Những thách thức của ngành Y sau 'cơn bão' Việt Á
Ngành y tế nước ta vừa có quyền Bộ trưởng mới, bà Đào Hồng Lan. Lần đầu tiên người đứng đầu ngành y nước ta không được đào tạo về ngành y. Tuy nhiên, bà Lan là một chính khách, đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, đủ bản lĩnh và trình độ năng lực để đứng đầu một bộ rất quan trọng, liên quan đến an sinh xã hội. Đây cũng có thể được xem là cơ hội và cũng có nhiều thách thức để cải cách triệt để ngành y theo hướng quản lý hiện đại và hiệu quả, như nhiều quốc gia khác đang làm.
Một "di sản" ngổn ngang
Thách thức lớn nhất với tân lãnh đạo ngành y tế không phải là những vấn đề về công tác tổ chức mà là những "di sản" mà ngành này để lại sau "cơn bão" kit/test của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Việt Á). "Cơn bão" Việt Á thật kinh hoàng, không chỉ "thổi" qua ngành y ngay trong cơn đại dịch Covid-19 cực kỳ tàn khốc, làm chết hơn 43 ngàn người, mà nó còn làm cả kiến trúc thượng tầng lẫn hạ tầng của ngành y bị xô đổ.
Tính từ cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cho đến quan chức các cơ quan kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương, nhiều giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh, một số sở y tế, với hơn 80 người đã vướng vào vòng lao lý. Điều gì khiến "cơn bão Việt Á" tàn phá kinh hoàng đến vậy? Không có gì khác là tiền. Chính Phan Quốc Việt - giám đốc Việt Á khai đã chi hoa hồng trong vụ này lên đến 800 tỷ đồng.
Đau đớn nhất khi tuyệt đại đa số lãnh đạo Bộ Y tế đương nhiệm đều bị kỷ luật từ nhẹ tới nặng nhất. Hậu quả của nó cho đến nay không chỉ mất nhiều cán bộ y tế cốt cán, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành của ngành y sau khi đại dịch. Mất mát lớn hơn nữa của ngành y tế đánh mất niềm tin của người dân. Đó là chỉ mới nói đến "cơn bão" Việt Á. Thực ra từ lâu "cơn bão tiêu cực" đã thổi dữ dội trong ngành y.
Hai cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (dính líu với vụ mua bán thuốc giả của VN Pharma); Cao Minh Quang (trong vụ làm thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu và thuốc chống dịch cúm A/H5N1 từ năm 2005). Chỉ tính riêng 2 vụ án nghiêm trọng này được xử lý khá chậm cũng đã làm ngành y tế đánh mất niềm tin của người dân.
Thực tế đó là những tiếng chuông cảnh báo trước về "cơn bão" Việt Á sau này nhưng chúng ta đã mất cảnh giác, vẫn để "cơn bão" Việt Á tiếp tục hoành hành dữ dội hơn. Có thể thấy đồng tiền, ở đây là những "hoa hồng" tội lỗi phá nát ngành y. Người ta tự hỏi, tiền ở đâu mà cựu giám đốc Bệnh viện như TP.Thủ Đức - Nguyễn Minh Quân, lấy đâu ra 3,7 triệu USD để chạy án khi dính tới vụ án Việt Á?
Việt Á và những vụ án tương tự là những cơn đau xé lòng trong cơ thể ngành y. Dù có muộn nhưng may mắn là những "khối u" đó đã được hội chẩn chính xác và đại phẫu kịp thời, dù nó đã làm thiệt hại lớn về tài sản Nhà nước và nhân dân, ngành y đã mất đi một lực lượng cán bộ có trình độ chuyên môn cao. Hậu Covid-19 cũng rất đáng quan ngại sau đại dịch, nhưng "hậu Việt Á" cũng rất đáng quan ngại, cả vi mô lẫn tầm vĩ mô trong điều hành và quản lý ngành y, để đảm bảo công tác điều trị, khám chữa bệnh cho nhân dân.
Một hậu quả khác cũng hết sức đáng quan ngại, đó là sự rời bỏ ngành y công lập của một lực lượng lao động khá lớn, được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm. Ngày 04-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022 có 4.113 người. Trong 4.113 viên chức bỏ việc, thôi việc trong 6 tháng đầu năm nay, có 3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các sở y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Tổng cộng trong 1,5 năm, cả nước có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.
Tình trạng nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công cũng diễn ra đột biến tại TPHCM. Theo đó, chỉ trong quý I/2022, 400 người nghỉ việc - bằng tổng số người nghỉ việc trung bình mỗi năm - trước khi đại dịch xuất hiện. Riêng năm 2021, ngành y tế thành phố ghi nhận số người nghỉ việc là 1.154, cho thấy sự khủng hoảng nhân lực trong ngành y TPHCM.
Một thách thức khác với tân lãnh đạo ngành y là dịch Covid-19 vẫn có thể quay trở lại bất kỳ, khi mà những đợt dịch mới đang bùng phát ở các quốc gia, như Nhật Bản ngày 15-7 đã ghi nhận hơn 104.000 ca mắc Covid-19 mới, Hàn Quốc có hơn 40.000 ca/ngày... Trong khi đó, tốc độ tiêm phòng mũi 3 và mũi 4 ở nước ta đang chậm lại.
Cơ hội để cải tổ
Với một chính khách ngoài ngành y lãnh đạo Bộ Y tế ở nước ta là chưa có tiền lệ nhưng ở nhiều quốc gia tiên tiến là chuyện bình thường. Như ở Đức, trong thời gian 1955 - 2017, đa số bộ trưởng y tế không phải là bác sĩ, mà là chuyên gia từ các ngành khác, là các chính khách. Ngay cả Malaysia cách đây không lâu đã có bộ trưởng y tế là người ngoài ngành cũng có lời ra tiếng vào nhưng ông này tuyên bố: "Nhiệm vụ của tôi không phải là giải quyết một vấn đề y khoa phức tạp (vì đó công việc của bác sĩ); nhiệm vụ của tôi là quản lí chiến lược và đem hệ thống chăm sóc y tế đến người dân".
Như vậy, cũng có thể hiểu nhiệm vụ mới của Bộ Y tế là xây dựng hệ thống y tế chiến lược để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Lấy Bộ Y tế Mỹ làm ví dụ, Bộ này có 5 chức năng chính: Tham vấn cho Tổng thống về y tế và sức khỏe; giám sát cơ quan quản lý Thuốc và Thực Phẩm (US-FDA); xây dựng các chính sách chăm lo sức khỏe cho dân; chỉ đạo các CDC là cơ quan chăm lo phòng ngừa kiểm soát bệnh tật; giám sát Cơ quan chăm sóc sức khỏe cho người Mỹ bản địa... Do vậy, khi Tổng thống chủ trì buổi họp về y tế, người ta thường thấy BS Anthony Fauci - Cố vấn trưởng y tế cho Tổng thống đứng bên cạnh sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi, trình bày các chính sách chuyên môn và trả lời chất vấn.
Với cấu trúc bao gồm nhiều cơ quan chuyên trách y khoa, thường Bộ trưởng Y tế ở các nước là người quản lý điều hành, nên không cần thiết là người trong ngành y mà cần khả năng quản lý là chính. Ở Việt Nam, Bộ Y tế không có lợi thế như vậy, khi không có đội ngũ mạnh chuyên môn hỗ trợ. Do vậy, có thể hiểu, khi bà Đào Hồng Lam, một chính khách ngoài ngành y phụ trách Bộ Y tế, có thể chúng ta đang hướng đến một cuộc cải cách triệt để trong ngành y, để xây dựng Bộ Y tế trở thành một cơ quan quản lí chiến lược, xây dựng hệ thống chăm sóc y tế tốt nhất cho người dân. Để làm được điều đó là một thách thức lớn không chỉ của Bộ Y tế mà cả Chính phủ.
Ngành y tế nước ta còn nhiều bất cập. Bất cập dễ thấy nhất là tình trạng "công tư” lẫn lộn trong các cơ sở y tế công, bệnh viện công. Điều lạ lùng là trong nhiều bệnh viện công đều có khu khám dịch vụ. "Điều này chỉ có ở Việt Nam" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu như vậy. Trong khi các nước công là công, tư là tư. "Điều chỉ có ở Việt Nam" đã phát sinh nhiều hệ lụy, tiêu cực như đã xảy ra. Vấn đề này lại liên quan đến quy định về tự chủ tài chính trong các bệnh viện được cho phép tự chủ...
Ngay cả việc đấu thầu thuốc tập trung hay giao quyền cho các cơ sở y tế gần đây cũng gây nhiều tranh luận. Đây lại là một vấn đề cần cải cách về thể chế lẫn các cơ sở pháp lý. Tại sao không có chuyện tiêu cực về đấu thầu thuốc trong các bệnh viện tư, cũng là một câu hỏi về thể chế, tổ chức, để tìm cách quản lý ở các bệnh viện công.
Phát biểu tại kỳ họp tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội hồi cuối năm 2021, đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chỉ ra thực tế rất đáng lo ngại: "Phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công thời gian qua?".
Ông Long cho rằng bác sĩ là những người được đào tạo chuyên sâu về y khoa, ngoài trách nhiệm về chuyên môn, một bác sỹ được cất nhắc làm quản lý bệnh viện còn phải có trách nhiệm quản lý, điều hành một bệnh viện công, cả những việc từ gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế... Và đặt vấn đề: "Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp".
Đây là một vấn đề lớn, rất lớn trong quản lý các bệnh viện công. Đã đến lúc quản lý bệnh viện công theo cách khác, cách mà nhiều nước đang làm, cần một CEO điều hành, quản trị, bên cạnh đó là hội đồng y khoa, chứ không phải một GS-TS y khoa kiêm luôn chức giám đốc. Điều này tương tự như tân lãnh đạo ngành y tế, vai trò của bà Đào Hồng Lan hiện nay. Bà Lan như một CEO, một nhà quản trị của Bộ Y tế, vạch ra các chính sách chiến lược đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chứ không giải quyết các vấn đề y khoa.
Sự đổi mới trong việc bổ nhiệm người ngoài ngành y quản trị ngành y, trước mắt còn rất nhiều việc bề bộn phải làm, với những khó khăn chưa lường hết được nhưng đó cũng tín hiệu tốt, là cơ sở để giải quyết nhiều vấn đề tồn tại lưu cữu trong ngành này. Không chỉ ngành y, các bộ ngành khác cũng có thể áp dụng để thay đổi hệ thống quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.