Những thành phố nào có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm trước năm 2030?
Nhiều thành phố ven biển trên khắp thế giới, có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm sớm hơn dự báo trước đây. Nguyên nhân là biến đổi khí hậu khiến băng ở hai cực tan với tốc độ báo động.
Với mực nước biển đang dâng cao ở mức đáng báo động trên toàn thế giới thì một số đô thị lớn trong danh sách dưới đây sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong một vài năm tới.
Trong báo cáo mới nhất, tổ chức Climate Central (Mỹ) lập ra bản đồ những nơi trên thế giới có thể bị nước biển nhấn chìm trước năm 2030 dựa trên dữ liệu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc.
Có 6 thành phố nằm trong diện nguy cơ lớn gồm:
1. Amsterdam (Hà Lan)
Thành phố nổi tiếng ở châu Âu với cuộc sống về đêm cũng đang bị đe dọa do mực nước biển ngày một dâng cao. Phần lớn diện tích của Hà Lan nằm dưới mực nước biển. Gần một thế kỷ qua, Amsterdam được duy trì chủ yếu nhờ hệ thống đập ngăn lũ của thành phố. Những trận lũ lớn trong lịch sử đã giết chết hàng chục nghìn người, đồng thời đánh chìm nhiều nhà cửa, ôtô cũng như các công trình kiến trúc khác. Amsterdam được dự đoán sẽ chạm ngưỡng ngang với mực nước biển trong chưa đầy 10 năm tới. Do đó, hệ thống đê, đập, rào chắn, cống của đất nước này phải được theo dõi chặt chẽ và nâng cấp trong tương lai.
2. New Orleans (Mỹ)
Biến đổi khí hậu không phân biệt quốc gia giàu hay nghèo, điểm khác biệt chỉ là nơi nào chuẩn bị tốt hơn. Thành phố New Orleans nổi tiếng có hệ thống đê bảo vệ trước lũ lụt, nhưng trong 10 năm tới nếu không làm gì hơn vẫn sẽ bị chìm.
3. Venice (Italy)
Mỗi năm, Venice thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt và triều cường. Năm 2019, 90% thành phố Venice bị ngập lụt và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn do xói mòn bờ biển. Hàng rào ngăn lũ đã được thiết kế từ năm 1980 và tiến hành xây dựng từ 2003 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ngoài ra để ứng phó với tình trạng báo động này, chính phủ đã cấm các tàu du lịch lớn đi qua Venice. Tuy nhiên, trong tương lai, với tác động của biến đổi khí hậu khiến mực nước biển ngày càng dâng cao, hiện tượng sụt lún và triều cường thường xuyên hơn hoàn toàn có thể xảy ra với thành phố này.
4. Kolkata (Ấn Độ)
Nơi đây được biết đến với lễ hội thường niên Durga Puja, mang lại cho người dân địa phương nơi đây và khách du lịch trải nghiệm độc đáo. Tuy nhiên, những người dân nghèo ở Kolkata đối mặt với các thảm họa thiên nhiên nơi đây. Phần lớn thành phố Kolkata - có thể chìm trước năm 2030 do lũ lụt ập đến và đe dọa đến đời sống người dân Kolkata. Chính phủ nước này hiện đối mặt với áp lực giám sát và đưa ra các phương án thích hợp để ngăn chặn biến đổi khí hậu và xoay chuyển tình thế.
6. Bangkok (Thái Lan)
Bangkok hiện chỉ ở độ cao 1,5m so với mực nước biển. Với kết cấu là đất sét đặc, mềm cũng như phải hứng chịu nhiều hậu quả của ngập lụt, thủ đô Thái Lan có thể bị nhấn chìm. Một số báo cáo cho rằng năm 2030, hầu hết khu vực ven biển Tha Kham, Samut Prakan và sân bay quốc tế Suvarnabhumi có thể ngập trong biển nước. Lượng mưa lớn liên tục, mực nước dâng cao và việc khai thác nước ngầm trong nhiều năm cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hội đồng Cải cách Quốc gia Thái Lan (The Thai Reform Council) báo cáo rằng thủ đô nước này đang ở trong tình trạng đáng báo động trong 15 năm tới.