Những thanh niên nghị lực
Phạm Ngọc Thái Sơn, sinh viên K22 Trường Đại học Hồng Đức là sinh viên duy nhất của trường trong năm học vừa qua đạt giải thưởng KOVA hạng mục nghị lực. KOVA là một trong rất nhiều phần học bổng mà Sơn đã đạt được trong gần 4 năm học.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông và đông con ở xã Trường Giang (Nông Cống), nhiều năm qua gia đình 10 thành viên của Sơn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, bố mẹ tuổi đã cao, 2 anh trai mắc bệnh hiểm nghèo, vì vậy gia đình Sơn vẫn luôn trong diện hộ nghèo hoặc cận nghèo.
Khó khăn khiến các anh chị đều sớm gác bỏ việc học, đi làm kiếm sống và đỡ đần cho bố mẹ. Nhưng đam mê con chữ, khát khao thay đổi cuộc sống đã chiến thắng tất cả, Sơn không chỉ tốt nghiệp THPT mà còn trở thành sinh viên khoa chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức.
Nhận tin đỗ đại học là ngày vui nhất trong đời học sinh của Sơn nhưng bố mẹ thêm phần lo nghĩ. Biết được điều đó, Sơn kiếm việc làm thêm từ sớm, ban đầu là nhân viên bưng bê, sau đó làm gia sư. Tháng nhận lương đầu tiên từ công việc bán thời gian, Sơn đã mang tiền về cho mẹ. “Đó là 100 nghìn ngày công bưng bê. Tôi đã rất vui vì mình không phải là gánh nặng mà còn có thể làm ra tiền phụ giúp gia đình”. Vừa tự trang trải sinh hoạt phí, vừa có thể gửi tiền về gia đình và vẫn luôn là một sinh viên xuất sắc, phương pháp của Sơn là: “Suốt 4 năm học đại học mục tiêu thường xuyên và lâu dài của em chính là chinh phục được những suất học bổng”. Bí quyết “săn” học bổng của Sơn là: “bên cạnh việc nỗ lực học tập để đạt thành tích cao, thì cần tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện cũng như nghiên cứu khoa học. Bởi đây đều là những ưu tiên khi xét chọn sinh viên nhận học bổng. Đặc biệt là, các bạn sinh viên nên tham khảo trước yêu cầu của các học bổng và chuẩn bị cũng như phấn đấu để đạt được những yêu cầu đó. Đến lúc nộp hồ sơ xét chọn thì bạn đã có một hồ sơ đẹp được chuẩn bị từ trước”.
“Săn” học bổng cũng là cách mà cô sinh viên Lê Yến Vy thực hiện ngay khi trở thành sinh viên Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, tất cả sinh hoạt phí của 3 người dựa cả vào đôi vai gầy của mẹ. Khi còn là học sinh Vy thường xuyên nhận được các suất học bổng vượt khó từ các nhà hảo tâm, học bổng từ gia đình Giáo sư Lê Viết Ly…
Với tinh thần tự lập, ngay khi bước chân vào cổng trường đã tự tìm cho mình nhiều công việc khác như bưng bê, phát tờ rơi, bán quần áo, gia sư… Đến nay, điểm tích lũy của Vy đạt 3,6/4, thuộc sinh viên xuất sắc và 6 kỳ học đều nhận được học bổng của trường.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Vy cho biết: “Hoàn cảnh gia đình đã khiến em kiên cường hơn trước những khó khăn của cuộc sống. Với em hay mỗi bạn sinh viên, điều quan trọng nhất là đặt ra những mục tiêu cụ thể để phấn đấu và bản thân phải nỗ lực, kiên trì để thực hiện được mục tiêu đó. Với tất cả các môn học em đều học ngay từ những ngày đầu mới làm quen thay vì chờ đến thi mới ôn tập. Việc học ở thư viện cũng rất quan trọng bởi những dữ liệu, bài giảng được nhà trường lưu trữ, tích hợp và kết nối trên không gian mạng”.
Mục tiêu trong năm học cuối của Vy là ra trường với tấm bằng giỏi, trở thành một giáo viên giỏi về chuyên môn và “truyền lửa”, thắp sáng lên ước mơ và hy vọng cho các em học sinh nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giống như các thầy, cô giáo mà Vy đã và đang theo học.
Ngoài học tập, cả Sơn và Vy đều là những sinh viên nhiệt tình với công tác đoàn, hội của lớp, của trường. Thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, mang sức trẻ đến giúp đỡ bà con ở những vùng đất xa xôi còn nhiều khó khăn, để tự rèn luyện các kỹ năng sống cũng là để trưởng thành hơn.
Bên cạnh Sơn, Vy còn rất nhiều những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Bằng nghị lực bản thân, ý chí của tuổi trẻ, họ đã và đang nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, khẳng định bản thân và tỏa sáng theo một cách riêng.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/nhung-thanh-nien-nghi-luc/26114.htm