Những thành công của lục quân 'xứ sở vạn đảo' trong tiến trình hiện đại hóa
Là quốc gia nằm trên quần đảo lớn nhất thế giới, lực lượng lục quân Indonesia (TNI-AD) có nhiệm vụ quan trọng, đó là bảo vệ một vùng lãnh thổ rộng, bị chia cắt bởi biển và thường xuyên chịu thiên tai. Dân số đông, đa dạng về tôn giáo, dân tộc cũng khiến trọng trách bảo đảm an ninh quốc phòng của lục quân xứ sở vạn đảo thêm khó khăn.
Đến nay, hàng loạt các chính sách hiện đại hóa quân đội đang giúp TNI-AD trở thành một lực lượng quy mô lớn, hiện đại, thực hiện tốt nhiệm vụ giữ ổn định an ninh trong nước.
Thử thách nặng nề
Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên khoáng sản, đất đai màu mỡ, Indonesia lại thường xuyên phải hứng chịu bão nhiệt đới và lũ lụt. Nghiêm trọng hơn, vị trí nằm ngay trên “vành đai lửa Thái Bình Dương” khiến Indonesia phải đối mặt với các thảm họa núi lửa phun trào, động đất và sóng thần nghiêm trọng.
Xứng với cái tên “xứ sở vạn đảo”, Indonesia có tới hơn 18.000 hòn đảo lớn nhỏ. Đây tuy là “thành lũy” tự nhiên ngăn chặn ngoại xâm, nhưng cũng đồng nghĩa với việc TNI-AD phải trải rộng trên hơn 1.900.000 ki-lô-mét vuông diện tích đất liền. Indonesia có các đảo rất lớn như Java, Sulawesi. Trên các đảo Borneo và New Guinea, Indonesia có hàng trăm ki-lô-mét biên giới trên bộ với các nước Malasia, Đông Timor và Papua New Guinea.
Với điều kiện tự nhiên như vậy, TNI-AD phải phản ứng nhanh để kịp thời để ứng phó tại mọi vùng bị thiên tai. Ngoài ra, đặc thù vô cùng đa dạng về tôn giáo, sắc tộc cũng gây ra nhiều mối đe dọa về an ninh.
Hướng tới lục quân cơ động, hiện đại
Jakarta đang tích cực hiện đại hóa lục quân với trọng tâm hướng đến sự cơ động. Không chỉ giúp tăng tốc độ phản ứng trước các mối đe dọa về an ninh, một lục quân cơ động sẽ phối hợp hiệu quả hơn với các binh chủng khác, điều đặc biệt quan trọng ở địa bàn quần đảo.
Để đáp ứng nhu cầu mới, TNI-AD chú trọng đến khả năng cơ giới hóa. Trong giai đoạn từ 2014-2017, lực lượng này tiếp nhận 155 xe bọc thép M113 và 50 xe chiến đấu bộ binh “Marder” trong kho dự trữ của quân đội Bỉ và Đức. Đây là sự bổ sung đáng kể vào danh sách các xe bọc thép trong biên chế lục quân Indonesia, có nguồn gốc từ nhiều quốc gia như Liên Xô (trước kia), Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Năng lực vận tải đường không cũng được TNI-AD quan tâm. Lực lượng này sở hữu nhiều trực thăng có nguồn gốc từ Nga, Mỹ lẫn châu Âu. Hợp đồng đáng chú ý nhất của không quân lục quân Indonesia thời gian gần đây là vào tháng 8-2013, mua 8 trực thăng tấn công AH-64 “Apache” của Mỹ, trị giá 500 triệu USD.
Về lực lượng tăng-thiết giáp, vào cuối năm 2011, Jakarta quyết định mua một số lượng lớn xe tăng Leopard 2 từ Hà Lan. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, quốc hội Hà Lan đã phản đối hợp đồng trên, khiến Jakarta chuyển hướng sang Đức. Trong giai đoạn từ năm 2014-2017, lục quân Indonesia tiếp nhận 103 xe tăng Leopard 2 từ kho dự trữ của quân đội Đức. Các xe tăng này được phía Đức nâng cấp để phù hợp hơn với khí hậu nhiệt đới của Indonesia. Đây là các xe tăng nặng nhất và có hỏa lực mạnh nhất trong biên chế TNI-AD, bố trí trên các đảo lớn của Indonesia.
Kế hoạch “dài hơi” về công nghiệp quốc phòng
Tuy không được chú trọng hiện đại hóa như hải quân và không quân, trang bị lục quân Indonesia được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tự chủ của Jakarta. Thậm chí, nước đi giảm phụ thuộc vào nhập khẩu được chính phủ Indonesia quy định trong Luật quốc phòng, ban hành năm 2012.
Lý do của hướng đi này nằm ở chỗ, việc sản xuất trang thiết bị quân sự cho lục quân không yêu cầu nền tảng công nghệ, cơ sở hạ tầng cao như trang bị cho không quân hay hải quân, do đó dễ dàng triển khai và bắt kịp các nước trong khu vực. Đồng thời, về an ninh, các mối đe dọa thường trực đối với Indonesia chủ yếu xảy ra ở trên đất liền, như khủng bố hoặc thiên tai.
Bắt đầu từ năm 2014, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã nhấn mạnh quyết tâm theo đuổi chiến lược tự chủ về quốc phòng, thể hiện rõ nhất ở yêu cầu rằng các hợp đồng mua sắm vũ khí của Indonesia sẽ phải bao gồm điều kiện đối tác chuyển giao công nghệ.
Hơn 10 năm trở lại đây, tập đoàn công nghiệp quốc phòng PT Pindad thuộc nhà nước Indonesia đã thực hiện nhiều dự án cải tiến trang bị của lục quân mà nước này mua từ thế kỷ trước. Nổi bật trong số đó, PT Pindad đã nâng cấp 120 xe tăng hạng nhẹ AMX-13 do Pháp sản xuất, “xương sống” của lực lượng xe tăng Indonesia từ những năm 1960. Mặc dù không có nhiều thông tin về những thay đổi, một số báo cáo cho biết các xe tăng mang pháo chính cỡ nòng 105mm thay vì 75mm như nguyên bản. Cải tiến này giúp các xe tăng AMX-13 tuy đã cũ nhưng vẫn có thể tiếp tục phục vụ thêm một thời gian nữa.
Trong tương lai, TNI-AD sẽ thay thế các xe tăng AMX-13 trên bằng mẫu xe tăng hạng trung “Harimau”. Là kết quả của hợp tác quốc phòng Indonesia-Thổ Nhĩ Kỳ, Xe tăng “Harimau” được thiết kế theo yêu cầu của TNI-AD, được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến, pháo chính cỡ nòng 105mm, nạp đạn tự động do hãng Cockerill (Bỉ) sản xuất.
Tập đoàn PT Pindad đã có thể tự chủ phần lớn quy trình sản xuất nhiều loại xe thiết giáp bánh hơi. Các xe thiết giáp này có cấu tạo đơn giản, dễ sản xuất và phù hợp với yêu cầu cấp thiết của lục quân về một phương tiện thích hợp cho hoạt động tuần tra biên giới, các cuộc xung đột cường độ thấp ở địa phương.
Năm 2009, TNI-AD đưa vào trang bị xe thiết giáp 6 bánh “Anoa” do PT Pindad sản xuất. Ngoài động cơ và bộ truyền động nhập khẩu, toàn bộ xe được chế tạo trong nước. Xe thiết giáp “Anoa” là một thành công của PT Pindad, với hàng trăm xe đã được bàn giao cho TNI-AD và lực lượng gìn giữ hòa bình Indonesia tại Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, PT Pindad còn tự sản xuất nhiều loại xe thiết giáp hạng nhẹ 4 bánh khác, trang bị cho các đơn vị đặc biệt.
Cuối năm 2018, PT Pindad tuyên bố đang hợp tác với tập đoàn Czechoslovak Group (Cộng hòa Séc), để thiết lập dây chuyền sản xuất xe thiết giáp 8 bánh “Pandur”. Xe thiết giáp mới này chở tới 12 binh sĩ, có thể lội nước, được trang bị pháo tự động cỡ nòng 30mm. Phiên bản xe hỗ trợ hỏa lực mang pháo 105mm tương đương xe tăng hạng trung. Dự kiến, PT Pindad sẽ sản xuất 250 xe thiết giáp “Pandur”.
Việc tăng tỉ lệ nội địa hóa phi đội trực thăng của lục quân Indonesia cũng được tích cực tiến hành. Công ty Hàng không Indonesia (PT Dirgantara) hiện đang lắp ráp hai mẫu trực thăng dân dụng là Bell 412 và MBB Bo 105, lần lượt do Canada và Đức cấp giấy phép. Các trực thăng này có thể được hoán cải thành trực thăng vũ trang hạng nhẹ sau khi lắp thêm súng máy và ống phóng rocket do Indonesia sản xuất trong nước.
Năm 2017, TNI-AD đặt mua 12 trực thăng hạng nhẹ AS550 “Fennec” từ hãng Airbus. Đồng thời, PT Dirgantara đã được Airbus cấp phép lắp ráp loại trực thăng này. Đây là một tiến bộ lớn của ngành hàng không Indonesia, không chỉ giúp tăng cường năng lực tác chiến của lục quân, mà còn tạo điều kiện cho hợp tác về công nghiệp quốc phòng với các nước Thái Lan, Malaysia, vốn cũng có trực thăng AS550 trong biên chế.
Quan trọng không kém, hầu hết vũ khí bộ binh trong trang bị lục quân Indonesia đều do PT Pindad tự sản xuất, dựa theo thiết kế riêng hoặc chuyển giao công nghệ từ các nước như Bỉ, Singapore… Nhiều nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã bày tỏ quan tâm và đặt mua vũ khí bộ binh đến từ Indonesia.
Mới đây, bộ Quốc phòng Indonesia đã công bố kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng giai đoạn 2020-2024. Kế hoạch này trùng khớp với giai đoạn ba của chiến lược hiện đại hóa lực lượng vũ trang Indonesia, được xúc tiến từ năm 2008. Theo đó, Jakarta sẽ vẫn chú trọng tiến trình nội địa hóa vũ khí, trang bị. Nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang Indonesia nói chung và lục quân nói riêng hiện đang đạt được nhiều thành công và có tốc độ “thay máu” nhanh hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
ĐĂNG SƠN (tổng hợp)