, người dân phản ảnh nhiều nhưng vi phạm về xả thải vẫn tái diễn. Hệ quả là nguồn nước phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thủy sản ngày càng cạn kiệt.
Trong chuyến đi kiểm tra thực tế các mỏ khai thác khoáng sản mới đây, nói về ô nhiễm nước sông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, ô nhiễm sông rất nguy hiểm vì đe dọa đến tính mạng của cả cộng đồng. Tỉnh không chấp nhận doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Cơ sở nào gây ô nhiễm nghiêm trọng buộc chấm dứt hoạt động, di dời đi nơi khác, đồng thời phải bỏ tiền khắc phục môi trường.
* Trả lại trong lành cho dòng sông
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu tất yếu, nhưng phải đảm bảo môi trường. Nước thải từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản phải thu gom, xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra sông hoặc tái sử dụng. Cùng với đó, phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt để giảm ô nhiễm, trả lại vẻ đẹp, sự trong lành cho dòng sông.
Để hạn chế ô nhiễm nước sông Buông, năm 2022, UBND tỉnh có Văn bản số 1751/UBND-KTN trong đó giao các sở, ban, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản đối với các cơ sở hoạt động khai thác đá. Trong đó, lưu ý việc thu gom, xử lý nước thải phải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước thải trước khi thải vào sông Buông.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Sở TN-MT sớm hoàn thiện đề án Đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản đến môi trường và sông Buông. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường.
Mới đây, UBND TP.Biên Hòa cũng ban hành văn bản giao Phòng TN-MT chủ trì, phối hợp với các phòng, ban tiếp tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, đầu tư, xây dựng, đất đai… đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh cát, đá dọc sông Buông. Đặc biệt, xử lý nghiêm các đơn vị hoạt động rửa cát, đá xây dựng có hành vi xả nước thải không qua xử lý ra môi trường.
Có ý kiến cho rằng, sông Buông ô nhiễm chủ yếu là do hoạt động chế biến vật liệu xây dựng không tuân thủ giấy phép môi trường. Như vậy, chỉ cần kiểm soát, buộc chấm dứt hoạt động của các cơ sở không có giấy phép, không tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường thì nguy cơ ô nhiễm sẽ giảm, môi trường sinh thái sẽ dần được phục hồi.