Những tấm gương chăm sóc nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, những vết thương bằng da, bằng thịt cũng dần lành theo năm tháng, nhưng có một vết thương không rỉ máu vẫn âm thầm gieo đau thương cho nhiều thế hệ, đó là chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Nỗi đau của nạn nhân da cam không phải ngày một, ngày hai mà dai dẳng qua nhiều thế hệ. Đằng đẵng theo tháng năm, những người vợ, người mẹ lặng thầm trong đau đớn chăm sóc chồng, con mà không một lời kêu ca.
Bác Lê Bá Quang chăm sóc những người con bị nhiễm chất độc hóa học.
Từng là thanh niên xung phong có mặt ở những cung đường ác liệt nhất của tỉnh Quảng Bình; Đường 20 Quyết Thắng và may mắn sống sót trở về quê hương, chị Hoàng Thị Gấm ở phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) đã nên duyên vợ chồng với anh Nguyễn Đình Xanh, cũng từng là người lính tham gia chiến đấu ở miền Đông Nam bộ thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương – nơi Mỹ rải chất độc hóa học có mật độ dày đặc. 4 người con lần lượt ra đời trong niềm vui sướng của gia đình. Sinh ra, các cháu đều khỏe mạnh, nhưng từ khi lên 5, 6 tuổi thì bắt đầu phát bệnh, trong đó có 2 cháu bị liệt toàn thân, nằm bất động tại chỗ, 1 cháu thiểu năng trí tuệ và một cháu đã mất do di chứng hóa học. Vì quá thương các con, luôn sống trong nỗi đau về thể xác, dày vò về tinh thần mà anh Nguyễn Đình Xanh sinh bệnh rồi mất, để lại người vợ với nỗi đau chồng chất nỗi đau. Vượt lên bi kịch cuộc đời chị Gấm đã tự động viên mình phải sống, làm việc để nuôi các con. Bởi với chị, một ngày được nhìn thấy con trên đời là hạnh phúc. Cứ thế suốt 42 năm qua là những chuỗi ngày, đêm dài đằng đẵng để nâng đỡ, vệ sinh, bón từng thìa cháo cho 2 con bị liệt. Thậm chí, có lúc chị phải thốt lên trong đau đớn: “Nếu con tôi chết trước tôi thì còn có may mắn, chỉ sợ tôi mà chết trước thì ai là người chăm sóc chúng”.
Là người mẹ của 2 nạn nhân da cam, vợ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chị Hoàng Thị Hạnh ở thôn Liên Phố, xã Thọ Nguyên (Thọ Xuân) thường phải thức thâu đêm, suốt sáng để chăm sóc cho 2 con tật nguyền, tâm thần trong sự đau khổ đến tột cùng. Với người anh sinh năm 1973 đôi khi còn có cảm nhận nhưng với người em sinh năm 1985 thì suốt 34 năm qua cháu không thể nhận biết được mình đang tồn tại trên đời. May mắn hơn nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trực tiếp là anh chị vẫn còn có 2 người con lành lặn, hiện đang công tác trong miền Nam.
Với anh Trịnh Văn Phú ở thôn 8, xã Xuân Du (Như Thanh) và chị Trần Thị Châm lấy nhau với mong ước sẽ sinh ra những người con khỏe mạnh. Nhưng mơ ước vẫn chỉ là ước mơ khi 2 người con đầu lần lượt ra đời thì 1 cháu chân tay bị co quắp, mắt mờ, nói ngọng, đi lại khó khăn; một cháu sinh ra bị liệt toàn thân, câm điếc, một ngày mấy lần lên cơn co giật nên lúc nào cũng phải có người bên cạnh. Chia sẻ với chúng tôi, chị Châm cho biết: Đáng nhẽ trong gia đình phải đầy ắp tiếng cười, đằng này suốt 40 năm qua lại chỉ có tiếng đập phá, gào thét của con. Anh Phú tuy không được khỏe mạnh nhưng vì thương vợ nên nhiều đêm thức canh con khỏi đập phá. Bản thân vì chồng, vì con, tôi phải cố gắng sống nhưng luôn day dứt bởi sợ mai này mình chết, ai sẽ là người chăm lo cho các con.
Ngót nghét tuổi 70, đáng nhẽ phải được hưởng sự an nhàn bên các con cháu, nhưng với bác Nguyễn Bá Quang ở xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa) cùng vợ suốt 38 năm qua chưa đêm nào được ngủ yên giấc bởi 2/4 đứa con dứt ruột đẻ ra bị nhiễm chất độc da cam. Đó là cháu Lê Thị Cúc, sinh năm 1981 và cháu Lê Bá Thành, sinh năm 1986, từ lúc lọt lòng 2 cháu đã bị suy giảm trí tuệ, câm điếc, tê liệt, tâm thần bất ổn, đặt đâu ngồi đấy, đi vệ sinh không tự chủ được. Vì vậy mọi sinh hoạt cá nhân như ăn uống, tắm giặt, sinh hoạt đều phụ thuộc vào bố mẹ. Với Thành còn bị mù lòa cả 2 mắt, nhiều lúc đi vệ sinh rồi lấy phân bôi lên người, lên chăn chiếu hoặc nằm lên phân mà không hay biết gì. Vợ bác do thường xuyên phải thức đêm chăm bẵm các con nên kiệt quệ sức lực, thậm chí nhiều lần ngất xỉu phải đi viện cấp cứu, trong khi bệnh tình của các cháu không thuyên giảm mà cứ nặng dần theo tuổi tác. Việc Thành la hét, đập phá ban đêm mỗi ngày một dày hơn, buộc gia đình phải đóng củi đưa vào. Củi gỗ bị phá thì xây lại bằng gạch, cũi giường phải đóng bằng sắt. Thậm chí nhiều hôm đang bón ăn thì cháu lên cơn đập phá; đang lau rửa, thay quần áo thì bị cháu xô đẩy, nhiều lần ngã sưng tay, rách mặt phải đi viện khâu vết thương. Cứ thế mùa hè nóng bức hai vợ chồng thay nhau tắm rửa cho các con, lau chùi sàn nhà sạch sẽ cho chúng nằm. Mùa đông thì lo canh giấc, đắp chăn cho con khỏi bị lạnh giá và sợ con thức giấc nhiều lần lại la hét, đập phá ảnh hưởng giấc ngủ của bà con chòm xóm. Bác Quang cho biết: Là nạn nhân trực tiếp nhiễm chất độc hóa học sinh ra nhiều bệnh tật, vết thương thường xuyên tái phát nên thường xuyên phải điều trị ở bệnh viện. Những lúc như vậy tôi rất khổ tâm, thương vợ vất vả lo chăm chồng nằm trong viện, lo cơm nước, giặt giũ cho các con ở nhà.
Còn rất nhiều những tấm gương sáng về đức hy sinh thầm lặng trong đau đớn của những người mẹ, người chị, người cha đã dành hết sức lực, tình thương đằng đẵng suốt nhiều thập kỷ qua để chăm sóc chồng, con. Các chị vừa làm tròn bổn phận của người mẹ, người vợ, vừa là tấm gương trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam không chịu đầu hàng số phận, trở thành chỗ dựa tin cậy cho chồng, cho con.
Bài và ảnh: Mai Phương