Những thành quả xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở tỉnh Hưng Yên luôn chủ động, sáng tạo, phát huy cao nội lực của nhân dân; với phương châm xuyên suốt 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi'. Chương trình đã tạo nên sự thay đổi lớn về diện mạo, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu vực nông thôn.
Sự hài lòng của người dân
Chị Lựu Thị Thu, ở xã Nhật Quang, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên cho biết, chương trình xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức của nhân dân, thể hiện: Ở ngoài đồng, tất cả các hộ nông dân đều đồng lòng thực hiện việc dồn thửa, đổi ruộng; hình thành các thửa ruộng lớn, tạo điều kiện việc cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch. Trong thôn, xóm, nhân dân đồng tình hiến đất, đầu tư công, của cùng với nguồn lực Nhà nước xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường, trường, trạm, nhà văn hóa, nơi vui chơi giải trí, công trình vệ sinh môi trường… tạo nên cảnh quan sạch, đẹp đã mang lại sự hài lòng cho người dân. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên Phạm Thị Tuyến đánh giá: Sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM ở tỉnh Hưng Yên đạt tỷ lệ cao. Kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân, của các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt từ 80% trở lên, có những địa phương đạt hơn 95%. Người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình; không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Hưng Yên huy động được gần 64 nghìn tỷ đồng cho xây dựng NTM; trong đó, hơn 42 nghìn tỷ đồng từ đóng góp của cộng đồng dân cư và xã hội hóa. Ðến nay, tỉnh Hưng Yên có 141 xã đạt chuẩn NTM, chiến hơn 97% tổng số xã của tỉnh, bốn xã còn lại đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng, giá trị thu được bình quân là 200 triệu đồng/ha/ năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn khoảng 2,0%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,5%, 100% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh… Huyện Mỹ Hào (nay là thị xã Mỹ Hào), huyện Văn Giang được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, thành phố Hưng Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Ðiểm nhấn thành công trong việc thực hiện xây dựng NTM ở tỉnh Hưng Yên là việc tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Tỉnh Hưng Yên tập trung chỉ đạo, hoàn thành việc dồn thửa, đổi ruộng gần 29.000 ha đất nông nghiệp; căn bản khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, tạo điều kiện tích tụ, tập trung ruộng đất để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hình thành một số vùng hàng hóa nông nghiệp tập trung, những cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao, giá trị cao. UBND tỉnh phê duyệt 314 đề án, dự án, chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 117 nhiệm vụ, với tổng kinh phí khoảng 65 tỷ đồng. Thực hiện chuyển đổi hơn 15 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao; trong đó, chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản hơn 12 nghìn ha, chuyển đổi đất bãi trồng màu sang trồng cây ăn quả khoảng 2.700 ha. Tỉnh Hưng Yên hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác tham gia chương trình “Kết nối tiêu thụ nông sản vào chuỗi bán lẻ hiện đại cho các HTX nông nghiệp các tỉnh phía bắc”; tạo điều kiện hình thành một số mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ. Nhiều mô hình liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả, điển hình: liên kết các khâu chăn nuôi theo dự án hỗ trợ nâng cấp cải thiện điều kiện vệ sinh thú y và môi trường cơ sở giết mổ của Chương trình Lifsap. Liên kết của HTX nhãn lồng Nễ Châu, HTX nhãn lồng Phương Thượng (thành phố Hưng Yên) và HTX nhãn lồng Miền Thiết (huyện Khoái Châu) với hệ thống siêu thị BigC, Fivimart, Hapro. Liên kết giữa Công ty Sữa Vinamilk với các hộ chăn nuôi bò sữa và thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa bò cho nông dân của các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Ðộng. Liên kết giữa các chủ trang trại với các đại lý cung cấp giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, các đại lý, công ty cung ứng thuốc thú y…
Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình xây dựng NTM ở tỉnh Hưng Yên còn có những tồn tại, hạn chế: Kết quả xây dựng NTM ở nhiều xã chưa thật sự bền vững. Chất lượng thực hiện các tiêu chí có sự chênh lệch giữa các địa phương. Vai trò chủ thể của nông dân, sức mạnh chủ động của cộng đồng chưa được phát huy triệt để. Nông nghiệp phát triển thiếu tính bền vững, cơ sở hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại. Công tác xúc tiến thương mại, dịch vụ, phát triển thị trường còn yếu, phần nhiều nông sản bán ra không có thương hiệu, giá trị gia tăng thấp. Năng lực, trình độ của nông dân vẫn còn hạn chế, đa số các chủ thể kinh tế chưa vươn tới tầm của sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh cao. Nhiều nơi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hình thành chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ chưa thật sự hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp tham gia. Trình độ sản xuất của nông dân chưa đồng đều dẫn đến khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn chậm...
Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng NTM, bảo đảm thật sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, tỉnh Hưng Yên tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM; phổ biến những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt trong phong trào xây dựng NTM; tuyên truyền, phổ biến những gương điển hình tiên tiến, những mô hình làm ăn mới, có hiệu quả. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, các cấp chính quyền địa phương; phát huy vai trò, trách nhiệm chủ thể của người dân trong việc thực hiện, giám sát và thụ hưởng. Xây dựng kế hoạch cụ thể để hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; rà soát, ban hành các cơ chế chính sách: Khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chính sách liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý đất dôi dư nhằm khai thác tối đa các nguồn lực cho xây dựng NTM; tiếp tục có cơ chế cho các xã tiến hành tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở, đồng thời tạo nguồn xây dựng NTM; kêu gọi đóng góp của con em xa quê. Ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ, các quy trình công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với công nghệ chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm lợi thế của địa phương...
Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có: 30% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí mới, 20% số xã được công nhận xã NTM kiểu mẫu; có từ một đơn vị cấp huyện trở lên được công nhận NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 60 triệu đồng/năm, giá trị thu được bình quân đạt 230 triệu đồng/ha/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm, giữ ổn định dưới 2%.