Những 'Tây Lương nữ quốc' ngoài đời thực
Trong khi nhiều đất nước đang cố gắng xóa bỏ tư tưởng 'trọng nam khinh nữ' đã ăn sâu trong nhiều thế hệ thì có những nơi trên thế giới lại tồn tại chế độ mẫu hệ. Đó là nơi mà phụ nữ làm chủ và có mọi quyền quyết định. Cùng khám phá những cộng đồng theo chế độ mẫu hệ vẫn còn tồn tại một cách đặc biệt tới tận bây giờ.
1. Bộ tộc Minangkabau, Indonesia
Người Minangkabau sống ở vùng cao nguyên cùng tên tại Tây Sumatra (Indonesia) hiện duy trì cộng đồng mẫu hệ lớn nhất thế giới, nơi đàn bà làm chủ còn đàn ông là khách trong nhà.
Không giống các nền văn hóa Hồi giáo truyền thống nơi cô dâu về nhà chồng sau đám cưới, đàn ông Minang đến "ở rể" tại nhà vợ và sống cùng gia đình vợ. Của hồi môn mà các chú rể mang theo do gia đình cô dâu quyết định dựa trên học vấn và nghề nghiệp của chú rể. Đám cưới là dịp thể hiện các đặc quyền của phụ nữ Minang khi mọi việc lớn nhỏ đều do những phụ nữ có vai vế trong dòng tộc quyết định.
Trong khi đó, đàn ông Minang chỉ cần có thu nhập ổn định để chăm lo con cái. Nhiều người rời làng để đến nơi khác tìm việc và chỉ thỉnh thoảng mới về nhà. Khi đó, họ không có quyền bàn luận chuyện gia đình.
2. Bộ tộc Garos, Ấn Độ
Bộ tộc Garo sinh sống ở vùng đông bắc Ấn Độ, là một xã hội mẫu hệ trong nhiều thế kỷ, công nhận người vợ là trụ cột của gia đình. Mọi tài sản trong gia đình đều nằm trong tay người phụ nữ. Quyền thừa kế sau khi người mẹ mất đi cũng thuộc về người con gái nhỏ nhất.
Thông thường, cuộc hôn nhân của người con gái út sẽ được sắp xếp. Nhưng đối với người con gái không kế thừa tài sản, quá trình này có thể phức tạp hơn nhiều. Theo truyền thống của bộ tộc Garo, chú rể sẽ phải chạy trốn khỏi đề nghị kết hôn, đòi hỏi gia đình cô dâu phải “bắt” anh ta và đưa anh ta trở lại. Điều này được lặp lại cho đến khi cô dâu bỏ cuộc, hoặc chú rể chấp nhận đề nghị của cô (thường sau khi cô đã hứa hẹn phục vụ và vâng lời anh ta).
Sau khi kết hôn, chồng sống trong nhà của vợ mình. Nếu cuộc hôn nhân không thành công, hai người sẽ chia tay mà không bị bất cứ sự rèm pha kỳ thị nào từ cộng đồng vì đối với người Garo hôn nhân không phải một hợp đồng ràng buộc.
3. Bộ tộc Musuo, Trung Quốc
Đây cũng là một trong những bộ lạc mẫu hệ hiếm hoi trên thế giới. Ở đây, phụ nữ có thẩm quyền và địa vị tuyệt đối. Họ thậm chí có thể thay đổi bạn tình theo ý muốn và đàn ông chỉ có thể gặp “phối ngẫu” của mình vào buổi tối.
Sau khi kết hôn, những đứa trẻ sinh ra sẽ do gia đình bên nhà ngoại nuôi dưỡng. Người đàn ông không cần phải chịu trách nhiệm nhưng cả cha và con đều được biết về mối quan hệ phụ tử với nhau.
Trong bộ tộc Mosuo, tổ tiên nữ luôn là người đứng đầu bộ tộc (tộc trưởng). Họ kiểm soát kinh tế của gia đình và nghĩa vụ kế thừa thị tộc. Trẻ em sẽ luôn sống với mẹ của mình.
4. Bộ tộc Khasi, Ấn Độ
Người Khasi duy trì chế độ mẫu hệ qua nhiều thế hệ. Con trai sống với mẹ tới khi lấy vợ sau đó họ chuyển đến sống cùng gia đình nhà vợ. Mỗi khi một người con gái lấy chồng, gia đình sẽ mở rộng đất đai cho phù hợp với gia đình mới.
Văn hóa Ấn Độ có xu hướng trọng nam khinh nữ nhưng trong bộ tộc Khasi, nhà nào không có con gái bị coi là thiếu may mắn. Đàn ông phụ thuộc kinh tế vào vợ mình, phụ nữ quán xuyến việc nhà và đất đai.
5. Bộ tộc Owambo, Namibia
Bộ lạc Owambo là nhóm sắc tộc lớn nhất ở Namibia. Theo truyền thống, Owambo thừa kế theo chế độ mẫu hệ. Mặc dù sự ảnh hưởng của phương Tây đã gây ra những thay đổi đối với sự thừa kế của người dân, nhưng chế độ thừa kế này vẫn còn tồn tại trong các cộng đồng ở nông thôn của bộ tộc.
6. Bộ tộc Nagovisi, New Guinea
Sinh sống ở phía Tây đảo New Guinea, cư dân tộc người Nagovisi được biết đến với chế độ mẫu hệ độc đáo. Phụ nữ Nagovisi là người giữ vai trò lãnh đạo, điều hành các nghi lễ. Theo truyền thống của người Nagovisi, người phụ nữ sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc, cai quản mẫu đất trồng thực phẩm của gia đình cho nên chồng của cô ấy cũng phải là người khỏe mạnh, rắn rỏi, thông minh… để có thể khai hoang và mở rộng ruộng đất nhà mình.
Tuy nhiên, nếu một người đàn ông chịu giúp làm vườn cho một cô gái và họ đã có quan hệ thì cặp đôi này sẽ được coi là vợ chồng. Dù luôn nắm quyền chỉ đạo và là “trụ cột” trong nhà nhưng nếu cặp vợ chồng Nagovisi cãi vã, người đàn ông sẽ có quyền từ chối không ăn thực phẩm, dừa từ khu vườn nhà vợ.
Để làm hòa, phụ nữ Nagovisi sẽ phải mang đến một chú lợn con để bù đắp cho người chồng. Nếu người chồng từ chối bất cứ món quà gì từ người vợ, điều đó có nghĩa là cặp đôi này sẽ li dị.
7. Cộng đồng người Amis ở Đài Loan
Cộng đồng người Amis ở Đài Loan (Trung Quốc) vẫn tiếp tục duy trì chế độ mẫu hệ và mỗi hộ gia đình đều do một bà mẹ đứng đầu. Theo truyền thống, phụ nữ sở hữu tài sản, con gái cả của mỗi gia đình sẽ có quyền thừa kế. Trong khi nam giới tham gia các hoạt động quân sự theo luật bản xứ của bộ tộc.
Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/nhung-tay-luong-nu-quoc-ngoai-doi-thuc-618922.html