Những thầy cô 'Gia sư áo xanh' tại xóm trọ công nhân

Lớp học dã chiến 'Gia sư áo xanh' ở xóm trọ công nhân Q. Bình Tân (TP. HCM) do các thầy, cô sinh viên đứng lớp, ban đầu chỉ gồm một cái bàn, vài cái ghế. Nhưng sĩ số lớp cứ tăng lên từng ngày, các em học sinh đi học đều đặn vì không khí lớp học luôn rộn rã tiếng cười.

“Con muốn được đi học nhưng mẹ con không có tiền!”

Cứ đến chiều thứ Ba và thứ Năm hằng tuần, tại Khu lưu trú (KLT) 48 (quận Bình Tân, TP. HCM), tiếng cười của những học sinh lớp học dã chiến “Gia sư áo xanh”, do sinh viên tình nguyện tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. HCM tổ chức, lại rộn rã cất lên.

Chị Nguyễn Thị Kim Hồng, chủ KLT 48 cho biết, lớp học đã được triển khai được 8 tuần. Trước ngày khai giảng nửa tháng, chị Hồng đăng ký với Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố - đơn vị tổ chức và điều phối chương trình "Gia sư áo xanh". “Thấy mấy đứa nhỏ trong khu lưu trú vào Hè ít được tham gia các hoạt động học tập, vui chơi nên tôi đăng ký mở lớp. Ban đầu, nghĩ chỉ vài đứa trong khu trọ tham gia cùng hai đứa nhỏ nhà tôi, không ngờ lớp học ngày càng đông", chị Hồng chia sẻ.

Không gian của lớp học dã chiến "Gia sư áo xanh".

Không gian của lớp học dã chiến "Gia sư áo xanh".

Chị Hồng kể, ba mẹ các em nhỏ ở khu lưu trú phần lớn làm công nhân, lao động tự do nên đời sống còn nhiều khó khăn. Họ chỉ quan tâm đến việc kiếm cái ăn, cái mặc cho các em chứ ít quan tâm đến việc học thêm, chơi Hè. “Nghe tin lớp gia sư mở miễn phí tại đây, nhiều phụ huynh phấn khởi nhưng họ cũng băn khoăn không biết mấy đứa nhỏ có thích tham gia không”, chị Hồng nói.

Nguyễn Ngọc Trân (năm thứ tư, trường ĐH Sư phạm TP. HCM), Trưởng nhóm phụ trách lớp “Gia sư áo xanh” tại KLT 48 chia sẻ: “Để có thể thu hút các em trong khu lưu trú đến lớp, tụi mình phải mất vài tuần và các thầy cô sinh viên cũng phải nghĩ cách thay đổi giáo án qua từng tuần để phù hợp với lứa tuổi các em. Tụi mình thường xuyên trao đổi công việc của lớp và định hướng các hoạt động vui chơi bổ trợ thêm theo tuần”.

Ngoài dậy kiến thức, các thầy cô sinh viên kết hợp tổ chức các trò chơi trong mỗi buổi học.

Ngoài dậy kiến thức, các thầy cô sinh viên kết hợp tổ chức các trò chơi trong mỗi buổi học.

Ngọc Trân cho biết, nhóm thầy cô gia sư của lớp là các sinh viên tình nguyện đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn TP. HCM. Hằng tuần, Ngọc Trân cùng nhóm lên lịch và sắp xếp nội dung sẽ dạy: “Với mỗi độ tuổi học sinh, mình sẽ giao cho một vài thầy cô phụ trách để có thể theo dõi sự tiến bộ của các em theo từng tuần”.

Nhưng để có được những buổi học thu hút, vui nhộn là sự cố gắng rất nhiều của các thầy cô sinh viên. Trân vẫn nhớ câu chuyện lần đầu đến lớp của bé Trương Thảo Nhi (5 tuổi). “Con muốn được đi học nhưng mẹ con không đủ tiền cho con đi học nên con ở nhà. Được các cô dạy chữ cho sách tập, con rất thích!”, Thảo Nhi bẽn lẽn. Cô bé đồng thời cũng là học sinh nhỏ nhất của lớp do Trân trực tiếp phụ trách.

Ngọc Trân đang kèm cho bé Thảo Nhi viết chữ.

Ngọc Trân đang kèm cho bé Thảo Nhi viết chữ.

Trưởng thành từ hoạt động gia sư

Ngoài việc tổ chức nội dung lớp học, những thầy cô sinh viên còn phối hợp với Đoàn phường Tân Tạo A (Q. Bình Tân) để Tổ chức thêm các hoạt động vui chơi Hè cho các em. “Chính nhờ các hoạt động vui chơi thêm mà các em hứng thú hơn với việc đến lớp vào mỗi tuần. Quà trong mỗi buổi sinh hoạt ngoài giờ là sự chung tay từ nhiều nguồn: Chủ khu trọ, Đoàn phường, một số mạnh thường quân biết đến lớp học…”, Trân bày tỏ. Gần đây, Đoàn phường còn hỗ trợ thư viện nhỏ cho các bạn học sinh khu lưu trú có thêm không gian đọc sách giải trí.

Đi qua 3 mùa “Gia sư áo xanh”, Nguyễn Ngọc Trân đã trưởng thành hơn rất nhiều. Từ vai trò là thành viên đứng lớp dạy, Trân đã đảm nhiệm vụ Đội trưởng. Trân hiện tại cũng đã tốt nghiệp và đang chờ đi dạy. “Hoạt động gia sư đã cho mình rất nhiều trải nghiệm thú vị trong nghề giáo, giúp mình vững tin hơn trên con đường nghề nghiệp đã chọn”, cô giáo tương lai chia sẻ.

Các thầy cô "Gia sư áo xanh" và các em học sinh tại KLT 48 (Q. Bình Tân, TP. HCM).

Các thầy cô "Gia sư áo xanh" và các em học sinh tại KLT 48 (Q. Bình Tân, TP. HCM).

Cũng lần đầu tham gia hoạt động gia sư, Nguyễn Thị Thu Hằng (khoa Ngôn Ngữ, trường ĐH Văn Hiến) không khỏi bỡ ngỡ khi đứng lớp, nhưng trên hết, Hằng lại cảm thấy hứng thú với công việc tình nguyện mới mẻ này. “Qua lớp gia sư, mình học hỏi thêm được nghiệp vụ sư phạm từ các anh chị tổ chức lớp có kinh nghiệm. Đặc biệt là sự truyền cảm hứng từ chị đội trưởng. Mình đã hoàn toàn tự tin với các hoạt động dạy kèm cho các em”, Hằng bày tỏ.

Lỡ hẹn tham gia hoạt động “Gia sư áo xanh” từ năm trước, Trần Hồng Anh Thy (trường ĐH Tài chính - Marketing) đã quyết tâm đăng ký và trở thành gia sư trong chương trình năm nay. Công việc này không những giúp Thy chia sẻ với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mà còn giúp Thy học hỏi thêm được nhiều thứ từ chính các em nhỏ: “Các em rất tự tin và hòa nhập rất nhanh. Điều đó cũng khiến bản thân mình phải cố gắng hơn trong thời gian tới”.

Là chủ nhà nơi đặt lớp học đồng thời cũng là phụ huynh của hai bé, chị Nguyễn Thị Kim Hồng cảm kích trước sự nhiệt tâm của những sinh viên tình nguyện. Với chị, các bạn sinh viên không chỉ là người dạy kèm, tổ chức các hoạt động vui chơi sau giờ học mà trên hết là những người truyền cảm hứng cho các em trong học tập, biết vượt lên hoàn cảnh. “Tôi mong rằng, hoạt động "Gia sư áo xanh" sẽ được nhân rộng ở các khu lưu trú trong toàn thành phố, không chỉ trong dịp Hè mà cả trong năm học”, chị Hồng bày tỏ.

“Gia sư áo xanh” là một trong 6 chương trình, chiến dịch Tình nguyện Hè được Thành Đoàn TP. HCM triển khai năm 2023. Chương trình “Gia sư áo xanh” do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố phối hợp với Ban Công nhân lao động Thành Đoàn, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TP. HCM tổ chức, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, phụ đạo kiến thức thường xuyên trong năm học cho những học sinh là con của công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; người lao động trên địa bàn TPHCM; trẻ em mồ côi do COVID -19.

Hà Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nhung-thay-co-gia-su-ao-xanh-tai-xom-tro-cong-nhan-post1557008.tpo