Những tấm lòng thiện nguyện
Ban ngày làm xe ôm công nghệ, đêm đến lại đi giúp đỡ những người không may gặp tai nạn giao thông, đó là công việc mà anh Phạm Quốc Việt và các thành viên đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel vẫn đang thực hiện mỗi ngày...
Ban ngày làm xe ôm công nghệ, đêm đến lại đi giúp đỡ những người không may gặp tai nạn giao thông, đó là công việc mà anh Phạm Quốc Việt và các thành viên đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel vẫn đang thực hiện mỗi ngày...
“Tôi chỉ là một lái xe công nghệ, một người bình thường như bao người khác. Tôi đã ở bên rất nhiều người bị tai nạn giao thông nặng, họ nắm chặt tay tôi, đôi mắt thể hiện mong muốn được tôi giúp đỡ. Với tất cả những thứ nhỏ nhoi có trong tay, tôi cố gắng giúp họ vượt qua cơn nguy kịch...”, anh Phạm Quốc Việt chia sẻ về lý do anh quyết định thành lập đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel với đường dây nóng: 082 251 0627 vào ngày 18-9-2019. Ban đầu đội chỉ có năm người, sau đó những việc làm của đội đã lan tỏa đến nhiều anh em khác. Mỗi người mỗi công việc khác nhau, nhưng họ có cùng xuất phát điểm là cái tâm thiện nguyện. Đến nay đội thu hút được hơn 50 thành viên, chia ra thành những nhóm nhỏ, được đào tạo sơ cứu một cách bài bản, túc trực tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn TP Hà Nội, sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
Thời tiết Hà Nội những ngày tháng 6 thật khắc nghiệt, đan xen với chuỗi nắng nóng đến rát mặt cả tuần là những ngày mưa, dông xối xả. Dự báo thời tiết đêm Hà Nội sẽ có mưa nhưng lúc này đã 21 giờ 30 phút mà hơi nóng vẫn phả hầm hập từ mặt đường lên, chưa có dấu hiệu gì là sắp mưa. Ngồi sau chiếc xe Honda Blade đã gắn bó với anh Việt suốt 5 năm qua, tôi cùng anh và các thành viên trong đội bắt đầu một ngày tuần phiên. Theo kinh nghiệm của Việt, mỗi ngày đội sẽ đi theo một tuyến cố định vì những ngày đó và khu vực đó thường hay xảy ra tai nạn giao thông. Trên quãng đường di chuyển dài gần 40 km bắt đầu từ ngã tư Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến, rồi lần lượt qua các con phố Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng, Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám, Võ Chí Công rồi quay ngược trở lại hướng đường Bưởi, Việt chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở huyện Xuân Trường (Nam Định) trong một gia đình có truyền thống làm nghề y nhưng không có điều kiện theo nghề, anh vẫn muốn mang tấm lòng của một gia đình y đức đến với những người gặp sự cố trên đường vào ban đêm. Ngay từ khi thành lập đội, anh đã xác định FAS Angel là một tổ chức thiện nguyện của những người chạy xe ôm công nghệ, với mong muốn giúp đỡ tất cả các trường hợp gặp nạn trên đường, không phân biệt giới tính, hoàn cảnh, nguyên nhân xảy ra tai nạn; ai bị thương nặng hơn xử lý trước, ai nhẹ hơn xử lý sau bất kể là người đúng hay người sai. Chi phí cho toàn bộ hoạt động hỗ trợ người bị nạn đến nay đều do các thành viên trong đội tự bỏ ra từ nguồn tiền túi ít ỏi của việc chạy xe ôm hằng ngày, nếu có thêm các nhà hảo tâm ủng hộ thì công khai, minh bạch các nguồn tài trợ. Các thành viên trong đội cho biết những việc tử tế, có ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc sống và cộng đồng mà Việt đã và đang làm đã thôi thúc họ tham gia. Việt đã gắn kết mọi người bằng sự nỗ lực, nhiệt tình và tâm huyết, qua đó truyền cảm hứng tới tất cả các thành viên trong đội.
Thời gian hoạt động chính của đội có khi suốt 24 giờ, ngày nắng cũng như mưa, cả bảy ngày trong tuần. Mỗi trường hợp cần giúp đỡ lại đòi hỏi một cách tiếp cận khác nhau, bắt buộc các thành viên trong đội khi hoạt động độc lập phải nắm vững kiến thức sơ cứu để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Thí dụ với tai nạn thông thường, đầu tiên phải quan sát đường thở, nếu đang bất tỉnh thì phải đưa họ về tư thế phục hồi. Nếu bị chảy máu thì phải tìm cách cầm máu. Nếu bị gãy xương thì phải cố định lại… Nhiều thành viên trong đội khi mới bắt đầu công việc đã thấy không suôn sẻ bởi họ sợ bị liên lụy và nhiều tác động tiêu cực bên ngoài nhưng khi làm thì quen dần và không thấy sợ nữa. Bản thân anh Việt đã không ít lần bị hiểu nhầm, thậm chí bị đánh khi người nhà nạn nhân đến hiện trường. Có nhiều người nói với Việt là nên gọi Cấp cứu 115 sẽ chuyên nghiệp hơn, nhưng anh cho biết: “Với đặc thù đường sá ở Hà Nội thì phương tiện xe máy chúng tôi có thể luồn lách và đến nhanh hơn với người bị nạn. Đã có rất nhiều lần khi người dân gọi chúng tôi đến phải khá lâu sau Cấp cứu 115 mới tiếp cận được. Lúc đó chúng tôi chỉ việc bàn giao để họ vận chuyển nạn nhân đi, cũng như hiện trường cho lực lượng chức năng giải quyết”.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia báo có vụ tai nạn mới xảy ra ở đường Hồ Tùng Mậu, ngay trước cổng Trường đại học Thương mại. Anh Việt liền nhờ người báo tin chụp giúp ba kiểu ảnh: một là toàn cảnh hiện trường vụ tai nạn, hai là tình trạng của nạn nhân, ba là địa điểm nơi xảy ra tai nạn rồi gửi qua điện thoại cho anh. Các bức ảnh sau đó sẽ được chuyển tới công an, người nhà nạn nhân nắm tình hình. Ngoài ra, đó còn là căn cứ giúp Việt nhận định tình trạng của người gặp nạn để điều phối và tư vấn cho người ở hiện trường. Thông qua thiết bị định vị cài đặt trên điện thoại, anh biết rõ các thành viên trong nhóm đang ở vị trí nào gần nhất, nhấc máy gọi thành viên đó đến hỗ trợ nếu như nhóm đang đi tuần ở quá xa nơi xảy ra tai nạn. Sau khi sơ cứu, vệ sinh và băng bó vết thương, kiểm tra các chấn thương và trấn an người bị nạn trên đường Hồ Tùng Mậu, cả đội lại tiếp tục lên đường. Đây chỉ là một trong rất ít các trường hợp cần đến sự giúp đỡ mà đội được nhận lại lời cảm ơn vì nạn nhân còn tỉnh táo và nhận thức được. Có rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, FAS Angel có mặt ngay từ đầu và thường rời đi trước khi người nhà nạn nhân đến, hoặc sau khi bàn giao cho lực lượng Cấp cứu 115 và công an địa bàn, vì vậy họ hiếm khi nhận được lời cảm ơn từ người mình giúp đỡ.
Dừng nghỉ bên quán trà đá ven đường Phạm Hùng khi đồng hồ đã điểm 1 giờ sáng, sau quãng đường di chuyển gần 80 km, tôi hỏi: “Đi làm suốt cả tuần, một ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng và thường kết thúc lúc 3 giờ sáng hôm sau, có rất ít thời gian để nghỉ ngơi, Việt có cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng lại không?”. Việt bảo: Đặc thù của việc chạy xe công nghệ nếu chỉ đơn thuần chở khách thì tôi vẫn có thể thu xếp thời gian để nghỉ ngơi thêm vào buổi trưa. Nhiệt huyết với hoạt động của đội, nhưng nhiều đêm tôi cũng mất ngủ vì tranh đấu với chính mình: “Hay là tạm ngừng việc này để tìm một công việc ổn định và có thu nhập cao hơn?”. Thế nhưng, mong muốn được đóng góp một phần công sức dù nhỏ bé của mình để giúp ích cho xã hội, cứu người gặp nạn lại thúc giục tôi lên đường vào mỗi sáng. Khi ra đường thoáng thấy người bị nạn, tôi lại nghĩ ngay biết đâu đó là người thân, người quen mình thì sao?
Đáng trân trọng là các thành viên trong đội FAS Angel mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau và cuộc sống vẫn còn vất vả với “cơm áo gạo tiền”, nhưng mỗi người đều tự nguyện bỏ ra từ 50 nghìn đến 70 nghìn đồng tiền công đi làm hằng ngày để mua các dụng cụ dùng để sơ cứu. Số tiền không lớn lắm nhưng cộng lại thì cũng nhiều. Chi phí cho một ca cầm máu đơn giản nhất cũng mất đi một cuộn băng thun 15 nghìn đồng, rồi còn gạc, bông, băng, cồn. Mỗi thành viên của đội đều có một túi cứu thương nhỏ in biểu tượng chữ thập đỏ được bán ở các cửa hàng dụng cụ y tế. Với trưởng nhóm một vùng thì bên trong túi nhỏ nặng 7 kg đó có khá nhiều đồ để phục vụ cứu nạn. Còn với các thành viên, chiếc túi sẽ có ít đồ hơn. Cùng với đó là một áo phông cộc tay và một áo gió dài tay đồng phục có in logo của đội.
1 giờ 30 phút, cả đoàn lại tiếp tục di chuyển với cung đường mới hướng về khu vực quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng qua các con phố Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Linh Đàm, Giáp Bát, Tân Mai, Trương Định, Bạch Mai… Ngồi sau xe tôi hỏi Việt: “Trong gần một năm qua khi đã đi vào hoạt động quy củ, hằng ngày khách có nhận ra anh em trong đội không? Và họ phản ứng như thế nào?”. Việt chia sẻ: “Có khá nhiều người nhận ra tôi cũng như các thành viên trong đội. Tuy nhiên không phải ai cũng thông cảm với công việc mà đội đang làm. Có người từ chối, hủy chuyến khi thấy xe anh em chở nhiều đồ phục vụ sơ cấp cứu. Hay như việc khi đang đi trên đường gặp tai nạn giao thông, khách không đồng ý cho đội viên dừng lại hỗ trợ nạn nhân vì sợ bị liên lụy hoặc phiền toái khi dừng lại. Khi đó, với tôn chỉ rất rõ ràng: “Không bỏ rơi ai cả”, nếu không thuyết phục được khách chờ mình thì anh em trong đội không những chấp nhận không thu tiền chuyến xe mình đang đi mà còn gọi xe khác cho khách tiếp tục cuộc hành trình, còn mình sẽ ở lại để giúp đỡ nạn nhân”.
Với những gì đội đã làm được cho đến thời điểm này, Việt mong muốn: mô hình tiếp tục được mở rộng với số người tham gia ngày một đông hơn, được xã hội đón nhận, qua đó thay đổi nhận thức của mọi người khi tham gia giao thông; được liên kết với trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 để có thể hỗ trợ một cách nhanh nhất cho nạn nhân khi 115 chưa kịp tới; đồng thời nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của cộng đồng, có thể là kinh phí hoặc dụng cụ y tế.
3 giờ sáng, tôi chia tay anh em trong đội để về nhà sau chuyến đồng hành thú vị, cũng là lúc Việt nhận được tin báo có vụ tai nạn. Ngay lập tức, toàn đội lên đường với mong muốn sự giúp đỡ nhỏ bé của mình sẽ kịp thời đối với người bị nạn và cơ hội sống của ai đó sẽ nhiều hơn.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44926102-nhung-tam-long-thien-nguyen.html