Những thành tựu nổi bật của tỉnh Sơn La trong 70 năm sau giải phóng
1- Củng cố chính quyền cách mạng, góp phần giải phóng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1953-1954)
Sau ngày giải phóng, công tác củng cố chính quyền, tuyên truyền, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, xây dựng đời sống mới; đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được đẩy mạnh. Mặc dù âm mưu, nhất là hành động phá hoại của tàn quân phỉ diễn biến phức tạp, nhưng nhân dân các dân tộc vững vàng, không ngại hy sinh, gian khổ, ngày đêm băng rừng, trèo đèo cao, vượt suối sâu để vận chuyển lương thực, quân trang, quân dụng cho bộ đội, góp phần vào công tác chuẩn bị chiến dịch giải phóng Điện Biên.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian nan và anh dũng, ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Tỉnh Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hậu phương trực tiếp của chiến dịch quyết chiến chiến lược, góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Riêng về lương thực, thực phẩm, tỉnh Sơn La đã đóng góp 3.607 tấn gạo (vượt chỉ tiêu 52 tấn), thịt các loại trên 144 tấn (vượt chỉ tiêu 84 tấn), mỡ gần 3 tấn (vượt 2,5 tấn); rau các loại 140 tấn[1]. Riêng huyện Thuận Châu, huyện tiếp giáp với mặt trận Điện Biên Phủ, đồng bào đã huy động được 950 tấn gạo, 61 tấn thịt, 37 tấn rau các loại. Từ khi được giao nhiệm vụ là nơi trung chuyển, nhân dân các dân tộc Sơn La phấn khởi tham gia 21.687 lượt dân công và 2.434.000 ngày công đóng góp cho chiến dịch, vừa làm đường, đảm bảo vận chuyển. Về phương tiện vận chuyển có 83 thuyền, 872 ngựa thồ; cùng với dân công các tỉnh vận chuyển đạt 4.450.000 tấn hàng hóa ra mặt trận[2].
Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng, Nhà nước đã tặng, truy tặng nhiều phần thưởng cao quý; đến nay đã có 20 tập thể, 6 cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
2- Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, góp phần cùng cả nước đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa (1955-1975)
Sau chiến tranh, vùng Tây Bắc tuy được giải phóng, nhưng hậu quả của chiến tranh, tàn dư chế độ cai trị của thực dân - phong kiến tay sai để lại hết sức nặng nề. Kinh tế chậm phát triển. Nông nghiệp bị tàn phá, 1/4 ruộng đất bị bỏ hoang, gia súc, nhất là trâu bò, nông cụ thiếu thốn nghiêm trọng. Thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đình đốn, giao thông bị phá hủy. Đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn về lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, học tập... Âm mưu và hoạt động chống phá chính quyền cách mạng của các đối tượng phản động diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự địa bàn.
Nhằm lãnh đạo thực hiện hiệu quả chủ trương tăng cường đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc, ngày 29/4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 230/SL ban hành Quy định về thành lập Khu tự trị Thái - Mèo. Khu tự trị Thái - Mèo là đơn vị hành chính của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, hệ thống tổ chức gồm ba cấp: khu, châu, xã không có cấp tỉnh, các huyện đổi gọi thành châu, trực thuộc Khu.
Nhân dịp công bố thành lập Khu tự trị Thái - Mèo ngày 7/5/1955 (và các năm 1956, 1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên đồng bào. Trong thư Người nêu rõ mục đích xây dựng Khu tự trị là: “Làm cho các dân tộc anh em dần dần tự quản lý lấy mọi công việc của mình, để mau chóng phát triển kinh tế và văn hóa, thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt”. Bác Hồ căn dặn đồng bào Khu tự trị:
“...- Phải đoàn kết chặt chẽ giữa tất cả các dân tộc, phải thương yêu giúp đỡ nhau như anh em.
- Phải thi đua tăng gia sản xuất làm cho mọi người đều có áo ấm cơm no.
- Phải luôn luôn tỉnh táo và sẵn sàng giúp bộ đội và công an chống âm mưu địch chia rẽ và phá hoại...”
Bác còn chỉ thị cho cán bộ cũ và mới, cán bộ, đảng viên trong toàn Khu là “Phải thật thà đoàn kết, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí”.
Cuối thư Người mong muốn “toàn thể nhân dân đồng tâm hợp lực, làm cho Khu tự trị ngày thêm phát triển và tiến bộ” [3].
Bốn năm sau, vào ngày 07/5/1959, Bác Hồ cùng phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đến thăm đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo. Tại trung tâm châu Thuận - thủ phủ của Khu tự trị Thái - Mèo đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể đón Người. Phát biểu tại buổi mít tinh, Bác Hồ căn dặn: “Phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, gặt cho tốt vụ chiêm, chuẩn bị tốt vụ mùa. Đồng thời phải ra sức bảo vệ rừng cho tốt. Củng cố thật tốt các tổ đổi công và hợp tác xã theo đúng nguyên tắc tự nguyện, tự giác. Ra sức cải tiến kỹ thuật, làm mương phai cho tốt, làm phân bón cho nhiều, cày bừa cho kỹ, đề phòng sâu bọ, thú rừng. Phát triển bình dân học vụ khắp nơi, làm thêm nhà trường cho con em có chỗ học. Chăm lo vệ sinh, phòng bệnh, làm cho bản mường sạch sẽ, đồng bào mạnh khỏe; sửa sang và giữ gìn đường xá để đi lại dễ dàng; củng cố các tổ chức dân quân và tự vệ, làm tốt công tác nghĩa vụ quân sự. Trong mọi công việc, phải ra sức giúp đỡ đồng bào ở rẻo cao...”. Kết thúc bài nói chuyện Bác Hồ chúc:
“Người người mạnh khỏe
Đoàn kết chặt chẽ,
Hăng hái thi đua,
Thành công vui vẻ”.
Kết thúc buổi mít tinh tại châu Thuận, Bác Hồ cùng phái đoàn Chính phủ đã đến thăm, nói chuyện với đồng bào châu Yên, châu Mộc, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 280-Sư đoàn 335.
Quán triệt lời Bác Hồ căn dặn, đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang đều cảm thấy sự quan tâm không bờ bến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với từng công việc, lo lắng và ước mong tốt đẹp cho cuộc đời mình. Đó là động lực tinh thần to lớn, kịp thời cổ vũ, động viên, thôi thúc cán bộ, đảng viên nhân dân các dân tộc trong các châu: Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Phù Yên, Sông Mã; Quỳnh Nhai, Khu tự trị Thái - Mèo hăng hái, không ngừng phấn đấu rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, vững vàng, tin tưởng tiến lên, xây dựng quê hương phát triển, tạo dựng cuộc sống ấm no.
(Còn nữa)
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY SƠN LA
[1] Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La tập I (1939 - 1954); in tại công ty TNHH Tùng Long; SL 2014; tr 232.
[2] Địa chí Sơn La (quyển 1), Nxb chính trị quốc gia sự thật, HN 2020; tr 595
[3] Báo Nhân dân, số 430, ngày 7/5/1955.