Những thách thức đặt ra trong quản lý tài nguyên nước

Lào Cai có nguồn tài nguyên nước dồi dào với 9 sông, suối liên tỉnh; 6 nguồn nước xuyên quốc gia; 77 sông, suối nội tỉnh và 181 hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 203 công trình khai thác nước, trong đó có 115 công trình khai thác nước mặt, 8 công trình khai thác nước dưới đất. Tài nguyên nước được khai thác tại 139 hồ chứa, 15 cống, 6 đập dâng, 35 trạm bơm, 8 giếng khoan…

Theo đánh giá của ngành tài nguyên và môi trường, trong những năm gần đây, việc tranh chấp nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt vẫn thường diễn ra, đặc biệt vào mùa khô và ở các địa phương vùng cao có ít nguồn nước như Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai... Đơn cử như việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại thị xã Sa Pa những năm qua phát sinh những vấn đề khó giải quyết, liên quan đến chất lượng nguồn nước và chia sẻ nguồn nước phục vụ nuôi cá nước lạnh, thủy điện và sinh hoạt.

Ông Lê Văn Mật, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai cho biết: Hiện nay, tại thị xã Sa Pa, doanh nghiệp đang khai thác nước tại 4 điểm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và du lịch. Vào mùa khô, các nhà máy nước gặp nhiều khó khăn về nguồn cung vì phải chia sẻ với hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi của người dân địa phương. Thậm chí, tại điểm khai thác nguồn nước Suối Hồ 2, phường Hàm Rồng, để có đủ nguồn nước phục vụ hoạt động của nhà máy nước sạch tại đây, mỗi năm Xí nghiệp nước sạch Sa Pa phải chi trả khoản hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng cho các hộ để họ tạm ngưng 1 vụ cấy.

Tài nguyên nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân.

Tài nguyên nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân.

Không chỉ ở thị xã Sa Pa, ở nhiều địa phương khác, vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Ví dụ điển hình là việc khai thác nguồn tài nguyên nước trên suối Ngòi Đum. Suối Ngòi Đum là dòng chảy quan trọng, cung cấp nước cho phát triển kinh tế - xã hội của một lưu vực rộng lớn thuộc địa bàn thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát và thành phố Lào Cai. Nước của suối Ngòi Đum đang được các nhà máy thủy điện, nhà máy nước và các kênh thủy lợi khai thác phục vụ gần 20 ha ao nuôi cá và hơn 50 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ ở suối Ngòi Đum, các địa phương như Văn Bàn, Si Ma Cai, Bắc Hà… không khó để thấy những dòng suối cạn trơ đáy, phần do hệ thống hồ thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn, phần vì diện tích rừng bị thu hẹp và thưa thớt nên nguồn sinh thủy không còn. Vì vậy, người dân phải chịu cảnh hạn hán kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất. Còn ở các địa phương vùng thấp, mặc dù nguồn nước suối, ao, hồ tương đối dồi dào nhưng lại bị ô nhiễm ở mức độ khác nhau do sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nước thải sinh hoạt gây ra.

Theo ông Lưu Đức Cường, Chi cục Trưởng Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), trong những năm qua, do bất cập trong quản lý nên đã phát sinh những tranh chấp về sử dụng nguồn nước phục vụ phát điện, sản xuất nông nghiệp và sản xuất nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng có chiều hướng phức tạp, nhưng đến nay, tỉnh vẫn chưa có số liệu quan trắc cơ bản về chất lượng tài nguyên nước. Nguyên nhân là do tỉnh chưa tiến hành việc lập quy hoạch cũng như chưa có điều tra, quan trắc chính thức để đánh giá chính xác chất lượng nguồn nước.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tài nguyên nước đang được khai thác để phát triển thủy điện vừa và nhỏ, phục vụ công nghiệp khai thác và chế biến, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, các nhu cầu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước được dự báo gia tăng. Cụ thể, dự báo đến năm 2025, nhu cầu dùng nước của thành phố Lào Cai đạt trên 56.000 m3/ngày đêm; đến năm 2030 là trên 80.000 m3/ngày đêm; năm 2050 là trên 90.000 m3/ngày đêm.

Theo ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản - nước (Sở Tài nguyên và Môi trường), hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước tại Lào Cai vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tính đến hết năm 2021, tỉnh mới đầu tư được 6 trạm quan trắc tài nguyên nước, trong đó có 3 trạm quan trắc nước mặt và 3 trạm quan trắc nước dưới đất. Vì thế, các cơ quan chuyên môn mới thống kê được số liệu quan trắc đối với thông số mực nước và thông số lưu lượng; các thông số cụ thể về định lượng tài nguyên nước hiện chưa được đầu tư thiết bị để xây dựng cơ sở dữ liệu nên khó khăn cho việc đưa ra kế hoạch sử dụng tài nguyên nước bền vững. Để quản lý tài nguyên nước hiệu quả hơn, Lào Cai cần được đầu tư thêm các hệ thống giám sát, quan trắc trong khai thác và sử dụng nguồn nước. Việc đầu tư các hệ thống quan trắc nước mặt, nước ngầm giúp hoàn thiện cơ sở dữ liệu để các cơ quan chuyên môn tính toán, đánh giá trữ lượng, chất lượng, từ đó có phương án khai thác, sử dụng hợp lý.

Lào Cai đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh về nông nghiệp, công nghiệp và du lịch, vì thế, việc khai thác, sử dụng nguồn nước chưa hợp lý đã phát sinh những khó khăn, bất cập, thậm chí đã xảy ra mâu thuẫn gây mất an ninh, trật tự. Vấn đề quản lý hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên nước đặt ra nhiều thách thức đối với không chỉ ngành tài nguyên và môi trường, mà còn đối với cả chính quyền các địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363017-nhung-thach-thuc-dat-ra-trong-quan-ly-tai-nguyen-nuoc