Những tấm thảm xanh nơi vùng cao Bắc Yên

Những ngày tháng bảy, chúng tôi về xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên. Mùa hạ nắng chan là vậy nhưng nơi vùng cao này vẫn có nét thời tiết đặc trưng, bởi đêm và sáng sớm sương mù bao phủ trên những ngọn núi, lưng đồi. Khi mặt trời ló rạng, sương dần tan, hiển hiện màu xanh ngắt của núi và sóng ruộng bậc thang uốn lượn, tầng tầng, lớp lớp, vẽ lên bức tranh đa sắc màu thật đẹp mắt.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên kiểm tra sâu bệnh hại lúa tại xã Xím Vàng.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên kiểm tra sâu bệnh hại lúa tại xã Xím Vàng.

Xím Vàng là xã có diện tích ruộng bậc thang lớn nhất của huyện Bắc Yên với hơn 320 ha. Chủ tịch UBND xã Xím Vàng Giàng A Nênh, dẫn chúng tôi đi thăm ruộng. Dọc đường đi, ông Nênh, chia sẻ: Địa hình ở Xím Vàng chủ yếu là đồi núi cao, bà con dân tộc Mông sinh sống trên các triền núi. Nhiều năm trước, bà con chỉ trông chờ vào lúa nương, phụ thuộc vào thiên nhiên, năm nào thời tiết thuận lợi cũng chỉ thu được 1 tấn thóc/ha; có năm thời tiết khắc nghiệt, mất mùa lúa, cái đói giáp hạt thường xuyên xảy ra. Bây giờ, bà con tích cực khai hoang ruộng bậc thang, biết ứng dụng kỹ thuật vào thâm canh nên năng suất lúa đạt từ 4-4,5 tấn/ha. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới dồi dào, bà con trong xã đã hoàn thành cấy 326 ha ruộng nước, lúa sinh trưởng tốt, hứa hẹn một vụ mùa đạt năng suất, chất lượng.

Với độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, độ dốc lớn, việc khai hoang ruộng nước ở vùng cao Bắc Yên cũng khó khăn hơn nhiều so với những nơi khác. Nhiều chỗ máy móc không thực hiện được, người dân chỉ dùng những phương tiện thô sơ như cuốc, xẻng, cần mẫn từ ngày này qua ngày khác, tạo nên những thửa ruộng bậc thang có khoảnh rộng, hẹp, dài, ngắn, cao, thấp khác nhau tùy vào mặt bằng khai hoang trên lưng chừng núi.

Ông Sồng A Pùa, bản Xím Vàng, xã Xím Vàng, cho biết: Khai hoang ruộng bậc thang vất vả mất nhiều thời gian nhưng đổi lại thu được nhiều thóc so với trồng lúa nương. Sau nhiều năm, gia đình tôi đã khai hoang được hơn 2 ha ruộng, bình quân mỗi năm thu được trên 10 tấn thóc, không những đủ gạo ăn quanh năm mà còn có thóc để bán.

Không chỉ ở Xím Vàng mà ruộng bậc thang có nhiều ở các xã vùng cao khác như: Tà Xùa, Làng Chếu, Hang Chú và Háng Đồng với diện tích hơn 1.500 ha. Ruộng bậc thang ở vùng cao Bắc Yên chỉ cấy một vụ từ tháng 6 và thu hoạch vào tháng 10 hàng năm. Với năng suất bình quân 4,5 tấn/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa nương, ruộng bậc thang là nguồn cung cấp lương thực chính cho nhiều hộ dân ở các xã vùng cao trong huyện. Những cung ruộng bậc thang ở vùng cao Bắc Yên ngoài là nơi trồng cấy của bà con, còn là sản phẩm du lịch độc đáo của huyện Bắc Yên, thu hút du khách nhất là vào mùa thác đổ hay mùa lúa chín.

Ông Phàng A Thào, Chủ tịch tịch UBND xã Làng Chếu, chia sẻ: Từ ngày diện tích ruộng được mở rộng, ý thức người dân trong việc giữ rừng đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất ngày càng nâng lên, góp phần đảm bảo lương thực tại chỗ cho người dân trên địa bàn.

Mở rộng diện tích ruộng bậc thang là hướng đi được huyện Bắc Yên đề ra từ nhiều năm trước, đây là hướng đi để xóa đói, giảm nghèo bền vững ở vùng cao, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về đất đai, đảm bảo lương thực tại chỗ, nâng cao đời sống cho người dân. Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Những năm qua, huyện Bắc Yên đã huy động các nguồn vốn đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân dân các xã khai hoang, mở rộng diện tích ruộng bậc thang để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chủ động nguồn lương thực tại chỗ. Phòng đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn, hướng dẫn bà con sản xuất lúa đúng khung thời vụ, đưa giống mới hiệu quả vào sản xuất, áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giúp bà con có những mùa vàng bội thu.

Những thửa ruộng bậc thang xanh tốt như tấm thảm xanh khoác lên lưng núi, sườn đồi đang dần thay thế những vạt nương bỏ hoang, khô cằn ở vùng cao Bắc Yên, đó là ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc Mông nơi đây luôn biết khai thác tiềm năng đất đai, chế ngự thiên nhiên để có những mùa vàng ấm no.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-tam-tham-xanh-noi-vung-cao-bac-yen-51714