Những tấm lòng thơm thảo

Vào mỗi cuối tuần, ngày rằm, mùng 1, họ gác lại mọi việc riêng để trở thành “đầu bếp” nấu những suất cháo dinh dưỡng, những hộp cơm chay phục vụ miễn phí các bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Nha Trang. Những bữa ăn được nấu bằng tất cả yêu thương đã giúp ấm lòng những người nghèo khó.

Các thành viên nhóm "Chia sẻ yêu thương" chuẩn bị các suất cháo để trao cho bệnh nhân trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Chia sẻ yêu thương

4 giờ sáng cuối tuần, khi nhiều người còn đang say ngủ thì tại trụ sở Thành đoàn Nha Trang, những thành viên nhóm “Chia sẻ yêu thương” bắt đầu nấu cháo dinh dưỡng cho bệnh nhân đang điều trị tại một số bệnh viện trên địa bàn TP. Nha Trang.

Không ai bảo ai, mỗi người một việc, người cọ nồi đun nước, người bật lửa nấu lại nồi cháo đã được ủ từ tối hôm trước, người chuẩn bị sẵn xe để chở cháo đi tới các địa điểm. Sau hơn 1 giờ, các công đoạn nấu nướng đã hoàn tất, 3 nồi cháo nóng hổi, thơm phức được các thành viên chất lên xe, chia làm hai hướng. Một nhóm mang 40 suất cháo tới cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Khánh Hòa, nhóm còn lại chở tới cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát cho bệnh nhân.

5 giờ 30, khi nhóm vừa có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thấy hơn 10 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đứng xếp hàng ngay ngắn trên lề đường phía ngoài cổng bệnh viện để nhận cháo. Các thành viên nhanh chóng múc cháo vào hộp và trao tận tay cho từng người. Chưa đầy 1 giờ, hơn 400 hộp cháo thịt, củ quả đã được trao hết. Nhận được 2 phần cháo, ông Thái Quang Ròm (65 tuổi, ở xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) cho biết: “Hơn 1 năm qua, vợ tôi liên tục phải vào bệnh viện để chạy thận. Vì vậy, tôi đã quen với hình ảnh sáng thứ Bảy hàng tuần, các cô chú mặc áo màu cam phát cháo ở khu vực này nên chủ động ra xếp hàng. Cháo nấu hợp khẩu vị, thơm, ngon nên bà nhà tôi rất thích. Tôi biết vậy nên chủ động xếp hàng sớm để lấy cho bà ấy”. Nhìn những nụ cười của các bệnh nhân và người thân của họ khi đón nhận những suất cháo đong đầy tình người, chúng tôi mới thấu hiểu động lực mà các thành viên trong nhóm kiên trì trong suốt 5 năm qua.

Vợ chồng bà Thế chuẩn bị các phần cơm chay trao cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng thời gian, tại Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, hơn 10 thành viên trong gia đình bà Phạm Thị Thế và những người thân quen tập trung tại quán cơm gà Bà Ba của gia đình tất bật cắt gọt củ quả, lặt rau, thái đậu… để nấu các món cơm chay phục vụ cho người nghèo. Đến 8 giờ 30 phút, hơn 400 suất ăn với đủ 5 món chay (canh cải chua, đậu rim, nấm xào, su su xào, chả ram) hoàn tất. Các suất cơm và canh nhanh chóng được chuyển ra bàn đặt bên ngoài, kèm với bị đựng, muỗng đũa ăn 1 lần. Người tới nhận muốn lấy mấy suất cũng được. Cầm 3 hộp cơm cho gia đình, bà Nguyễn Thị Phương Thảo kể, gia đình bà thuê nhà ở xã Vĩnh Ngọc, cuộc sống rất khó khăn. Bà đi lượm ve chai, chồng làm thợ hồ, 2 đứa nhỏ đi học. 3 tháng trước, biết ở đây có phát cơm chay vào ngày rằm và mùng 1 hàng tháng, bà Thảo tới đây nhận đều đặn. “Bữa cơm giá trị không nhiều nhưng quý ở tấm lòng người nấu. Họ nấu rất có tâm, thơm, ngon. Có những phần cơm như thế này giúp những gia đình khó khăn như chúng tôi đỡ phần nào” - bà Thảo chia sẻ.

Người dân nhận cơm chay của gia đình bà Thế.

Lan tỏa sâu rộng

Vừa múc những muỗng cháo vào hộp, bà Lê Thị Chung - Điều dưỡng Khoa mắt Bệnh viện Quân y 87 (Trưởng nhóm “Chia sẻ yêu thương”) kể, cách đây 8 năm, bà nằm điều trị ung thư tuyến giáp tại một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Khi đó, bà rất hoang mang và suy sụp tinh thần. Thế rồi, thỉnh thoảng bà và bệnh nhân trong phòng lại nhận được những hộp cháo miễn phí do các nhóm thiện nguyện trao tặng. Thấy việc làm ý nghĩa đó, bà thầm nghĩ nếu khỏi bệnh bà sẽ làm như thế để san sẻ yêu thương với người bệnh. 3 năm sau, khi sức khỏe dần ổn định, bà bắt đầu thực hiện tâm nguyện của mình, tự nấu cháo mang đến cho bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện. Thương vợ, chồng bà cũng xắn tay phụ giúp. Tiếng lành đồn xa, một số người bạn đã ngỏ ý làm cùng và nhóm thiện nguyện bắt đầu hình thành từ đó. Đến nay, sau 5 năm, nhóm có 37 thành viên tham gia thường xuyên. Và từ một nồi cháo ban đầu với hơn 100 suất, hiện nay, mỗi tuần nhóm nấu 3 nồi với gần 450 suất cháo thịt, củ quả. Bà Chung cho biết, nhiều người khuyên nên nấu cháo chay nhưng là người từng trải qua các giai đoạn điều trị bệnh, bà hiểu người bệnh vốn sức khỏe yếu nên rất cần thức ăn bổ dưỡng. Vì vậy, các thực phẩm để nấu cháo luôn được nhóm lựa chọn cẩn thận, tươi ngon. “Tôi từng là bệnh nhân nên hiểu những khó khăn, thiếu thốn của họ. Những hộp cháo của nhóm tuy giá trị vật chất nhỏ, nhưng chứa đựng nhiều tình cảm yêu thương của mọi người với hi vọng làm ấm lòng những người bệnh” - bà Chung bày tỏ.

Bà Chung trao suất cháo cho ông Thái Quang Ròm.

Trước đây, cháo được nấu tại nhà bà Chung nhưng hơn 1 năm nay, Thành đoàn Nha Trang thấy việc làm ý nghĩa của nhóm nên đã tạo điều kiện nấu tại Thành đoàn, mỗi tuần còn cử 4 đoàn viên, thanh niên đến tham gia hỗ trợ. Hơn 2 tuần nay, nhóm đón thêm các thành viên mới là đoàn viên, thanh niên Đội Kiểm soát xuất nhập cảnh I, Công an cửa khẩu (Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh). Bạn Võ Lê Nguyên - Phó Bí thư Đoàn phường Vạn Thạnh (TP. Nha Trang) chia sẻ: “Khi Thành đoàn thông báo tham gia hỗ trợ nhóm “Chia sẻ yêu thương” phát cháo cho bệnh nhân, tôi đăng ký ngay. Đến nay, tôi tham gia được gần 1 năm và học hỏi được rất nhiều điều từ sự sẻ chia và tinh thần sống lạc quan của mọi người”.

Chia sẻ về việc duy trì các bữa cơm chay phục vụ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vào ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, bà Phạm Thị Thế cho biết, sau một biến cố gia đình, vợ chồng bà mong muốn làm việc gì đó giúp đỡ người khác. Nhiều năm bán quán ăn nên vợ chồng bà quyết định nấu cơm chay để phục vụ cho người nghèo, lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu, chỉ có vài thành viên trong gia đình tham gia nên chỉ nấu được 50 suất. Sau đó, nhiều người biết được việc làm thiện nguyện này nên đến tham gia, người góp công, người góp của. Nhờ đó, các suất cơm của gia đình bà Thế tăng dần, đến nay duy trì 300 - 400 suất/lần. “Những người tới nhận cơm làm đủ nghề, từ chạy grab, bán vé số, tới lượm ve chai, phụ hồ… Niềm vui của họ khiến vợ chồng tôi thấy việc làm của mình rất ý nghĩa. Chúng tôi tâm niệm, dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng duy trì việc làm thiện nguyện này, chỉ mong san sẻ bớt phần nhỏ khó khăn cho những người nghèo”, bà Thế tâm sự.

Câu nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” chưa bao giờ cũ dù cuộc sống hiện nay đã đủ đầy hơn trước rất nhiều. Chia tay với nhóm “Chia sẻ yêu thương”, gia đình bà Thế, chúng tôi mang theo niềm tin, những điều tử tế, nghĩa tình sẽ ngày càng lan rộng, thắp sáng lên niềm tin về tình yêu thương, lòng nhân ái của con người.

VÂN LY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202305/nhung-tam-long-thom-thao-f921e5e/