Những thành phố sách trên thế giới

Từ thành phố sách đầu tiên tại Anh, ngày nay, hàng chục 'book town' xuất hiện trên thế giới và trở thành điểm đến yêu thích của những người yêu mến văn chương, nghệ thuật.

Hay-on-Wye (Anh) là thị trấn cổ với gần 2.000 hộ dân cư trú, nép mình trong vùng nông thôn xứ Wales. Điều khiến ngôi làng này trở nên đặc biệt đó là số lượng hiệu sách nhiều, xuất hiện dày đặc trên các con phố.

Smithsonian Magazine thống kê ngôi làng nhỏ này có khoảng hơn 20 hiệu sách. Điều này khiến Hay-on-Wye được mệnh danh là “thị trấn sách”, “thành phố sách” (book town).

Thành phố sách đầu tiên

Cách gọi “book town” do nhà khảo cổ học Richard Booth đặt ra vào năm 1961. Ông mong muốn biến một số mặt tiền cửa hàng trống ở quê hương mình thành các hiệu sách cũ.

Ý định này lan truyền rộng rãi và được những người bán sách ở châu Âu ủng hộ. Họ quyết định mở cửa hàng đầu tiên ở Hay-on-Wye, dần dần, nhiều hiệu sách tương tự phủ sóng ngôi làng này. Thành phố sách đầu tiên ra đời từ đó.

“Ý tưởng của ông ấy là tạo ra một nơi mà mọi người có thể đến và đọc những cuốn sách cũ. Về sau, ý tưởng của các chủ hiệu sách Hay-on-Wye thành công và lan rộng ra toàn cầu. Ngày nay, nhiều khu phố sách tương tự xuất hiện trên thế giới”, Gunnel Ottersten, Chủ tịch International Organisation of Book Towns cho biết.

Thống kê của Smithsonian Magazine cho thấy ngày nay có hơn 10 thành phố sách trên thế giới, trải dài từ Australia, Malaysia, Hàn Quốc, Italy…

 Một hiệu sách tại thành phố Hay-on-Wye, Wales. Ảnh: Flickr.

Một hiệu sách tại thành phố Hay-on-Wye, Wales. Ảnh: Flickr.

Theo định nghĩa của International Organisation of Book Towns, “book town” là thị trấn hoặc thành phố tại các vùng nông thôn, tập trung các hiệu sách cổ và cũ. Các tiệm sách này đôi khi có ngày hội văn học riêng, thu hút nhiều độc giả yêu thích ghé thăm.

Điển hình như thành phố sách Clunes ở Victoria, Australia. Nơi này thường xuyên tổ chức buổi trò chuyện, cà phê sách hàng tháng với tên gọi "Sunday Series". Tại đây, các tác giả sẽ có mặt và trao đổi cùng độc giả xung quanh tác phẩm của họ.

Trong khi đó, Hay-on-Wye ở xứ Wales sở hữu đặc trưng là các hiệu sách đa dạng, nhiều thể loại.

Chẳng hạn, The Poetry Bookshop là hiệu sách cũ duy nhất ở Anh sưu tầm, lưu trữ các tác phẩm thơ; Murder and Mayhem cung cấp cho độc giả sách thuộc chủ đề tội phạm và truyện trinh thám. Arden Booksellers mang đến thế giới về động vật, sinh học. Rose's Books là cửa hiệu sách dành cho trẻ em.

Hay Castle Book Store nằm bên trong lâu đài cổ từ thế kỷ XII. Bên ngoài khuôn viên, họ đặt nhiều giá sách với hàng chục cuốn nhiều thể loại.

Hay-on-Wye cũng thiết kế mô hình "hiệu sách trung thực". Tại đây, các cuốn sách được đặt lên kệ và không có ai quản lý. Bất kỳ ai cũng có thể ghé qua, chọn lấy một tác phẩm mình yêu thích và để tiền vào chiếc hộp. Giá trị mỗi cuốn sách do độc giả tự quy định và không có ai theo dõi hay kiểm soát hành động này. Nó hoàn toàn tự nguyện.

Hay-on-Wye cũng là nơi tổ chức lễ hội Hay, kéo dài 10 ngày vào tháng 5 hàng năm để giao lưu nghệ thuật và văn học.

Khi công nghệ ngày càng phổ biến, những thành phố sách là hiện tượng mang giá trị đặc biệt. Bà Ottersten chia sẻ: “Cảm giác khi hít hà một cuốn sách với mùi giấy cũ vẫn rất khác khi chúng ta cầm trên tay máy đọc sách hay điện thoại thông minh. Kiến thức, trọng lượng của mỗi cuốn sách hàng trăm năm tuổi khiến việc bảo tồn nó càng trở nên quan trọng hơn trong thời đại ngày nay”.

 "Hiệu sách trung thực" tại thành phố Hay-on-Wye, Wales. Ảnh: Flickr.

"Hiệu sách trung thực" tại thành phố Hay-on-Wye, Wales. Ảnh: Flickr.

Hồi sinh những ngôi làng bằng “thành phố sách”

Tại Hà Lan, Bredevoort được mệnh danh là thành phố sách lâu đời từ năm 1993 với hơn 20 hiệu sách cũ trong khu vực. Mỗi thứ bảy của tuần thứ 3 trong tháng, quảng trường thành phố sẽ tổ chức hội chợ sách, thu hút nhiều nhà phát hành từ khắp nơi đến tham gia. Họ mang theo sách tiếng Anh, Đức, Hà Lan tới bày bán.

Tại Bỉ, năm 1979, sau khi Noel Anselot từ Hay-on-Wye trở về đã nảy ra ý định xây dựng mô hình thành phố sách tại Redu. Ông cải tạo ngôi làng nhỏ ở vùng Ardennes và thu hút những người bán sách, nhà phát hành tới đầu tư, mở cửa hiệu.

Dự án của Noel Anselot mong muốn giữ nguyên bản cho ngôi làng nên vẫn có chuồng trại, nhà ở và lán canh. Ý tưởng của Noel đã thành công. Hiện Redu của Bỉ có 17 cửa hiệu chuyên về sách cũ, truyện tranh.

Hàng năm, thành phố này cũng tổ chức các triển lãm, sự kiện liên quan văn hóa đọc, ngày hội sách mở xuyên đêm. Năm 1984, Redu được xác nhận là thành phố sách theo các tiêu chí của International Organisation of Book Towns.

 Các kệ sách được đặt công khai ở nhiều con đường tại làng Hay-on-Wye. Ảnh: Flickr.

Các kệ sách được đặt công khai ở nhiều con đường tại làng Hay-on-Wye. Ảnh: Flickr.

Năm 1999, thị trấn Catskills, New York, Mỹ, rơi vào khủng hoảng khi không có người định cư và chỉ có đúng một quán ăn xập xệ. Nhận thấy tiềm năng của vùng đất buồn tẻ này, Don Dales quyết định học theo mô hình thành phố sách của Hay-on-Wye và mở thêm các hiệu sách cũ.

Hiện tại, thành phố sách này có 6 cửa hiệu, bày bán tác phẩm ở nhiều chủ đề như nấu ăn, truyện thiếu nhi… Catskills nhanh chóng trở thành điểm đến cuối tuần quen thuộc của người New York yêu sách.

Theo Guinness World Records, Livraria Bertrand ở Lisbon, Bồ Đào Nha, là hiệu sách lâu đời nhất thế giới vẫn còn hoạt động. Nó được xây dựng năm 1732 bởi Peter Faure - một trí thức yêu văn chương. Năm 1960, Livraria Bertrand mở rộng quy mô và hiện có hơn 50 cửa hàng thành viên.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-thanh-pho-sach-tren-the-gioi-post1127109.html