Những thách thức đang chờ nước Mỹ
Năm 2022 khép lại cũng là lúc nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đi được nửa chặng đường. Nhiều chính sách của tổng thống thứ 46 của Mỹ trong hai năm đầu nhiệm kỳ được đánh giá là đạt hiệu quả, phần nào vực dậy sức mạnh và vị thế quốc gia. Song, còn đó hàng loạt thách thức, cả bên trong lẫn bên ngoài, vẫn chực chờ bủa vây Xứ cờ hoa trong hai năm tới.
Theo nhiều phân tích của truyền thông Mỹ, trong hai năm đầu của nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden đã từng bước hiện thực hóa thành công các cam kết tranh cử, nổi bật trong đó là đẩy lùi dịch bệnh, đưa Mỹ trở lại các thỏa thuận đa phương và khôi phục vị thế toàn cầu của Mỹ.
Hai năm qua, Tổng thống Biden đã ký ba dự luật khổng lồ trong lịch sử Mỹ, gồm gói cứu trợ mang tên Kế hoạch giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD trong chiến dịch ứng phó đại dịch Covid-19, luật cơ sở hạ tầng với ngân sách lên tới 1.000 tỷ USD và đạo luật giảm lạm phát với các khoản chi kỷ lục cho hành động khí hậu và sức khỏe cộng đồng.
Với việc sớm nối lại các hoạt động kinh tế sau khoảng thời gian dài ngưng trệ vì dịch bệnh, nền kinh tế số 1 thế giới đã có sự phục hồi ngoạn mục. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, mức tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2021 là 5,7%, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1984. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống mức 3,5%, tương đương mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tổng thống Biden cũng tích lũy được nhiều thành tựu lập pháp. Ông được cho là đầu tư vào việc kiểm soát và phòng ngừa tội phạm nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào trong lịch sử Mỹ. Một dự luật về quản lý súng đạn do ông thúc đẩy đã được thông qua, qua đó mở rộng quy trình kiểm tra lý lịch người mua vũ khí và giúp tiến trình truy tố tội phạm buôn bán súng bất hợp pháp dễ dàng hơn. Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua đạo luật cung cấp hơn 52 tỷ USD nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước, tạo ra hàng chục nghìn việc làm.
Ðảo ngược chính sách “nước Mỹ trước tiên” của người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden đã đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Mỹ củng cố liên minh xuyên Ðại Tây Dương, nhất là trong các động thái liên quan cuộc xung đột tại Ukraine, thúc đẩy NATO mở rộng thông qua việc khuyến khích Phần Lan và Thụy Ðiển từ bỏ lập trường trung lập và gia nhập khối liên minh quân sự. Trấn an các thành viên Ấn Ðộ, Nhật Bản và Australia trong nhóm Bộ tứ, cũng như các đồng minh, đối tác truyền thống trên khắp thế giới, Washington tích cực thiết lập các mối quan hệ đối tác mới, nổi bật như thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS với Anh và Australia.
“Ðưa người Mỹ xích lại gần nhau” là cam kết mà Tổng thống Biden đưa ra trong bài phát biểu nhậm chức năm 2021. Tuy nhiên, theo giới quan sát, hai năm trôi qua và sự phân cực trong nội bộ Mỹ vẫn chưa thu hẹp. Theo khảo sát của Reuters, tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ dành cho ông Biden không cao hơn mức 45% kể từ năm ngoái. Tỷ lệ ủng hộ này thậm chí giảm xuống dưới 40% ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra hồi đầu tháng 11/2022.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ thường được xem như một cuộc trưng cầu ý dân toàn liên bang về kết quả điều hành trong hai năm của tổng thống đương nhiệm cũng như tính hiệu quả của các chính sách do các đảng thúc đẩy. Ðảng Dân chủ và đảng Cộng hòa giành được ưu thế trong các lĩnh vực nhất định. Kết quả một cuộc khảo sát của ABC News/Ipsos cho thấy, so với đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa được người dân Mỹ ủng hộ nhiều hơn trong cách thức giải quyết các vấn đề như lạm phát, tăng trưởng kinh tế, giá khí đốt và tội phạm.
Trong khi đó, đảng Dân chủ lại có được sự tin tưởng của cử tri Mỹ trong các vấn đề liên quan Covid-19, biến đổi khí hậu, bạo lực súng và phá thai.
Lạm phát đứng đầu danh sách các mối quan tâm của cử tri và điều này là một dấu hiệu không mấy tích cực đối với đảng Dân chủ. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, gói kích thích kinh tế của tổng thống và đảng Dân chủ góp phần khiến lạm phát ở Mỹ cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua. Các chuyên gia kinh tế của hãng Bloomberg thậm chí dự đoán, xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới là 100%. Một cuộc thăm dò của CNBC cho thấy, chưa đến một phần ba số cử tri kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ cải thiện trong năm tới.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11, đảng Cộng hòa đã giành đủ số ghế cần thiết để chiếm thế đa số tại Hạ viện. Ðiều này đồng nghĩa với việc khi lưỡng viện Quốc hội khóa 118 của Mỹ nhậm chức vào đầu tháng 1/2023 tới, chương trình nghị sự của Tổng thống Biden và đảng Dân chủ có thể chịu sức ép nhiều hơn khi quyền kiểm soát Hạ viện trong tay đảng Cộng hòa.
Các vấn đề ngoại giao được cho là sẽ tạo không ít sóng gió đối với chính quyền Tổng thống Biden trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ. Quyết định rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021 của Nhà trắng đến nay vẫn gây tranh cãi. Những chuyến bay sơ tán hỗn loạn tại sân bay quốc tế Kabul làm lung lay niềm tin của các nước đồng minh phương Tây và không ít người dân trong nước.
Cuộc xung đột tại Ukraine là một phần nổi bật trong hồ sơ đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Biden. Washington đã nỗ lực khẳng định vị thế dẫn dắt và tầm ảnh hưởng quốc tế ngay từ những ngày đầu xung đột nổ ra. Mỹ hiện là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, trong đó hơn 18 tỷ USD là viện trợ quân sự, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, cuộc xung đột đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong khi sự ủng hộ của đảng Cộng hòa đối với các gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine suy giảm, trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao.
Còn hàng loạt bài toán cần lời giải đang đặt ra với chính quyền Tổng thống Biden. Giải pháp hai nhà nước mà Mỹ thúc đẩy trong xung đột giữa Israel và Palestine chưa có tiến triển. Triều Tiên tiếp tục triển khai hàng loạt vụ phóng, trong khi vấn đề hạt nhân Iran vẫn bế tắc. Làn sóng di cư bất hợp pháp từ các nước Trung Mỹ hướng về Mỹ liên tiếp thiết lập kỷ lục mới. Mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Saudi Arabia xuất hiện rạn nứt sau quyết định giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) mà Saudi Arabia có nhiều ảnh hưởng.
Nhà trắng đã xác nhận Tổng thống Mỹ Biden sẽ tranh cử thêm một nhiệm kỳ vào năm 2024. Dựa trên những thành tựu đã đạt được, ông Biden có cơ sở để tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình. Tuy nhiên, các dự báo đều cho thấy, thách thức sẽ không hề giảm đối với lãnh đạo Nhà trắng trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-thach-thuc-dang-cho-nuoc-my-post731853.html