Những thành tựu chủ yếu qua 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ ở An Giang
Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Bác Hồ với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng; là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền; là tác phẩm bàn về xây dựng chủ nghĩa xã hội, là phác thảo lý luận cho sự nghiệp đổi mới ở nước ta.
An Giang là tỉnh biên giới phía Tây Nam Tổ quốc. Nói tới An Giang là nói về một địa phương có nền văn hóa vừa đặc sắc, vừa phong phú, đa dạng; là nơi khởi nguồn nhiều tôn giáo bản địa, với 4 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… An Giang còn là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, kinh qua nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. 50 năm đi qua, là từng ấy năm Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà luôn đoàn kết, phát huy trí tuệ, phấn đấu giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền đã lãnh đạo quân, dân tỉnh nhà vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chuẩn bị chu đáo cả thế và lực tại chỗ cùng toàn miền Nam đứng lên Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang, giải phóng các huyện, thị xã trên địa bàn 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà (thuộc tỉnh An Giang ngày nay), góp phần cùng cả nước thực hiện một cách xuất sắc điều mong ước và lời căn dặn thiết tha của Bác, đó là đế quốc Mỹ cút khỏi nước ta; Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, thống nhất; đồng bào Nam - Bắc sum họp một nhà.
“Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”
Sau chiến thắng lịch sử 30-4-1975, nhân dân Việt Nam tha thiết được sống trong hòa bình, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển đất nước. Nhưng tập đoàn Pon Pot với đường lối cực kỳ phản động, đẩy dân tộc Campuchia lâm vào họa diệt chủng, đồng thời kích động xâm lược, lấn chiếm lãnh thổ và gây nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam trên biên giới Tây Nam, trong đó An Giang là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng to lớn. Trước hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của chế độ Pon Pot, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia, Đảng, nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng, một lần nữa phải cầm súng đánh tan bọn xâm lược và giúp nhân dân Campuchia lật đổ sự thống trị tàn bạo của chế độ diệt chủng Pon Pot vào ngày 7-1-1979. Đây là chiến thắng, là niềm vui chung của nhân dân 2 nước, vừa bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, vừa khép lại một trang sử đen tối của đất nước Campuchia, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, mở ra giai đoạn độc lập, hòa bình và phát triển của đất nước Chùa Tháp.
Thành tựu nổi bật của tỉnh hơn 40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là những bước chuyển biến căn bản về kinh tế - xã hội, tạo sự khởi sắc rõ nét diện mạo đô thị và nông thôn trên địa bàn. Ở giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, An Giang đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước vào thực tiễn của tỉnh trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; giải quyết đồng bộ, có hiệu quả các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là đối với nông dân. Nhờ đó, đã cởi trói và tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển nhanh cả về lượng và chất, đồng thời đòi hỏi tất yếu phải đổi mới quan hệ sản xuất theo hướng phù hợp. Kết quả, từ một tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực với sản lượng lúa khoảng 848 ngàn tấn (năm 1986) đến có dư để xuất khẩu, đạt trên mức 2 triệu tấn lần đầu tiên vào năm 1996, trên mức 3 triệu tấn vào năm 2007 và hiện nay là hơn 4 triệu tấn, là một trong những tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu cả nước. Song song đó, chất lượng, số lượng tổ chức Đảng và đảng viên không ngừng được nâng lên; Đảng bộ tỉnh hiện có 15 Đảng bộ trực thuộc, trong đó có 11 Đảng bộ huyện, thị, thành phố và 4 Đảng bộ khối, ngành, gồm 829 tổ chức cơ sở Đảng (tăng 424 tổ chức cơ sở Đảng), với 64.168 đảng viên (tăng 59.564 đảng viên so với năm 1979).
Hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đã chung sức, chung lòng, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu và giành được những kết quả bước đầu khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP giai đoạn 2016 - 2018 tăng dần qua từng năm (đến năm 2018 đạt 6,52%); thu ngân sách hằng năm đạt trên 5.800 tỉ đồng; thu hút đầu tư ở các lĩnh vực mũi nhọn ngày càng hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến cuối năm 2018 còn 3,67%. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ có sự chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào thực chất, đến nay, toàn tỉnh có trên 93% hộ gia đình, 10 xã đạt chuẩn văn hóa; 13 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 50/119 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời huyện Thoại Sơn và TP. Long Xuyên, Châu Đốc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bước đầu được sắp xếp, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, hiệu quả... tạo tiền đề cho sự phát triển của tỉnh ở giai đoạn tiếp theo.
Nhìn lại quá trình 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ, quân và dân An Giang tự hào về những thành tựu mà các thế hệ đi trước và hôm nay đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để đạt được; đồng thời trăn trở về thực trạng phát triển của tỉnh nhà chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như mong muốn của cán bộ, đảng viên và nhân dân, chưa theo kịp sự phát triển chung của đất nước. Kính yêu Bác Hồ, tình cảm và trách nhiệm với quê hương thúc giục mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân An Giang hôm nay phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn trong sự nghiệp xây dựng quê hương Bác Tôn ngày càng giàu đẹp, văn minh.