Những tàu sân bay 'chưa xông trận đã chìm' của quân phát xít trong Thế chiến 2
Sau trận hải chiến Midway – trận đánh bước ngoặt của Thế chiến 2, ít ai ngờ rằng tàu sân bay đã trở thành vũ khí chủ lực của hải quân các nước. Tuy vậy, nhiều con tàu có số phận hẩm hiu khi chưa ra trận đã bị đánh chìm.
Ở thời điểm chiến tranh bắt đầu, các lực lượng hải quân cho rằng tàu sân bay chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ cho thiết giáp hạm, nhưng đến năm 1945, vai trò của chúng đã đảo ngược khi tàu chiến trở thành tàu hộ tống cho các tàu sân bay.
Vào giai đoạn cuối Thế chiến 2, quân Đồng minh có gần 200 tàu sân bay đang hoạt động. Trên Đại Tây Dương, những tàu sân bay này đã giúp đánh bại mối đe dọa của U-boat (tàu ngầm của Đức Quốc xã). Tại Thái Bình Dương, chúng đóng vai trò thiết yếu đối với chiến dịch “nhảy cóc” hoặc “nhảy đảo” (đưa quân đổ bộ tấn công từng cụm đảo từ tay Nhật Bản).
Trong khi đó hoài bão về tàu sân bay của phe phát xít dường như vẫn lu mờ. Đức và Italy gần như đóng thành công tàu sân bay của riêng các nước này với hy vọng sẽ sớm triển khai trong cuộc chiến trên biển. Nhật Bản đã đóng thành công tàu sân bay ngay từ giai đoạn đầu chiến tranh, nhưng ngay cả tàu sân bay lớn nhất mà nước này từng chế tạo cũng không thể ngăn được sự thất bại của phe phát xít trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến.
Tàu sân bay Graf Zeppelin
Việc đóng tàu sân bay là trọng tâm trong chương trình tái vũ trang lực lượng hải quân trước Thế chiến thứ 2 của Đức. Chương trình này có tên gọi Plan Z. Theo đó, kêu gọi Lực lượng hải quân của Đức Quốc xã phát triển một lực lượng gồm 4 tàu sân bay và 10 thiết giáp hạm. Kế hoạch này sau đó đã được cắt giảm chỉ còn 2 tàu sân bay.
Tàu sân bay đầu tiên của Đức được đóng vào tháng 12/1936 và hạ thủy năm 1938. Con tàu được đặt tên là Graf Zeppelin, dài 262m, boong và thân tàu bọc thép, có lượng giãn nước đầy tải là 34.000 tấn, chứa 1.700 thành viên thủy thủ đoàn và 300 thành viên phi hành đoàn. Graf Zeppelin có tốc độ 65 km/h, trở thành tàu sân bay nhanh nhất từng được chế tạo vào thời điểm đó, khiến cả thế giới run sợ.
Tàu sân bay Graf Zeppelin có 2 máy phóng ở phần đầu, sử dụng khí nén để phóng máy bay. Các máy phóng có thể phóng hơn 10 máy bay trong vòng 6 phút. Với 2 máy phóng hoạt động song song, Graf Zeppelin có thể phóng và hạ cánh máy bay cùng một lúc. Phi đội của Graf Zeppelin gồm 20 máy bay thả ngư lôi 167, 10 máy bay Bf109 và 13 máy bay ném bom bổ nhào Ju-87 Stuka.
Graf Zeppelin cũng được trang bị vũ khí mạnh mẽ. Nó có 16 khẩu pháo 150mm bố trí trên 8 tháp pháo nòng đôi để phòng thủ chống hạm và 12 khẩu pháo 105mm bố trí trên 6 tháp pháo nòng đôi có nhiệm vụ phòng không, ngoài ra còn có hơn 40 pháo phòng không có cỡ nòng nhỏ hơn.
Graf Zeppelin đã được hoàn thiện tới 80% khi chiến tranh Thế giới thứ 2 bắt đầu nổ ra năm 1939, nhưng nó chưa từng được triển khai trong các trận đánh. Các nhu cầu trên bộ và trên không của Đức đã nhanh chóng vượt qua các nhu cầu của hải quân. Đức cho rằng chi phí đóng Graf Zeppelin quá tốn kém, trong khi còn nhiều khoản ưu tiên đầu tư khác. Việc đóng tàu Graf Zeppelin đã bị gián đoạn liên tục khi Hải quân Đức nhận lệnh tập trung chế tạo tàu ngầm U-boat.
Chiếc tàu sân bay này đã trải qua hai năm cuối cùng của nó với chuyến đi ngắn ngủi giữa các cảng Baltic. Đức đã đánh chìm con tàu này ở Stettin vào tháng 3/1945. Liên Xô sau đó trục vớt Graf Zeppelin để làm mục tiêu cho các cuộc thử nghiệm vũ khí và đánh chìm nó vào năm 1947. Graf Zeppelin được một tàu khảo sát dầu khí của Ba Lan phát hiện lại vào năm 2006.
Tàu sân bay Aquila và Sparviero
Italy cũng từng có ý tưởng đóng tàu sân bay trước Thế chiến 2, nhưng sau đó gạt bỏ ý tưởng này và tập trung vào việc đóng thiết giáp hạm, tuần dương hạm để chống lại sức mạnh của Hải quân Pháp – lực lượng mà Italy cho là mối đe dọa tức thời nhất.
Cuộc tấn công của Anh vào các con tàu của Italy tại Taranto tháng 11/1940 đã cho thấy tầm quan trọng của hàng không hải quân. Thủ tướng Benito Mussolini lúc đó đã yêu cầu chuyển đổi tàu viễn dương Roma thành tàu sân bay chuyên dụng vào tháng 1/1941. Thất bại thảm hại của Italy trong trận đánh ở Cape Matapan hai tháng sau lại càng khiến Mussolini nhận thức rõ về giá trị của tàu sân bay. Italy đã chính thức khởi động việc đóng tàu sân bay vào tháng 11/1941.
Aquila (có nghĩa là "Đại bàng" theo tiếng Italy) là một tàu sân bay được chuyển đổi từ tàu tàu viễn dương Roma. Con tàu dài 235m, có lượng giãn nước đầy tải là 27.000 tấn. Phi đội của nó gồm 36 máy bay tiêm kích – ném bom Reggiane 2001, được phóng bằng hệ thống máy phóng tương tự như Graf Zeppelin. Aquila được trang bị 8 khẩu pháo 135mm lưỡng dụng và 126 khẩu pháo phòng không 20mm.
Đến tháng 9/1943, việc đóng tàu Aquila đã hoàn thành gần 90% và đang trong quá trình thử nghiệm động cơ. Con tàu dự kiến được hoàn thiện vào tháng 12/1943 và sẽ triển khai vào mùa Hè năm 1944. Tuy nhiên, Aquila chưa từng được đưa vào hoạt động.
Sau khi Italy ký hiệp định đầu hàng trước quân Đồng minh vào ngày 8/9/1943, mọi công việc bị tạm dừng. Đức đã đánh chiếm thành phố cảng Genoa - nơi Italy đặt con tàu này. Lo ngại phát xít Đức có thể tiếp tục hoàn thiện Aquila hoặc dùng nó để chặn một tuyến đường thủy quan trọng, quân Đồng minh đã không kích con tàu này vào tháng 6/1944 nhưng chỉ gây ra thiệt hại nhỏ. Vào tháng 4/1945, chính phủ Italy cố gắng đánh chìm con tàu nhưng không thành. Cuối cùng, con tàu đã bị quân Đức đánh chìm tại cảng Genoa trong quá trình rút lui.
Ở thời điểm đó, Italy cũng đang thực hiện dự án đóng tàu sân bay Sparviero được hoán cải từ một tàu viễn dương khác ở Genoa. Con tàu dài khoảng 231m, lượng giãn nước khoảng 30.000 tấn và chở được khoảng 40 máy bay. Nhưng việc đóng con tàu này cũng chưa hoàn thiện.
Tàu sân bay lớn nhất Thế chiến 2
Trong khi Đức và Italy gặp nhiều khó khăn trong việc đưa tàu sân bay của 2 nước vào hoạt động thì Nhật Bản lại hoàn toàn trái ngược.
Ở giai đoạn đầu của Thế chiến 2, Hải quân Đế quốc Nhật Bản có 10 tàu sân bay đang hoạt động với đội ngũ thủy thủ và phi công giàu kinh nghiệm. Khả năng chế tạo tàu sân bay của Nhật Bản ở thời điểm đó được đánh giá là vượt trội so với nhiều quốc gia khác. Nhưng khi chiến tranh kéo dài, ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản không thể khắc phục những tổn thất mà nước này phải chịu, đặc biệt là tổn thất về tàu sân bay, vốn cần đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực.
Nhật Bản đã cố gắng bù đắp thiệt hại bằng cách chuyển đổi tàu chiến và tàu thương mại thành tàu sân bay, nhưng mọi việc dường như diễn ra quá muộn và hầu như không mang lại hiệu quả.
Nhật Bản bắt đầu đóng tàu Shinano – thiết giáp hạm lớp Yamato thứ 3, được cho là thiết giáp hạm lớn nhất và mạnh nhất trong lịch sử. Nhưng việc đóng con tàu này đã bị dừng lại vào năm 1942 khi Nhật Bản quyết định chuyển nó thành tàu sân bay. Shinano đã được đưa vào hoạt động với vai trò là tàu sân bay mới vào tháng 11/1944. Con tàu dài 265m, có lượng giãn nước 70.000 tấn. Shinano có thủy thủ đoàn hơn 2.000 người, với phi đội riêng gồm 47 máy bay và có chỗ chứa thêm hàng chục chiếc khác để tiếp tế cho các tàu sân bay khác của Nhật Bản, cho phép chúng ở lại trên biển lâu hơn.
Tối 28/11/1944, con tàu bắt đầu hành trình đi từ Yokosuka đến Kure để hoàn thành quá trình trang bị. Sau đó nó có nhiệm vụ vận chuyển 50 máy bay cảm tử (kamikaze) trang bị tên lửa Yokosuka MXY7 Ohka và các loại vũ khí khác đến Okinawa và Philippines. Tuy nhiên, vào sáng sớm ngày 29/11, Shinano đã bị trúng 4 quả ngư lôi phóng từ tàu ngầm USS Archerfish. Chỉ vài giờ sau, con tàu cùng với hơn 1.400 thủy thủ đoàn đã bị chìm. IJN Shinano là một trong những chiến hạm đoản mệnh nhất thế giới khi bị đánh chìm chỉ 10 ngày sau khi hạ thủy. Nó cũng là tàu chiến lớn nhất từng bị tàu ngầm đánh chìm./.