Những tay đua người Việt đầu tiên được cấp bằng vận động viên đua xe ô tô thể thao
Ngày 04/07/2020, Hiệp hội Ô tô Thể thao Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Hiệp hội Thể thao Xe động cơ (VMA) - thành viên của Liên đoàn Ô tô Quốc tế (FIA) tổ chức Lễ trao bằng đua xe ô tô thể thao cho 32 tay đua người Việt Nam tại Trường đua Công thức 1 (F1) Hà Nội.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, các vận động viên (VĐV) đã có màn thể hiện đua xe đầu tiên tại trường đua F1 hoàn thiện.
Đường đua F1 hoàn thiện
Theo đại diện của Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix (VGPC), đường đua F1 Hà Nội được khởi công từ ngày 20/03/2019 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Đường đua F1 Hà Nội và các khu chức năng được triển khai trên tổng số diện tích 88 ha, bao gồm phần thuộc khuôn viên cây xanh của Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình và một phần trên đường Lê Quang Đạo - đoạn đường song song với SVĐ Quốc gia Mỹ Đình.
Đường đua F1 tại Hà Nội có chiều dài 5,565 km, gồm 23 góc cua kinh điển. Đường đua F1 hoàn thiện đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn của Liên đoàn Ô tô quốc tế.
Kiến trúc sư kiêm tay đua người Đức Hermann Tilke là người được giao nhiệm vụ thiết kế đường đua xe công thức 1. Công ty Tilke Engineering của ông đã từng thiết kế nhiều đường đua F1 như Sepang (Malaysia), Thượng Hải (Trung Quốc), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Marina Bay (Singapore)… và nay là Hà Nội (Việt Nam).
Đường đua F1 ở Hà Nội là sự kết hợp giữa kỹ thuật, công nghệ hàng đầu và kiến trúc truyền thống. Thiết kế Hermann Tilke mang dấu ấn Việt Nam tại tổ hợp Pit Stop (garage của các đội đua) khán đài chính… Kiến trúc đường đua Công thức 1 Việt Nam lấy cảm hứng từ Hoàng thành Thăng Long, mặt ngoài kết hợp hòa quyện giữa mặt kính hiện đại và kết cấu thép mô phỏng cây tre truyền thống.
Theo quy định của FIA, một khán đài có sức chứa 80.000 người, khu vực khu vực kỹ thuật (dài khoảng 300m) có cấu trúc 3 tầng, với 36 khoang phục vụ các đội đua, khu vực dành cho khách Paddock Club, với sức chứa khoảng 3.000 người… được xây dựng cố định và sử dụng trong suốt 10 năm diễn ra chặng đua tại Hà Nội. Khán đài này nằm bên cạnh trung tâm điều hành giải đua F1.
Khán đài di động cũng được bố trí dọc đường đua để khán giả có thể thưởng thức trọn vẹn diễn biến cuộc tranh tài trên những cung đường. Phía sau khán đài bố trí khu vực mua sắm lưu niệm nhằm tạo trải nghiệm tốt nhất cho khán giả.
Dấu mốc nền đua xe ô tô thể thao Việt Nam
Lễ trao bằng đua xe ô tô thể thể thao là hoạt động có quy mô quốc gia sẽ được tổ chức hàng năm, nhằm công nhận thành tích thi đấu và tôn vinh các vận động viên tiêu biểu của Việt Nam trong môn đua xe ô tô thể thao.
Ông Lê Khắc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam - cho biết: “Lễ trao bằng đua xe ô tô thể thao nhằm công nhận thành tích và ghi nhận nỗ lực của các vận động viên đua xe ô thể thao đầu tiên của Việt Nam khi là những người tiên phong trong môn thể thao tốc độ này. Các vận động viên sở hữu bằng đua xe chính thức sẽ được công nhận, đào tạo, bồi dưỡng phát triển tài năng trong hệ thống quản lý của cơ quan điều hành thể thao quốc gia (National Sporting Authority), được tích lũy điểm và được ghi nhận thành tích thi đấu. Điều này góp phần nuôi dưỡng những hạt giống tương lai, chuyên nghiệp hóa hoạt động đua xe ô tô thể thao tại Việt Nam”.
Bên cạnh việc được so tài với các tay đua đến từ các quốc gia có hàng trăm năm lịch sử công nghiệp xe hơi và đua xe ô tô thể thao, các vận động viên cũng sẽ có cơ hội được học hỏi và trau dồi kỹ năng chuyên môn thông qua các khóa đào tạo, huấn luyện từ FIA và các ASN trong khu vực.
Ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT - nhấn mạnh: “Ở Việt Nam có nhiều bộ môn thể thao được thực hiện tự phát ở mức độ cá nhân, tổ chức, trong đó có đua xe ô tô thể thao. Tuy nhiên về góc độ quản lý còn nhiều mặt hạn chế như thiếu nguồn lực, chưa có tổ chức nào đứng ra điều hành,… Nhưng hiện nay Việt Nam đã có những điều kiện quan trọng để phát triển bộ môn đua xe ô tô thể thao: có những VĐV đủ năng lực tham gia các giải đấu quốc tế, có Hiệp hội đua xe ô tô thể thao Việt Nam, có trường đua đầy đủ cơ sở vật chất để luyện tập, có đường đua F1…
Từ góc độ ngành, tôi cho rằng đây là dấu hiệu đáng mừng cho nền đua xe ô tô thể thao Việt Nam. Tổng cục TDTT cam kết tạo những điều kiện tốt nhất để phát triển hệ thống thi đấu cấp quốc gia đỉnh cao hơn, tạo điều kiện cho các VĐV tài năng tham dự các cuộc đua cấp quốc tế”.
Trong khuôn khổ sự kiện, có 32 tay đua tiêu biểu được trao bằng, trong đó có 3 tay đua được cấp bằng quốc tế, 3 tay đua là nữ. 29 tay đua được cấp bằng đua xe ô tô thể thao cấp Quốc gia đều đã có quá trình tập luyện và tham gia các giải đua phong trào trong một thời gian dài, đồng thời xuất sắc vượt qua vòng loại Giải vô địch Quốc gia bộ môn Motorkhana (VAGC) đã được tổ chức vào tháng 12 năm 2019 tại Hà Nội và Bình Dương. Đó là các VĐV Phạm Quốc Huy, Nguyễn Gia Bảo, Phạm Minh, Trương Tiểu Phong, Nguyễn Ngọc Tú, Bùi Thế Sơn…
VĐV Nguyễn Đức Tiến chia sẻ: “Việc có mặt ở trường đua F1 và nhận tấm bằng đua xe quốc gia thế này là 1 giấc mơ có thật.tạo điều kiện có 1 nơi luyện tập, tổ chức giải đấu thú vị. Cam kết nỗ lực luyện tập để nâng cao kỹ năng, thành tích, lan tỏa kỹ năng đua xe an toàn để có giao thông an toàn hơn”.
Những VĐV Việt Nam đầu tiên nhận bằng quốc tế
VĐV đầu tiên nhận bằng FIA – bằng đua xe quốc tế hạng C do cơ quan điều hành thể thao quốc gia Việt Nam cấp là tay đua Nguyễn Hồng Vinh thuộc CLB đua xe ô tô thể thao Redline. Ông là tay đua dạn dày kinh nghiệm thi đấu quốc tế của Việt Nam với nhiều thành tích: đạt hạng 9 Giải đua Muba Auto Gymkhana 2019, hạng 18 Giải đua Asia Autogymkhana 2019 tại vòng đua Indonesia, Vô địch Giải đua RFC Việt Nam 2014 (Top 10 cuộc đua khắc nghiệt nhất hành tinh).
VĐV Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ: “Mọi người đều biết, những người ham mê đua xe ở Việt Nam đều đã và đang cố gắng luyện tập, trải nghiệm, tạo ra các cơ hội để tham gia giải đua. Nhưng những việc đó trong quá khứ đều chưa được công nhân. Nhưng giờ đua xe thể thao Việt Nam đang bước sang trang mới. Đây là niềm vinh dự của tôi khi được nhận tấm bằng quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Mong rằng đến cuối năm nay sẽ có đội ngũ đông đảo các VĐV Việt Nam được nhận tấm bằng này”.
Lễ trao bằng cũng vinh danh 02 vận động viên lứa tuổi thiếu niên trong môn Go Kart của Việt Nam là Phạm Hoàng Nam và Bùi Đức Minh. Hai tay đua trẻ nhận bằng CIK-C Junior - bằng đua xe Go Kart quốc tế hạng C dành cho lứa tuổi từ 12-15.
Sau khi được cấp bằng, Phạm Hoàng Nam sẽ là đại diện Việt Nam đầu tiên tham dự giải Vô địch Thế giới các Học viện Karting của FIA gồm 3 chặng đua tại Vương quốc Bỉ và Italy từ tháng 8 đến tháng 10/2020. Giải đua này được coi là bệ phóng cho những ngôi sao F1 tương lai. Cả VĐV Phạm Hoàng Nam và VĐV Bùi Đức Minh đều chia sẻ mục tiêu của mình là giải đua Công thức 1 danh giá nhất.
Mỗi VĐV đua xe thể thao là một đại sứ
Theo ông Nghiêm Anh Quân - Tổng Thư ký Hiệp hội đua xe ô tô thể thao, lộ trình phát triển bền vững của bộ môn đua xe ô tô thể thao tại Việt Nam bao gồm: Từ các bộ môn trải nghiệm khám phá (motorkhana, offroad, esport); các bộ môn cần đầu tư và học tập (karting, crosscar); đến các bộ môn chuyên nghiệp hơn (rally, endurance); hướng tới bộ môn đỉnh cao nhất của thể thao tốc độ (Formula).
Để đạt được điều này, Hiệp hội đua xe tô tô thể thao tập trung vào năm khía cạnh: xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp đẳng cấp, bám sát tiêu chuẩn FIA, nuôi dưỡng những VĐV tài năng, tổ chức các giải đua uy tín & đăng cai quốc tế, hoàn thiện cơ sở vật chất.
Điều kiện cần để cấp giấy phép cho VĐV đua xe ô tô thể thao tại Việt Nam là sức khỏe, kinh nghiệm và thành tích (tích lũy trong hoạt động luyện tâp và thi đấu tại Việt Nam), thủ tục hành chính. Còn điều kiện đủ là các quy tắc đạo đức trong văn hóa đua xe ô tô thể thao.
Nói cách khác, các VĐV cần trở thành đại sứ của bộ môn này với cộng đồng, nêu gương cho xã hội, tuân thủ pháp luật giao thông, lan tỏa kỹ năng và ý thức đua xe an toàn.
Nhằm ghi lại cột mốc đáng nhớ của nền đua xe ô tô thể thao Việt Nam và tôn vinh những giá trị được tạo ra bởi người Việt, một màn biểu diễn “mô phỏng” cuộc đua xe ô tô thể thao mang tên “The Vietnamese Racing Show” được trình diễn bởi chính những vận động viên đua xe ô tô thể thao chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.
Hệ thống bằng đua xe ô tô thể thao
Hệ thống bằng đua xe ô tô thể thao được chia làm 03 cấp độ chính: Cấp Câu lạc bộ (ký hiệu CC), Cấp Quốc Gia (ký hiệu V-D; V-C) và Cấp Quốc tế (ký hiệu D-C-B-A theo quy định của FIA). Để đáp ứng được các yêu cầu cấp bằng, các ứng viên sẽ phải đi theo lộ trình từ cấp CLB tới Quốc Gia và Quốc Tế.
Các tiêu chuẩn, điều kiện yêu cầu cần đạt được sẽ ngày một khắt khe, đòi hỏi ứng viên phải có quá trình tích lũy kinh nghiệm cũng như thi đấu cọ xát hàng năm. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định ứng viên có đạt yêu cầu để được cấp bằng hay không, đó là việc phải có đủ sức khỏe theo quy định, đặc biệt là sức khỏe thị lực bởi đua xe ô tô thể thao đòi hỏi sự tập trung cao độ trong một quãng thời gian dài, quan sát nhanh giúp vận động viên có những phản ứng và đưa ra các quyết định kịp thời trong suốt quá trình đua.
Mọi loại bằng đua xe ô tô thể thao được cấp theo ủy quyền của FIA được sử dụng trong thi đấu tại các giải đấu, hoặc trình diễn tại các sự kiện đua xe ô tô thể thao cấp quốc tế trong khuôn khổ đường đua kín, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của FIA.