Những tấm gương vượt khó phi thường

Cứ mỗi mùa học bổng Đọt Chuối Non, những thầy cô giáo các huyện thành trên Tây Nguyên lại cùng phóng viên bình chọn, gửi đến báo Tiền Phong những học sinh xứng đáng là tấm gương sáng về vượt khó, hiếu học, hiếu thảo cho bạn bè đồng trang lứa. Rất nhiều em trong số đó đã vượt qua thử thách nghiệt ngã của số phận nhờ nghị lực phi thường.

Đôi sao sáng bất ngờ

Thông qua Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên đã đề nghị các suất học bổng được trao lần thứ 13 vào ngày 30/12/2019 tại xã Ea Dah huyện Krông Năng, sẽ dành cho học sinh 3 huyện phía Bắc tỉnh, là Krông Buk, Krông Năng, Ea Hleo, và thị xã Buôn Hồ.

Quá trình tuyển chọn lần này bỗng xuất hiện “2 ngôi sao” thành tích vượt trội, mà lại thuộc 2 địa phương khác, đó là em Hồ Thị Ái Vy (sinh năm 2003, nhà ở thôn Quảng Lộc, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) và em Triệu Bảo Thiên (SN 2005) người dân tộc Dao, nhà tận thôn Sông Chò, xã Cư San, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

Hồ Thị Ái Vy bị khiếm thị, phải rời xa vòng tay gia đình từ năm 7 tuổi, sang tỉnh Đắk Lắk vào trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Hy Vọng để được học chữ nổi Braille, rồi chuyển qua trường Khuyết tật Vi Nhân của nhà dòng Phaolo ở đường Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột. Dù đau yếu nhưng sức học Ái Vy ngày càng tiến bộ. Em được giới thiệu sang trường THCS Phạm Hồng Thái để được học hòa nhập cùng các bạn mắt sáng.

Suốt 4 năm học ở trường THCS Phạm Hồng Thái, cô bé gầy gò Ái Vy luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, dù chỉ viết và đọc bằng tay. Vy chia sẻ: Ngoài các môn được miễn học như: Mỹ thuật, Tin học, Thể Dục, Công nghệ, còn lại em học bình đẳng như các bạn khác, chỉ khác biệt ở chỗ em học bằng bộ sách giáo khoa chữ nổi.

Ái Vy luyện đàn Piano tại trường Khuyết tật Vi Nhân

Ái Vy luyện đàn Piano tại trường Khuyết tật Vi Nhân

Không chỉ học giỏi, Vy còn có năng khiếu âm nhạc, em đàn organ thành thạo và có giọng hát trong veo. Trong Lễ trao học bổng Đọt chuối non lần thứ 12 do báo Tiền Phong tổ chức tại xã vùng sâu Pờ Tó huyện Ia Pa tỉnh Gia Lai vào đầu năm 2019, Ái Vy đã cùng ban nhạc khiếm thị của trường Vi Nhân trình diễn những ca khúc tươi sáng, đầy hy vọng khiến tất cả khán giả rưng lệ. Hiện Vy đang học lớp 10A10 trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) với mơ ước sẽ trở thành cô giáo để dạy chữ cho trẻ em cùng cảnh ngộ.

Thầy chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Lộc, giáo viên dạy môn Vật lý lớp 10-A10 rất tự hào khi kể về nữ sinh đặc biệt Hồ Thị Ái Vy. Thầy cho biết Vy đã nỗ lực phi thường để học không thua kém các bạn khỏe mạnh mắt sáng.

Còn Triệu Bảo Thiên là anh cả của 2 em nhỏ sống với bà nội nghèo ở xã vùng sâu Cư San, cách TP Buôn Ma Thuột trung tâm tỉnh tới 120km. Bố mất sớm vì tai nạn lao động, bà mẹ trẻ theo chồng mới cắt đứt liên lạc với các con nên 3 anh em Thiên thành trẻ mồ côi. Năm nay mới 14 tuổi, nhưng đã nhiều mùa hè Thiên đi trồng keo và bóc vỏ keo thuê, còng lưng cõng gỗ để kiếm tiền trang trải việc học, giúp bà nuôi các em.

Nhà quá xa trường, Thiên vào lớp 9A được thầy cô cho ở nội trú trong trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Tô Hiệu, gần hơn nhưng cũng cách nhà 15 cây số. Em gái kế Thiên cũng được ở gần anh. Trong tuần, hai anh em một buổi học, một buổi phụ bưng bê cho quán bún mà vẫn bảo ban nhau học chăm, đều là học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liền.

Hiện Triệu Bảo Thiên là lớp trưởng lớp 9A, thành viên đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của trường. Cậu bé người Dao ở xã vùng sâu tâm sự em quyết học giỏi để trở thành luật sư, vừa thoát cảnh sống nghèo khó vừa giúp xã hội bảo vệ công bằng, lẽ phải.

Triệu Bảo Thiên rửa bát thuê giúp bà nuôi 2 em mồ côi

Triệu Bảo Thiên rửa bát thuê giúp bà nuôi 2 em mồ côi

Sống nhờ máu của người khác

Từ lúc sinh ra, em Hoàng Thị Xuân Tình, học sinh lớp 7B trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Cư Amung, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) đã bị bệnh huyết tán bẩm sinh, cơ thể không tự sản sinh ra máu được. Gia đình đưa em xuống bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh điều trị suốt ba năm mới giữ được tính mạng, nhưng để sống tiếp Tình cứ phải được truyền máu mỗi tháng một lần. Những đợt truyền máu, thải sắt đau đớn kéo dài cả tuần trong bệnh viện khiến Tình luôn ám ảnh, sợ hãi. Lớn lên, em ý thức được căn bệnh của mình nên biết trân trọng từng phút giây được sống, nhất là những lần “đói” máu.

Tình kể: Em biết bệnh của mình không trị dứt hẳn mà phải sống nhờ máu của người khác, song từng ngày trôi qua, em luôn nhận được tình yêu thương của gia đình. Mỗi khi cơn đau ập đến, em lại nhớ đến cảnh bố mẹ quần quật lao động trên nương rẫy, đó là động lực thôi thúc em phải mạnh mẽ sống thật tốt.

Em Tình trò chuyện với mẹ sau giờ tan trường

Em Tình trò chuyện với mẹ sau giờ tan trường

Sau những đợt tiếp máu, Tình lại học ngày học đêm để bù đắp kiến thức. Suốt 7 năm qua, Tình luôn đạt học lực khá giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu quý. Mẹ em, bà Vi Thị Sâm kể: Những ngày gần tới lịch hẹn truyền máu, người Tình xanh xao nhưng em vẫn gắng gượng đi học. Đợt thi cuối năm lớp 6 vừa qua, em suýt ngất vì cố thi cho xong. May gia đình đưa Tình đi cấp cứu kịp thời, nhà trường cũng tạo điều kiện cho em thi lại, đạt kết quả cao.

Tuổi thơ nặng gánh lo toan

Gia đình em Đào Kiến Quốc, học sinh lớp 8D, trường THCS Lý Tự Trọng (xã Pơng Drang, huyện Krông Buk, Đắk Lắk) đang ấm êm thì bố em bị tai biến, mất sức lao động. Người mẹ trở thành trụ cột, vừa kiếm tiền lo cho chồng vừa nuôi chị em Quốc ăn học. Từ đó, Quốc không còn hồn nhiên như chúng bạn cùng trang lứa. Sau giờ học trên lớp, Quốc lại về nhà lo cơm nước cho bố và phụ mẹ làm việc nhà. Những năm qua, Quốc luôn đạt học sinh giỏi toàn diện, là thành viên đội tuyển học sinh giỏi môn Toán của trường.

Cô Lê Thị Minh Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm lớp 8D trường THCS Lý Tự Trọng kể về cậu học trò mà cô thương nhất: Quốc ít nói, chỉ thể hiện ý chí bằng quyết tâm trong học tập. Em học tốt tất cả các môn và tham gia sôi nổi các hoạt động của trường lớp. Hiểu được hoàn cảnh của Quốc, các bạn trong lớp và thầy cô giáo đều quan tâm, động viên em giữ vững tinh thần vượt khó.

Em Quốc (giữa) trao đổi bài học với các bạn cùng lớp

Em Quốc (giữa) trao đổi bài học với các bạn cùng lớp

Tảo tần không kém gì Quốc, nữ sinh H’Soát Niê Kđăm người Êđê học lớp 7A, trường THCS Tô Vĩnh Diện, xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ sáng nào cũng dậy sớm đạp xe 5 km đến trường, trưa về cơm xong lập tức tất tả đi cuốc đất, trồng rau, chăn bò, nuôi gà, chăm em... Chưa đầy 12 tuổi, H’Soát đã cố gắng tận dụng mọi nơi có thể học, dắt bò đi chăn em cũng mang sách theo, khi lên lớp lại thành thạo hướng dẫn các bạn cùng tiến bộ. H’Soát kể: Trước đây bố mẹ em không được đi học, chỉ biết làm rẫy nên nghèo khó. Em phải học thật giỏi để có cuộc sống tốt hơn.

Thầy Y Trung Mlô, giáo viên chủ nhiệm lớp H’ Soát cho hay: Cả lớp toàn người Êđê, hầu hết các em nhút nhát nhưng H’ Soát thì rất lanh lợi, hoạt bát. Em chính là gương sáng hiếu học, hiếu thảo cho các bạn khác noi theo.

H’ Soát (bên phải) tận dụng giờ ra chơi hướng dẫn bài cho bạn

H’ Soát (bên phải) tận dụng giờ ra chơi hướng dẫn bài cho bạn

Cô giáo thương trò nghèo vùng sâu

Sáng 30/12/2019, theo kế hoạch, 83 học sinh được Phòng Giáo dục-Đào tạo các huyện tổ chức đưa đến điểm nhận học bổng bằng ô tô, thì em Triệu Bảo Thiên sẽ được cô Nguyễn Vân Nhi (30 tuổi) Tổng phụ trách Đội của trường PTDTBT THCS Tô Hiệu đèo bsằng xe máy vượt hơn 100 km đến xã Ea Dah.

Thấy Ban tổ chức chương trình lo lắng điện thoại thăm hỏi, cô Nhi trấn an “Không sao đâu ạ, miễn Bảo Thiên được nhận học bổng là em mừng lắm rồi!”. Suốt 8 năm công tác ở ngôi trường cách nhà tới 50km, cô Vân Nhi kể cô đã quen chạy xe máy đường dài trong đêm tối. Cô cho biết đã nhờ người đưa Thiên vượt chặng đường xa thẳm ra nhà cô ngủ lại vào chiều chủ nhật 29/12, để hôm sau cô trò sẽ khởi hành từ 4h sáng, mong kịp đến nơi đúng giờ dự lễ. “Cô trò em hồi hộp và vinh dự lắm. Hẳn đây sẽ là kỷ niệm đẹp, khó quên trong chuyện nghề của em, một cô giáo công tác ở xã vùng sâu, heo hút giữa thảo nguyên toàn núi đồi như Cư San”- Cô Vân Nhi chia sẻ.

Hoàng Thiên Nga - Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/nhung-tam-guong-vuot-kho-phi-thuong-1503499.tpo