Những tháng năm trọn vẹn nghĩa tình
Nhiều người hỏi tôi, đâu là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời bạn, không cần đắn đo suy nghĩ tôi trả lời ngay: Đó là một thời tuổi trẻ, những tháng ngày được làm việc và gắn bó trong ngôi nhà chung nghĩa tình Báo Lâm Đồng. Với tôi, đó không chỉ là một chỗ lập nghiệp, một nơi làm nghề, mà chính là tổ ấm thực sự, là không gian trải nghiệm cuộc sống của chính mình suốt một thời hoa niên...
Đến bây giờ, thế hệ trước tôi và cùng thời với tôi, nhiều người đã đi xa Đà Lạt và Báo Lâm Đồng, có người đã trở về với lòng đất thẳm sâu. Nhiều vị lãnh đạo và anh chị đồng nghiệp giờ đã nghỉ hưu. Bạn bè tóc xanh một thuở, nay không ít mái đầu hoa râm như nắng. Những người đã mất không thể quay về; chuyện xưa, ngày cũ cũng qua đi như từng số báo mỗi ngày không bao giờ trở lại; nhưng nỗi nhớ thì mãi vẹn nguyên, những giá trị đã từng xây đắp không bao giờ thay đổi. Tôi luôn khắc ghi trong sâu thẳm lòng mình, nhờ ngôi nhà ấm áp Báo Lâm Đồng, tôi và bạn bè thân thương của mình đã được sống trọn vẹn một thời trai trẻ; cái thời không ít nông nổi mà thật trong lành, phóng khoáng, hồn nhiên. Cái thời đã đến, đã qua, chỉ một lần rồi dừng lại và mãi mãi lưu dấu trong tâm hồn mình.
Thời gian như bóng câu, miên man trôi như nước chảy qua cầu. Đọng lại trong tôi, trong lòng mọi người là những ký ức thẳm sâu về những tháng ngày dù buồn, dù vui đều mang lại thật nhiều ý nghĩa. Bài học làm nghề và bài học làm người trong những năm tháng ấy vẫn luôn tươi mới, mãi đồng hành trong suy nghĩ, ứng xử, lời nói và cách tác nghiệp của chính mình cho đến hôm nay. Nỗi nhớ của tôi với tờ báo “của mình” chính là những câu chuyện cụ thể, những con người cụ thể. Là thế hệ đi sau, tôi không được làm việc dưới quyền những nhà báo, lãnh đạo lớp trước như Phạm Thuần, Hồ Phú Diên, Văn Thảo Nguyên, Trần Mạnh Cừ, Trần Hữu Lục, Vũ Thuộc, Nguyễn Mậu Siệc... nhưng luôn được nghe những câu chuyện tiếp nối nhau về họ và luôn nhận được sự động viên, sẻ chia của các bậc lão thành mà tôi kính trọng. May mắn, những ngày non nớt trong nghề, trong đời đã được ngôi nhà chung Báo Lâm Đồng phủ lên bờ vai những tình cảm ấm áp. Có thể nào quên những người chú, người anh, người chị như Phạm Vĩnh, Lương Văn Sinh, Hà Tuyết Mai, Hà Linh Chi, Thanh Đạm, Bích Hiền, Huyền Quyên, Phan Đăng Sơn, Võ Tá Bá, Việt Hưng, Xuân Đức, Đinh Thị Nga, Trương Long, Trần Thị Hòa, Trần Thị Thu, Hoàng Kiến Giang, Hoàng Hận, Hồ Toàn, Khắc Dũng...; rồi những người bạn cùng thời: Văn Việt, Kim Anh, Văn Phong, Duy Doanh, Minh Đạo, Viết Trọng, Hoàng Tiến Dũng, Trần Đức Tài, Minh Tự, Đình Đối, Hàng Tình...
Còn nhiều người nữa mà trang báo hạn hẹp tôi không thể kể tên, nhưng những kỷ niệm đẹp và sự hàm ơn từ họ, hãy cho tâm hồn tôi được ghi nhớ. Tôi luôn dặn lòng rằng, hành trang nghĩa tình là tài sản quý giá nhất trong một đời người còn những “ái, ố, hỉ, nộ” phù du thì không đáng để tâm vì cuộc đời hữu hạn và cần phải suy nghĩ và theo đuổi những điều tốt đẹp. Tôi cũng nhận thức rằng, làm nghề rất khó, nhưng làm người càng khó khăn hơn. Ngôi nhà chung Báo Lâm Đồng là nơi đầu tiên cho tôi những bài hành nhân đáng ghi nhớ ấy.
* * *
Tôi cũng luôn nghĩ rằng, trong dòng chảy xuyên suốt 45 năm của tờ báo mà tôi luôn trân trọng, tự hào gọi là “báo mình”, các thế hệ đồng nghiệp dù nay ở đâu và đang làm gì vẫn có mặt bên nhau, chia sẻ, truyền cảm hứng cho nhau và cùng nối mạch truyền thống của một hành trình không ngưng nghỉ. Lịch sử của một tờ báo là những số báo liên tục kế nhau theo ngày tháng mà trên những con chữ, khuôn hình luôn gắn với những tên tuổi, những con người cụ thể. Ở điểm mốc 45 năm, lại thêm một lần xin được lật lại những trang báo cũ và bùi ngùi hồi tưởng những gương mặt thân quen và cả những người thân thương đã khuất. Những người từng chia sẻ mọi buồn vui, chia sẻ nguồn cảm hứng cùng tôi. Ký ức là một phần của tuổi trẻ, của cuộc đời tôi.
Đến hôm nay, khi mở trang Báo Lâm Đồng mỗi ngày, trong tôi vẫn tràn đầy cảm xúc như một thời đã từng sống và làm việc trong không gian ấm áp của ngôi nhà chung ấy.
Khi lật giở trang báo mỗi ngày qua, tôi luôn được tiếp nhận những điều mới mẻ và có cả những kỷ niệm, những cảm xúc từ xưa cũ hiện về. Trên những dòng chữ và khuôn hình ngày mới, tôi như được gặp lại hình bóng các thế hệ đi trước, hình bóng bạn bè và của chính mình ở một thời chưa xa.
45 năm đi qua, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên Báo Lâm Đồng vẫn tiếp tục phát huy những truyền thống gần nửa thế kỷ dày công vun đắp. Từ điểm mốc này, chúng ta tự hào chứng kiến sự trưởng thành của thế hệ hôm nay, một đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên được đào tạo bài bản về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và lý luận chính trị. Chúng ta cũng chia sẻ với nhau rằng, trong giai đoạn hiện nay, điều kiện làm việc, các thiết bị kỹ thuật của cơ quan và mỗi cá nhân được trang bị đầy đủ, hiện đại hơn nhiều nhưng mỗi tờ báo, mỗi người làm báo lại phải đối mặt với những thách thức mới. Thời đại của chúng ta đang được chứng kiến sự bùng nổ các kênh thông tin, sự thống lĩnh ngày càng tăng của các nền tảng mạng xã hội. Những nhu cầu tất yếu của công chúng cũng sẽ là những đòi hỏi sự thay đổi phương thức hành nghề của chúng ta. Đó vừa là cơ hội để chúng ta gặt hái những thành công mới nhưng đồng thời là phép đo của sự tiếp cận tư duy làm báo hiện đại, của sự nghiệp đổi mới của mỗi tờ báo. Người làm báo không thể ngồi im và chờ đợi với cách làm cũ kỹ khi mà thế giới với muôn vàn sắc thái đang chuyển động từng giờ.
Là một đồng nghiệp, cũng là một người từng công tác chung ở một tòa soạn, mỗi ngày dõi theo bước chân của các đồng nghiệp Báo Lâm Đồng hôm nay, tôi nghĩ về họ với lòng tự hào và lạc quan trong niềm tin về tinh thần dấn thân vì bạn đọc của những người làm nghề mà tôi quý trọng. Họ đã và đang tiếp nối hành trình “thương hiệu” Báo Lâm Đồng bằng sắc thái mới, trong điều kiện mới. Họ sống và làm việc với bầu nhiệt huyết cùng phong cách tác nghiệp hiện đại và năng động và vẫn trân trọng lưu giữ vẹn nguyên mạch nguồn, nhân lên những giá trị tốt đẹp mà lớp cha anh đi trước từng vượt mọi gian nan vun bồi, xây đắp...