Những thách thức chờ đợi vị 'Thuyền trưởng' mới của nước Mỹ
Công việc đầu tiên của ông Biden sau nhậm chức là chèo lái 'con tàu' kinh tế Mỹ đi qua giai đoạn khó khăn này, thông qua kế hoạch chi tiêu 1.900 tỷ USD được công bố hồi giữa tháng này.
Tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, tất cả các Tổng thống Mỹ đều thề sẽ nhanh chóng thực hiện một chương trình nghị sự đầy tham vọng.
Nhưng đối với ông Joseph R. Biden Jr., đại dịch COVID-19 đang hoành hành và những tác động kinh tế đi kèm sẽ buộc vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ phải nhanh chóng hoàn thành nhiều công việc khác nhau nếu ông muốn đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi.
Trong bài phát biểu ngày 14/1 về đề xuất gói chi tiêu 1.900 tỷ USD của mình, ông Biden nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động “ngay bây giờ.” Nhưng việc thuyết phục được đa số trong Quốc hội có thể sẽ mất nhiều thời gian, buộc ông Biden phải có những thỏa hiệp và nhượng bộ để có được đủ số phiếu để thúc đẩy những dự luật đầy tham vọng.
Hơn thế nữa, ông cũng phải đối mặt với nhiều di sản để lại của người tiền nhiệm Donald Trump. Có những điều ông có thể điều chỉnh, song cũng nhiều vấn đề khác ông khó có thể “đi chệch” khỏi quỹ đạo đã được vạch ra.
Dưới đây là một số lĩnh vực sẽ đòi hỏi sự chú ý của ông Biden và quyết định sự thành công trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Đảm bảo sự phục hồi cho nền kinh tế
12 năm trước, Tổng thống Barack Obama đã thừa hưởng một nền kinh tế rơi tự do sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Đến thời điểm này ông Biden có vẻ gặp may mắn hơn: Nền kinh tế Mỹ đã phục hồi đáng kể sau sự sụp đổ vào mùa Xuân năm ngoái, phần lớn là nhờ hàng nghìn tỷ USD viện trợ liên bang.
Tuy nhiên, tốc độ phục hồi này đã chậm lại trong những tháng gần đây. Đáng chú ý nhất là hồi tháng 12/2020, đà phục hồi đã đảo ngược khi các nhà tuyển dụng phải cắt giảm lao động khi đối mặt với đợt bùng phát mới của COVID-19.
Công việc đầu tiên của ông Biden sau nhậm chức sẽ là chèo lái “con tàu” kinh tế Mỹ đi qua giai đoạn khó khăn này, thông qua kế hoạch chi tiêu 1.900 tỷ USD được công bố hồi giữa tháng này.
Nhưng khi cuộc khủng hoảng trước mắt qua đi, ông Biden sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức có lẽ còn khó khăn hơn. Đó là chữa lành những “vết sẹo” mà đại dịch đã để lại cho các gia đình và cộng đồng, đồng thời giải quyết các vấn đề bất bình đẳng đã âm ỉ tồn tại trong nhiều thập kỷ nhưng đã bị đại dịch bóc trần.
Đối phó với các công ty công nghệ lớn
Các quyết định gần đây của Facebook, Twitter và nhiều “đại gia” công nghệ khác nhằm khóa tài khoản của Tổng thống Trump cùng nhiều nhóm cánh hữu đã làm leo thang mạnh mẽ cuộc tranh luận về vấn đề phát ngôn trên không gian mạng, cũng như ảnh hưởng của Thung lũng Silicon.
Trung tâm của cuộc tranh luận là điều luật được gọi là Mục 230, cho phép miễn trừ trách nhiệm pháp lý của các trang web đối với nội dung mà họ lưu trữ. Đảng Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ đang kêu gọi sửa đổi hoặc hủy bỏ luật trên, trong khi các công ty công nghệ hùng mạnh có thể sẽ chống lại bất cứ thay đổi lớn nào.
Chính quyền của ông Biden cũng “kế thừa” các vụ kiện chống độc quyền do chính phủ liên bang tiến hành đối với Google và Facebook, trong khi Quốc hội mới của nước Mỹ sẽ cần tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng sức mạnh của ngành công nghiệp này.
Cân nhắc lại các chính sách về thuế
Ông Biden đã nhiều lần chỉ trích rằng luật thuế liên bang hiện hành đang có lợi cho những người giàu và các tập đoàn lớn. Ông đồng thời đề xuất một số biện pháp khiến những nhóm này phải trả nhiều thuế hơn để tài trợ cho các dự án năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, giáo dục và các phần khác trong chương trình nghị sự của mình.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng muốn rút lại một số khoản cắt giảm thuế được ông Trump đưa ra vào năm 2017 dành cho những người kiếm được hơn 400.000 USD/năm, cũng như tăng thuế đối với các công ty, nhà đầu tư có thu nhập cao và những người thừa kế tài sản lớn.
Tuy nhiên, ông Biden sẽ cần phải vượt qua sự phản kháng từ các nhà vận động hành lang, cân bằng các đề xuất của mình với các kế hoạch cạnh tranh khác từ các nghị sĩ trong Quốc hội, những người cũng muốn tăng thuế đối với các công ty và người giàu nhưng với cách thức khác với ông Biden.
Đối mặt với Trung Quốc và củng cố quan hệ với các đối tác thương mại
Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ từ cú sốc COVID-19 và trở thành một đối thủ kinh tế đáng gờm hơn của Mỹ. Xuất khẩu của quốc gia châu Á này sang Mỹ vẫn đang tăng, bất chấp những biện pháp thuế quan của ông Trump. Sau nhiều năm đầu tư mạnh vào đào tạo công nhân và tự động hóa, lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng cạnh tranh rất cao của mình.
Trong khi đó, các hạn chế xuất khẩu dưới thời Tổng thống Trump và những rắc rối của nhà sản xuất máy bay Boeing đã làm suy yếu hoạt động nhập khẩu hàng hóa có giá trị cao từ Mỹ của Trung Quốc, chủ yếu là chất bán dẫn và máy bay.
Sự trỗi dậy nhanh chóng và mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ khiến chính quyền của ông Biden phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc có nên cho phép tiếp tục bán các công nghệ của Mỹ cho nước này hay không.
Chính quyền mới cũng đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng nhằm hồi sinh ngành công nghiệp Mỹ và hợp tác với các đồng minh để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Song họ cũng phải đối mặt với thách thức là phải giải quyết các quyết định thương mại của ông Trump như thế nào. Chúng bao gồm việc áp thuế quan đối với hơn 360 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, dẫn tới việc hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại buộc Trung Quốc phải mua hàng trăm tỷ USD hàng hóa từ Mỹ.
Ngoài ra, đội ngũ của ông Biden cần tìm ra cách xoa dịu các đồng minh, như Liên minh châu Âu (EU), vốn đã bị “phật lòng” bởi các chính sách thương mại quá hiếu chiến của Tổng thống Trump.
Tăng cường giám sát tài chính
Ông Biden đã cam kết sẽ giám sát chặt chẽ hơn hệ thống tài chính của nước Mỹ. Trong số các ưu tiên của ông bao gồm nối lại những quy định kiểm soát hoạt động chấp nhận rủi ro của các ngân hàng, cùng nhiều hoạt động dễ gây tổn hại khác như cho vay ngắn hạn không thế chấp cũng như kiểm soát hoạt động của các công ty công nghệ tài chính phi ngân hàng. Những quy định trên đều từng bị rút lại dưới thời Tổng thống Trump.
Chính quyền mới cũng sẽ phải giải quyết hệ thống “ngân hàng ngầm” vốn không được kiểm soát của các quỹ phòng hộ, các công ty cổ phần tư nhân và các nhà quản lý tài chính. Hệ thống này đang nắm giữ hàng nghìn tỷ USD và hoàn toàn có khả năng gây ra xáo trộn lớn trên thị trường tài chính.
Ở tầm vĩ mô, tham vọng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm sắc tộc và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có khả năng ảnh hưởng đến cách tiếp cận vấn đề điều tiết tài chính của ông Biden.
Giảm bớt gánh nặng nợ hộ gia đình
Tổng nợ của các hộ gia đình Mỹ đã giảm xuống trong thời kỳ đại dịch, nhưng tình trạng mất việc làm đã đẩy hàng triệu gia đình vào cảnh nghèo đói. Ngoài khoản chi trực tiếp 1.400 USD mỗi người và mở rộng các khoản trợ cấp thất nghiệp, ông Biden kỳ vọng có được 30 tỷ USD để giúp các hộ gia đình đang gặp khó khăn chi trả được các hóa đơn tiền thuê nhà, nước và năng lượng quá hạn. Ông cũng đề xuất áp dụng mức lương tối thiểu 15 USD một giờ.
Ngoài ra, ông Biden có kế hoạch gia hạn lệnh tạm hoãn thanh toán khoản vay cho sinh viên liên bang, dù chưa biết việc gia hạn sẽ kéo dài trong bao lâu. Mặc dù ông Biden ủng hộ việc miễn giảm 10.000 USD cho mỗi khoản nợ liên bang của sinh viên, ông lại không đưa khoản đó vào đề xuất của mình. Nhiều nghị sĩ trong Quốc hội có thể kiên quyết đưa ý tưởng này vào bất kỳ gói kích thích nào trong tương lai.
Điều chỉnh ngành năng lượng
Mục tiêu của ông Biden về một hệ thống điện không phát thải carbon vào năm 2035 sẽ buộc ngành năng lượng Mỹ phải trải qua một cuộc cải cách triệt để. Song điều này đòi hỏi những khoản đầu tư lên tới hàng trăm tỷ USD cũng như các chính sách mới, chẳng hạn như củng cố lưới điện ở các bang như California. Một số nhà chỉ trích cho rằng mục tiêu này là không thể đạt được.
Trong khi đó, xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và xe điện sẽ làm giảm nhu cầu về dầu, khí đốt và than đá, đe dọa một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên. Nó cũng có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp, vì những người được đào tạo để làm việc trong ngành nhiên liệu hóa thạch có thể không có những kỹ năng mà ngành năng lượng tái tạo yêu cầu.
"Giải cứu" ngành giao thông
Dù đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ liên bang, ngành giao thông vận tải Mỹ vẫn đang “quay cuồng” vì đại dịch. Chính quyền của ông Biden sẽ phải quyết định xem có nên tăng cường hỗ trợ ngành này hay không, bao gồm cấp thêm các khoản viện trợ tài chính và yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang.
Lời cam kết của ông Biden về việc sửa chữa và mở rộng các tuyến đường cao tốc, đường sắt, hệ thống vận chuyển và nhiều cơ sở hạ tầng khác của nước Mỹ cũng là điều các doanh nghiệp trong ngành chú ý.
Tuy nhiên, lĩnh vực giao thông là một ngành "đóng góp" nhiều vào quá trình biến đổi khí hậu - trong khi ông Biden đã cam kết sẽ tích cực tìm cách giải quyết vấn đề này. Tìm được cách cân bằng những cam kết trên mà không gây ra tình trạng mất việc diện rộng sẽ là một thách thức lớn cho ông Biden và chính quyền mới./.