Những thách thức với Tổng thống đắc cử Croatia Z.Milanovic

Cựu Thủ tướng cánh tả Zoran Milanovic đã giành chiến thắng trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống tại Croatia sau khi đánh bại đương kim Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic.

Cựu Thủ tướng Milanovic và phu nhân vẫy tay trước người ủng hộ tại Zagreb sau khi kết quả kiểm phiếu chính thức được công bố. Ảnh: Reuters

Cựu Thủ tướng Milanovic và phu nhân vẫy tay trước người ủng hộ tại Zagreb sau khi kết quả kiểm phiếu chính thức được công bố. Ảnh: Reuters

Trở thành tổng thống mới của Croatia, song nhiệm kỳ 5 năm tới của ông Milanovic được dự báo sẽ đối mặt với không ít thách thức.

Cựu Thủ tướng Zoran Milanovic giành chiến thắng trong vòng 2

Croatia đã tiến hành cuộc bầu cử tổng thống lần thứ bảy kể từ khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1991 với sự chứng kiến kỷ lục của 24.333 quan sát viên. Trong cuộc bầu cử năm nay, khoảng 3,86 triệu cử tri Croatia đã có đủ tư cách để đi bầu cử.

Tại vòng một cuộc bầu cử tổng thống Croatia diễn ra ngày 22.12, ứng cử viên của đảng Dân chủ Xã hội (SDP), cựu Thủ tướng Zoran Milanovic đã đánh bại 11 ứng cử viên khác để đứng đầu với 29,55% số phiếu ủng hộ, trong khi Tổng thống đương nhiệm Kolinda Grabar Kitarovic - ứng cử viên của Liên minh Dân chủ Croatia (HDZ) trung hữu cầm quyền giành 26,7% số phiếu, đứng ở vị trí thứ hai. Ứng cử viên độc lập Miroslav Skoro theo đường lối cánh hữu, một ca sĩ nhạc dân gian nổi tiếng về vị trí thứ 3 với 24,4% số phiếu ủng hộ và cựu thẩm phán Mislav Kolakusic chỉ nhận được 14% số phiếu bầu, đứng ở vị trí thứ tư.

Với kết quả này thì cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 đã cho thấy sự gia tăng về mức độ ủng hộ đối với những ứng cử viên tổng thống có quan điểm cứng rắn, một xu hướng cũng đã từng xảy ra tại những quốc gia châu Âu khác như Ba Lan hoặc Hungary. Và với việc không ứng cử viên nào giành được đa số phiếu để đắc cử ngay tại vòng một, hai ứng cử viên giành nhiều phiếu nhất là cựu Thủ tướng Zoran Milanovic và Tổng thống đương nhiệm Grabar Kitarovic đã phải bước vào cuộc bầu cử tổng thống Croatia vòng 2.

Tại vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống Croatia diễn ra ngày 5.1 tại Croatia, cựu Thủ tướng Zoran Milanovic SDP đã giành chiến thắng trước đương kim Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic của HDZ cầm quyền.

Với 99,85% số phiếu bầu đươc kiểm tại các khu vực bầu cử, Ủy ban Bầu cử quốc gia Croatia cho biết ông Milanovic đã giành được 52,73% số phiếu ủng hộ của cử tri nước này, trong khi bà Grabar-Kitarovic, theo đường lối bảo thủ, chỉ nhận được 47,3% số phiếu bầu. Với kết quả này, cựu Thủ tướng Zoran Milanovic sẽ trở thành tổng thống mới của Croatia.

Cựu Thủ tướng Milanovic là một nhà lãnh đạo lâu năm của Đảng Dân chủ Xã hội hiện đang đối lập với chính phủ của Đảng HDZ. Chính trị gia 53 tuổi này giữ chức vụ đứng đầu chính phủ từ năm 2011 đến 2016.

Ông Milanovic đã thực hiện chiến dịch tranh cử của mình với lời hứa chống tham nhũng đồng thời cam kết trong chiến dịch tranh cử, Croatia sẽ là một quốc gia nơi quyền của công dân được tôn trọng. "Croatia là một nước cộng hòa cho tất cả mọi người, bình đẳng cho mọi công dân", cam kết duy trì tính độc lập của ngành tư pháp và tôn trọng người thiểu số.

Theo giới phân tích, việc cựu Thủ tướng Croatia Milanovic giành chiến thắng một phần là nhờ sự chia rẽ trong các cử tri cánh hữu và được coi là một chiến thắng hiếm hoi của một quan chức cánh tả cho một vị trí quan trọng ở Trung Âu, nơi những người theo chủ nghĩa dân túy và bảo thủ đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử trong những năm gần đây.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống được cho là sẽ củng cố vai trò Đảng Dân chủ Xã hội trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Croatia diễn ra vào mùa thu tới, song sẽ là một thử thách quan trọng đối với Liên minh Dân chủ Croatia của Thủ tướng Andrej Plenkovic, trong khi thất bại của bà Grabar Kitarovic được xem là một đòn giáng mạnh vào đảng trung hữu cầm quyền Croatia HDZ trong bối cảnh nước này đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1.1 tới ngày 30.6.2020 với nhiều vấn đề hóc búa hậu giai đoạn Anh rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit và tiến trình gia nhập khối của các nước Tây Balkan.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Zagreb sau khi nhận tin chiến thắng, ông Milannovic đã kêu gọi người dân Croatia đoàn kết bất chấp sự khác biệt về quan điểm.

Trong khi đó, bà Grabar-Kitarovic đã thừa nhận thất bại, cam kết một "cuộc chuyển giao văn minh" quyền lực với ông Milanovic. Bà cũng nhấn mạnh Croatia cần sự ổn định và đoàn kết.

Đối mặt nhiều thách thức

Bắt đầu nhậm chức từ tháng 2.2020, Tổng thống mới của Croatia Zoran Milanovic chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề di cư, tham nhũng và có những giải pháp cho sự trì trệ của nền kinh tế.

Về vấn đề di cư, tuy cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu đã tạm thời lắng dịu trong năm 2018 và 2019, ít nhất về mặt số lượng, khi các giải pháp toàn diện được thúc đẩy. Dòng người di cư được ngăn chặn từ xa và được kiểm soát tốt hơn ở biên giới bên ngoài châu Âu. Nhưng hệ quả của cuộc khủng hoảng này thì vẫn tiếp tục tác động đến xã hội.

Trên thực tế, chủ đề người di cư vẫn là điều gây chia rẽ nhất trong xã hội châu Âu, giữa các nước EU nói chung và trong từng nước thành viên nói riêng. Những bất đồng về chính sách người di cư vẫn tiếp tục sâu sắc trên bình diện toàn khối và trong từng nước.

Trong vấn đề nhập cư, lập trường của Chính phủ Croatia là EU cần áp dụng một cách có hiệu quả nguyên tắc phối hợp trong quan hệ giữa EU với các nước thành viên. Chính phủ Croatia muốn thúc đẩy vấn đề an ninh và chính sách nhập cư là những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới.

Thực tế cho thấy Croatia luôn đối mặt với tình trạng một bộ phận người dân di cư sang các nước giàu có để mưu sinh. Do vậy, vấn đề người di cư sẽ là thách thức với Tổng mới của Croatia.

Vấn đề gia nhập khu vực tự do đi lại giữa các nước EU-Schengen, hơn 4 năm sau khi quốc gia Balkan này nộp đơn xin làm thành viên cũng là một nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực của Tổng thống đắc cử Milanovic.

Croatia đã trở thành thành viên EU năm 2013, nhưng để gia nhập khu vực Schengen, nước này phải thuyết phục Brussels rằng có thể kiểm soát một cách hiệu quả đường biên giới phía ngoài EU, một vấn đề nhạy cảm đặc biệt kể từ khi "lục địa già" đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015.

Dự báo khi trở thành thành viên khu vực Schengen, kinh tế Croatia và đặc biệt là lĩnh vực du lịch vốn chiếm gần 1/5 GDP nước này sẽ được hưởng lợi không nhỏ.

Trong khi đó, việc giải quyết tận gốc rễ vấn nạn tham nhũng, một vấn đề đặc biệt nguy hiểm với lợi ích kinh tế của Croatia, cũng là một trong những điều kiện quan trọng của Croatia.

Cuối tháng 12.2019, một tòa án Croatia đã kết án cựu Thủ tướng Ivo Sanader trong giai đoạn 2003-2009 6 năm tù giam và ông Zsolt Hernadi - lãnh đạo tập đoàn năng lượng Hungary MOL - 2 năm tù giam với các tội danh hối lộ.

Hai ông Sanader và Hernadi bị kết án với các tội danh nhận và đưa hối lộ với số tiền tổng cộng lên tới hàng triệu euro, liên quan tới một thỏa thuận năm 2009, trong đó cho phép MOL mua cổ phần của Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Croatia INA.

Trong phán quyết đưa ra, thẩm phán Maja Stampar Stipic nêu rõ cựu Thủ tướng Sanader đã nhận khoản tiền 10 triệu euro (11 triệu USD) để cho phép MOL mua cổ phần, qua đó kiểm soát INA. Sau khi đạt được thỏa thuận kể trên, tập đoàn thuộc kiểm soát của Chính phủ Hungary đã nắm giữ 49% cổ phiếu của INA.

Về kinh tế, tuyên bố độc lập sau sự đổ vỡ của Liên bang Nam Tư cũ đầu những năm 1990, Croatia đã gia nhập Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy vậy, Croatia vẫn là một trong những nền kinh tế nghèo nhất trong EU.

Thực tế cho thấy, năm 2016, Croatia bắt đầu điều chỉnh luật thuế để kích thích tăng trưởng dựa trên tiêu dùng trong nước và đầu tư nước ngoài.

Năm 2018, chính phủ nước này cũng công bố kế hoạch cải tổ kinh tế, bắt đầu thực hiện từ năm 2019. Trong khi đó, lợi ích từ việc tiếp cận thị trường chung châu Âu đã giúp Croatia đáng kể trong quá trình thoát khỏi tình trạng suy thoái đồng thời cũng giúp nước này hòa nhập với kinh tế toàn cầu và đẩy tăng trưởng du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn lên mức kỷ lục.

Dù vậy, những yếu tố này vẫn chưa đủ giúp Croatia quay về thời điểm trước năm 2009. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Croatia vẫn thấp hơn 1% so với thời kỳ tiền khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ vẫn ở mức cao 33%. Croatia còn phải đối mặt với tình trạng phát triển không đồng đều và chảy máu chất xám khi lạo động trẻ tìm đến các nước khác trong EU có thu nhập cao hơn. Chính vì vậy, việc thúc đẩy nền kinh tế vốn bị bỏ lại sau các nước láng giềng Đông Âu khác sau nhiều năm trì trệ sẽ là một nhiệm vụ không đơn giản.

Cùng với đó, nỗ lực đẩy nhanh tiến trình gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng là một thách thức không nhỏ với tổng thống mới của Croatia. Dù các nước châu Âu chấp nhận thư đề nghị gia nhập Eurozone của quốc gia Balkan này khi nhận thấy phương hướng cải cách đúng đắn của Croatia sau khi nước này thoát khỏi tình trạng mất cân bằng quá mức về kinh tế vĩ mô, đưa hệ số tín nhiệm trở về mức đầu tư và GDP tăng 3,9% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4.2019.

Song Croatia sẽ phải thực thi cải cách trong 6 lĩnh vực, trong đó có việc thiết lập cơ chế hợp tác giữa Ngân hàng Quốc gia Croatia với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), điều chỉnh các nguyên tắc chống rửa tiền, thúc đẩy các cơ quan công quyền hoạt động hiệu quả và ít tốn kém hơn.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/nhung-thach-thuc-voi-tong-thong-dac-cu-croatia-zmilanovic-125177