Những thành phố nhỏ nổi tiếng nhờ lý do lạ đời

Một số thành phố ở Mỹ được nhiều người biết đến nhờ những sản phẩm lạ: cuộn dây to đùng, hay mê lộ hình quả dứa…

Scottboro (bang Alabama): Thủ phủ thế giới về hành lý thất lạc

Nếu một công ty hàng không không tìm ra chủ nhân của một hành lý bị bỏ quên, công ty sẽ gửi món hàng lạc ấy đến Trung tâm hành lý không người nhận ở Đông Bắc bang Alabama. Tại đây, vali và vật dụng bên trong sẽ được bán theo kiểu hú họa cho người nào trả giá cao hơn cả, người mua có thể xem các đồ chứa bên trong.

Trong số các món hàng đáng chú ý có một chiếc nhẫn nạm một viên kim cương 5,8 carat và các cổ vật Ai Cập.

San Luis Obispo (bang California): Tường dính kẹo bong bóng

Bubblegum Alley hẳn là nơi nhiều nguy cơ cho sức khỏe công cộng trong số những địa điểm dành cho nghệ thuật đường phố. Dù vậy, du khách thích dạo chơi trên con đường nhỏ thuộc loại độc nhất này để ngắm tranh tường được thực hiện bằng kẹo bóng đã nhai (dài 21m, cao 5m).

Ashburn (bang Georgia): Tượng lạc lớn nhất thế giới

Lạc là lương thực được sản xuất dồi dào ở Georgia đến độ Asburn được xem là thủ phủ của lạc trên thế giới. Một tượng đài lạc được dựng nên ở Asburn và được chính thức thừa nhận là biểu tượng của bang vào năm 1998. Bạn cũng có thể tham quan Bảo tàng quốc gia lạc ở Tiffon, nằm không xa tượng đài trên.

Alexandria (bang Indiana): Banh sơn lớn nhất thế giới

Một dự án nghệ thuật lạ lùng được tiến hành ở thành phố Alexandria, khởi sự từ một trái banh bóng chày được phủ một lớp sơn. Tiếp đó, người này người kia tô thêm lớp mới. Thời gian qua, trái banh biến thành một quả cầu khổng lồ gồm hơn 24.000 lớp sơn. Mỗi khách tham quan được quyền tô thêm một lớp…

Cawker City (bang Kansas): Cuộn dây lớn nhất thế giới nhờ bàn tay cộng đồng

Ở Cawker City, Frank Stoeber đã tạo ra một cuộn dây khổng lồ đường kính 3,4m, với chiều dài dây 490.000m vào lúc ông qua đời năm 1974. Chính quyền thành phố cho xây một nhà vòm giữa vườn để trưng bày cuộn dây này và dây vẫn được nối dài. Đến năm 2006, quả cầu dây nặng 8.111kg, chu vi 12m, dài 2.377km. Đến tháng 8.2014, quả cầu dây có chu vi 12,62m, đường kính 2,46m, cao 3,30m và tiếp tục phồng to. Cư dân rất tự hào về cuộn dây kỷ lục này.

Darwin (bang Minnesota): Cuộn dây lớn nhất do một người thực hiện

Francis A. Johnson bắt đầu cuộn dây từ tháng 3.1950, thời gian làm việc mỗi ngày là 4 giờ, trong suốt 29 năm. Đến nay cuộn dây có đường kính 3,7m, trọng lượng 7.900kg, được bảo vệ trong một nhà mát giữa vườn rào kín, đối diện công viên của thành phố. Thành phố tổ chức lễ mừng “Ngày dây” vào thứ bảy tuần thứ hai tháng 8 mỗi năm. Cuộn dây này được ghi nhận là cuộn dây lớn nhất thế giới trong sách Guinness các kỷ lục từ năm 1979 đến 1984. Nó được nhắc đến trong một bài hát của ca sĩ “Weird Al” Yankovic.

Williamstown (bang Kentucky): Thuyền Nóe

Ken Ham, một doanh nhân ở Kentucky, đã đặt làm một con thuyền theo kiểu thuyền Nóe, to như thật (dài gấp rưỡi một sân bóng đá, với 7 tầng) mở cửa cho công chúng tham quan vào tháng 7.2016. Khoảng 30 tượng loài vật hiện diện trong con thuyền gỗ này. Một thuyền – bảo tàng với chủ đề tín ngưỡng, chứ không phải một công viên giải trí.

Bangor (bang Maine): Ngôi nhà của Stephen King

Bang Maine có 2 sản phẩm chủ lực: tôm hùm và sách của Stephen King. Nhà văn này là bậc thầy về truyện kinh dị, và để minh họa cho tính cách này, nhà của ông cũng gây cảm giác rờn rợn. Nhà văn mua nhà cổ, diện tích 460m2, vào thập niên 1980 và cho sửa chữa lại.

Cổng vào bằng sắn rèn, sơn đen, trang trí hình rồng, dơi và nhện. Kiểu trang trí ma quái này thu hút một lượng khách đông đảo trước cửa nhà ông.

Kenwood (bang Louisiana): Triển lãm về Britney Spears

Khi còn nhỏ, “công chúa nhạc pop” Britney Spears sống ở Kenwood. Thành phố quê hương của nữ ca sĩ rất tự hào về cô khi nữ ca sĩ đạt danh vọng và giàu có, đến độ một cuộc triển lãm về Britney Spears được tổ chức tại viện bảo tàng Kenwood rất rầm rộ. Wahiawa (bang Hawaii): mê lộ vĩ đại hình quả dứa

Bạn có biết Hawaii sản xuất gần phân nửa số lượng dứa trên thế giới? Để vinh danh sản phẩm nổi tiếng này, công ty đa quốc gia Dole thiết lập một mê lộ lớn nhất thế giới dạng quả dứa trong đồn điền của công ty ở Oahu.

Homosassa (bang Florida): Đảo khỉ

Trong thập niên 1960, khỉ nhện và khỉ sóc được đưa đến Homosassa trong khuôn khổ nghiên cứu một vaccin phòng bệnh sốt bại liệt. Bọn khỉ giở trò quấy phá cư dân đến mức không chịu nổi, thế là khỉ được đưa ra một hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi. Từ lúc ấy, Monkey Island trở thành điểm tham quan nổi tiếng.

Alma (bang Arkansas): Thủ phủ rau bina

Trong thời cực thịnh, công ty Allen ở Alma sản xuất 65% lượng rau bina của thế giới. Để nhắc nhở quá khứ vẻ vang này, một tượng thủy thủ Popeye và một lâu đài nước Popeye được xây dựng trong thành phố, và một lễ hội rau bina được tổ chức vào tháng 4 hàng năm. Cũng nên nhắc lại: Popeye là nhân vật thủy thủ trong truyện tranh của Elzie Cryler Segar cổ động mọi người dùng loại rau nhiều chất sắt này.

Picket Wire Canyon (bang Colorado): Nhiều dấu chân khủng long nhất

Đây là địa điểm không xa lạ gì đối với các nhà khảo cổ học và địa chất học vì từng là nơi sinh hoạt nhộn nhịp của khủng long, tập trung nhiều vết tích của loài vật cổ đại này ở Bắc Mỹ.

Kalkaska (bang Michigan): Cây treo giày

Tại đây, vài chục cây lủng lẳng những đôi giày. Ai khơi ra trò này và nó mang ý nghĩa gì? Không ai biết rõ. Có người bảo các học sinh trung học cuối cấp treo giày lên cây sau khi đạt bằng tốt nghiệp; theo ý kiến khác, những cây này bị nguyền rủa, do liên quan đến những vụ giết người hàng loạt, hoặc là một kiểu thông báo rằng ma túy được bán ở gần đó.

Kensington (bang Minnesota): Đá cổ

Kể từ khi được khám phá vào năm 1898, tảng đá ở Kensington thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ, các giáo sư đại học và những người quan tâm đến lịch sử. Đá có kích cỡ 76 x 41 x 15cm, trọng lượng 90kg. Những chữ khắc trên đá thuộc một nền văn minh thuộc thời Trung cổ ở châu Âu chưa được xác định. Tảng đá này là bằng chứng cho thấy các nhà hàng hải đã đến Bắc Mỹ lâu trước Christophe Colom.

Houston (bang Texas): Bảo tàng quốc gia về lịch sử an táng

Đến tham quan bảo tàng lạ này ở Houston, bạn có thể ngắm sự thay đổi kiểu dáng các quan tài và xe tang theo thời gian, hiểu lịch sử ướp xác và những truyền thống tang lễ khác nhau trên thế giới.

Middleton (bang Wisconsin): Bảo tàng quốc gia về mù tạt

Hẳn đây là bảo tàng quốc gia có sắc vàng nhiều nhất ở Mỹ, chứa gần 6.000 loại mù tạt khác nhau đến từ khắp nước Mỹ và toàn thế giới.

Buford (bang Wyoming): Thành phố nhỏ nhất nước Mỹ

Dân số bang Wyoming là 573.729 người, ít nhất trong số 50 bang của Mỹ. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi thành phố Buford, nằm ở miền Nam của bang, là một trong số những thành phố hiếm hoi ở Mỹ chỉ có 1 cư dân.

Seattle (bang Washington): Bảo tàng Khoa học viễn tưởng

Sảnh Danh vọng (Hall of Fame) vinh danh các tác giả, diễn viên, nhà sản xuất điện ảnh và những nhân vật khác đã tạo một cách mạng trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng như Douglas Adams (nhà văn và nhà biên kịch người Anh), Madeleine L’Engle (nhà văn Mỹ), C.S Lewis (nhà văn và giáo sư đại học Anh), Leonard Nimoy (phim Star Strek).

Bảo tàng sở hữu một sưu tập đặc sắc về mô hình, đạo cụ, trang phục, các studio tạo âm thanh hay truyện tranh góp phần lớn trong phát triển công nghệ.

Fall River (bang Massachusetts): Ngôi nhà của gia đình Borden

Lizzie Andrew Borden (1860-1927) là nghi phạm chính trong vụ sát hại cha và mẹ kế bằng rìu tại nhà ở Fall River năm 1892. Nhưng không tìm ra chứng cứ và Lizzie được tha bổng. Kỳ lạ thay, ngôi nhà của gia đình Borden lại trở thành một điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan.

Kim Ngà

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nhung-thanh-pho-nho-noi-tieng-nho-ly-do-la-doi-25617.html