Những thành tựu bước đầu trong công tác chuyển đổi số ở Cà Mau

Với tinh thần lấy người dân làm trung tâm, chủ thể để đổi mới trong thực hiện chuyển đổi số, cả hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau đã và đang vào cuộc 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' đưa chuyển đổi số đến từng người dân. Việc làm trên đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực từ nền tảng chuyển đổi số và trở thành phong trào mạnh mẽ. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Trần Thị Cẩm Hằng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề này.

- Có thể thấy, Chương trình chuyển đổi số đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh Cà Mau, bà có thể cho biết Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã giữ vai trò như thế nào trong trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Xác định chuyển đổi số phải thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, cần có sự tham gia chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 2052/QĐ-UBND ngày 15.8.2022 kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau, trong đó Sở TTTT làm nhiệm vụ Thường trực của Ban Chỉ đạo.

Phát huy vai trò Thường trực của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, hằng năm Sở TTTT đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương xây dựng, rà soát, hoàn thiện trình Trưởng Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số ban hành Kế hoạch hoạt động hàng năm của Ban chỉ đạo.

 Người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động này

Người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động này

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 10 Kế hoạch và trên 200 văn bản triển khai, phối hợp tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trên cơ sở hướng dẫn của trung ương, của Bộ, ngành và của tỉnh.

Trên cơ sở báo cáo tình hình thực hiện chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, Sở tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh hàng tháng, quý gửi UBND tỉnh, Bộ TTTT theo dõi, chỉ đạo. Đặc biệt là Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 20.8.2024 của UBND tỉnh kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tình hình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2024. Qua đó, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến trong nhận thức đối với người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.

- Vậy, những giải pháp nào mà Sở TTTT đã triển khai thực hiện cũng như những thành tựu bước đầu trong chuyển đổi số ở tỉnh Cà Mau, thưa bà?

- Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp đột phá thúc đẩy chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Việc phát triển hạ tầng số, lực lượng lao động có kỹ năng số, đẩy mạnh công tác nghiên cứu công nghệ số mới và xây dựng môi trường pháp lý an toàn, tin cậy là bốn yếu tố cốt lõi bảo đảm chuyển đổi số thành công.

Song song với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số gắn với cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến phát triển đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) của tỉnh cũng được đầu tư xây dựng theo mô hình điện toán đám mây, với năng lực lưu trữ lên đến 135 TB, được triển khai các thiết bị bảo mật đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống như: tường lửa, phòng chống DDoS, tường lửa ứng dụng web và được Tổ chức Chứng nhận DAS đánh giá phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 về hệ thống quản lý an toàn thông tin. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai Trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) để phòng ngừa sự cố mất an toàn thông tin cho DC. Trung tâm dữ liệu tỉnh đã kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư.

 Bảo đảm các cá nhân trong xã hội được tiếp cận dịch vụ công, các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, giao thông công bằng và đầy đủ.

Bảo đảm các cá nhân trong xã hội được tiếp cận dịch vụ công, các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, giao thông công bằng và đầy đủ.

Về dữ liệu số: Sở TTTT đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 2 Quyết định tạo hành lang pháp lý để triển khai dữ liệu mở và dữ liệu dùng chung của tỉnh Cà Mau. Trên cơ sở đó, tỉnh đã hoàn thành triển khai 13 cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung và 86 tập dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Các CSDL dùng chung và dữ liệu mở được đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu dùng chung của các Bộ, ngành, địa phương tại địa chỉ http://danhmuc.data.gov.vn. Cùng với đó, các Sở Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường đang tập trung thực hiện số hóa, tạo lập dữ liệu hộ tịch, đất đai.

Ngoài ra, Sở cũng đã triển khai Ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G): tích hợp trên 50 ứng dụng, tiện ích hỗ trợ người dân dễ dàng tương tác, sử dụng dịch vụ số do chính quyền cung cấp; trong đó có tích hợp ứng dụng phản ánh hiện trường nhằm đảm bảo việc kết nối giữa chính quyền và người dân trong tỉnh ngày càng chặt chẽ hơn, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, giải quyết các vấn đề cấp bách, tồn tại lâu dài trong xã hội gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân; có trên 27.000 lượt cài đặt. Đến nay, ứng dụng phản ánh hiện trường đã tiếp nhận và xử lý trên 909 phản ánh của người dân.

Như vậy, chuyển đổi số bước đầu đã đạt được một số thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, tạo nền móng vững chắc cho công cuộc chuyển dịch cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân lên không gian số, thúc đẩy và phát triển chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

- Đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song còn những khó khăn, thách thức nào tỉnh đang gặp trong quá trình chuyển đổi số, thưa bà?

- Hiện nay, khó khăn chúng tôi gặp phải là chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh về chuyển đổi số như quy định về định mức chi ngân sách tối thiểu cho Chuyển đổi số; chính sách đối với Tổ công nghệ số cộng đồng; chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Chi ngân sách tỉnh chưa bảo đảm cho triển khai các nhiệm vụ, dự án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước ở một số ngành, lĩnh vực chưa theo kịp yêu cầu về chuyển đổi số hiện nay, thường có tâm lý chờ chỉ đạo của cấp trên, chưa chủ động rà soát nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực dẫn đến việc xây dựng các kế hoạch về chuyển đổi số trong thời gian qua chưa được hệ thống, đồng bộ; nhất là việc đề xuất triển khai các giải pháp chuyển đổi số để quản lý ngành, lĩnh vực. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu về số lượng và nhiều trường hợp còn hạn chế về chất lượng, chưa bảo đảm để triển khai các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hoạt động của cơ quan nhà nước; biên chế của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin hàng năm bị cắt giảm một cách cơ học theo lộ trình cắt giảm biên chế, trong khi đó, chuyển đổi số lại đặt ra nhiều nhiệm vụ mới; nguồn lực tài chính của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ thúc đẩy Chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực quản lý.

 Người làm công tác Chuyển đổi số mong sớm ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng, Nghị quyết về chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số

Người làm công tác Chuyển đổi số mong sớm ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng, Nghị quyết về chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số

Cạnh đó, nội dung của kênh truyền thông số chưa đa dạng, phong phú. Dữ liệu tại nhiều cơ quan, đơn vị còn rời rạc, phân tán, chưa được kiểm tra đánh giá chất lượng dữ liệu. Việc khai thác, sử dụng các nền tảng số hiện nay còn hạn chế, chưa phát huy hết tính năng, cũng như hiệu quả của nền tảng số mạng lại. Một số cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ vai trò, tầm quan trọng bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số hiện nay; việc bảo đảm an toàn thông tin đối với các hệ thống dùng chung vẫn tìm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh ít quan tâm đến chuyển đổi số dẫn đến hạn chế đầu tư nguồn lực cho hoạt động phát triển thương mại điện tử để mở rộng và phát triển kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm đăng trên sàn chưa được đa dạng, khó thu hút được khách hàng.

Tỷ lệ người dân đăng ký sử dụng chữ ký số công cộng để thực hiện các giao dịch điện tử hiện nay còn thấp. Tâm lý e ngại mất an toàn thông tin khi giao dịch trên môi trường mạng nên số lượng người dân tham gia còn hạn chế. Các thao tác thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến còn phức tạp, nhiều bước trung gian dẫn đến nhiều người dân chưa tự thực hiện được, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin của nhiều người dân còn hạn chế.

- Vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, tới đây Sở TTTT Cà Mau sẽ triển khai những giải pháp cũng như tập trung ưu tiên lĩnh vực nào, thưa bà?

- Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện 5 giải pháp trọng yếu để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số. Trước tiên, chúng tôi đề xuất Chính phủ hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý an toàn, cần thiết thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số có thể kể đến các quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư, quản lý dữ liệu cá nhân và bảo đảm tính công bằng trong việc sử dụng công nghệ.

Hai là, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân.

Ba là, tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả.

Bốn là, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng mạng internet, bảo đảm băng thông rộng, ổn định, kết nối đến tất cả các cơ quan nhà nước, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Năm là, đẩy mạnh tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển chính quyền số và thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn. Bảo đảm các cá nhân trong xã hội được tiếp cận dịch vụ công, các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, giao thông công bằng và đầy đủ.

- Nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường hợp tác, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Sở có đề xuất, kiến nghị gì đối với các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân?

- Chúng tôi xin đề xuất kiến nghị với Trung ương: Chỉ đạo các Bộ, ngành: Tư pháp; Y tế; Lao động, Thương binh và xã hội; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Tòa án nhân dân tối cao sớm có văn bản hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện 8 dịch vụ công còn lại theo Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 4.4.2022 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo các Bộ, ngành đẩy nhanh việc rà soát, công bố dịch vụ công trực tuyến toàn trình áp dụng cho ngành, lĩnh vực quản lý để địa phương có cơ sở triển khai công bố áp dụng tại địa phương.

Với HĐND tỉnh: Sớm ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng, Nghị quyết về chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cơ quan thuộc hệ thống chính trị cũng như Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2025 – 2030 làm cơ sở thực hiện chuyển đổi số giai đoạn này. Thường trực và các Ban HĐND tỉnh thường xuyên khảo sát, giám sát lĩnh vực chuyển đổi số để thúc đẩy hơn nữa phong trào chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Đề xuất HĐND tỉnh ban hành chính sách ưu tiên, tạm thời không thực hiện tinh giảm biên chế đối với vị trí việc làm liên quan đến công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối 3 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền số. Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (Trung tâm IOC) đã hoàn tất công đoạn đầu tư và đang vận hành thử. Sau khi đưa vào vận hành, kỳ vọng giúp lãnh đạo các cấp theo dõi, giám sát và ra quyết định liên quan đến các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện, Trung tâm đã kết nối trực tuyến với 13 lĩnh vực có dữ liệu theo kế hoạch, bao gồm: Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp; Môi trường; Chỉ số kinh tế - xã hội; Giám sát an ninh trật tự, giao thông; Phản ánh hiện trường; Chỉ đạo, điều hành hành chính công; Lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức; và Văn bản điện tử.

Vũ Châu (Thực hiện)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhung-thanh-tuu-buoc-dau-trong-cong-tac-chuyen-doi-so-o-ca-mau-post393190.html