Những thầy cô giáo bám bản, gieo chữ nơi vùng cao biên giới Sơn La
Ở xã biên giới Chiềng Tương, Yên Châu, Sơn La, những giáo viên nơi đây đã vượt mọi khó khăn cho sự nghiệp 'trồng người' cho con em đồng bào các dân tộc, thực hiện phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (Dự án 5) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030
Hơn 20 năm công tác tại trường tiểu học Chiềng Tương, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, cô giáo Nguyễn Thị Nga đã gắn bó với nhiều thế hệ học sinh ở 11/11 điểm trường, kể cả điểm trường xa nhất tới gần 20km.
Những năm đầu nhận công tác ở xã vùng 3 biên giới đặc biệt khó khăn này, từ điểm trường chính đến các điểm trường lẻ là những con đường quanh co, đầy đất đá, trời mưa phải đi bộ hoặc nhờ bà con dân bản kéo xe lên.
Không ngại khó, ngại khổ, với nhiệt huyết và lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Nga cùng tập thể thầy cô nhà trường cố gắng khắc phục mọi khó khăn, mang con chữ đến với học sinh thân yêu của mình: "Mình được nhận công tác và phân công lên đây mình thấy rất là khó khăn, các em rất là vất vả; thấy các em có rất nhiều thiệt thòi, thời điểm đấy trường lớp chưa có học thì cũng học trong nhà tạm thôi, mình thấy các em có nhiều thiệt thòi nên mình cũng cố gắng vượt qua để đem con chữ đến cho các em".
Là giáo viên trẻ mới tốt nghiệp ra trường, cô giáo Lê Thị Hồng ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đã xung phong lên dạy học tại điểm trường Đin Chí, trường tiểu học Chiềng Tương.
Mặc dù điểm trường cách nhà gần 30km, nhưng nhiều đoạn đường khó, dốc cao, hẹp và quanh co nên cô giáo Hồng 1 tuần mới có thể về thăm nhà 1 lần vào ngày cuối tuần.
Cô giáo Hồng chia sẻ: 2 năm công tác tại đây cũng là lúc hành trang của bản thân có thêm chiếc hộp buộc trên yên xe, chở thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt trong 1 tuần bám bản, bám lớp. Hơn nữa khi mưa lớn, đường bùn lầy lội, mỗi khi lên trường các thầy cô phải đi cùng nhau để người này đẩy xe giúp người kia, hoặc nhờ bà con dân bản mới có thể di chuyển được: "Khi lần đầu tiên lên điểm trường tôi cảm thấy rất là khó khăn bởi vì một mình mình công tác ở đây đường đi thì khó khăn, điều kiện tự nhiên ở đây cũng khá là khắc nhiệt. Tôi cũng đã cố gắng làm việc và nhìn thấy các em của mình ngày càng học tốt hơn ngày càng lớn hơn thì tôi cảm thấy đam mê và yêu nghề hơn và sẽ cố gắng cống hiến hết sức mình để mang cái chữ và giúp các em trở thành một công dân tốt cho xã hội".
Thầy giáo Nguyễn Hùng Vĩ, Hiệu trưởng trường tiểu học Chiềng Tương, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết thêm, năm học này, nhà trường có gần 600 học sinh, 100% là con em đồng bào dân tộc Mông.
Với những khó khăn đặc thù của xã vùng III biên giới, nhà trường đã động viên, hỗ trợ các thầy cô vượt khó khăn bám trường, bám bản, luân phiên giảng dạy ở 11 điểm trường. Đồng thời tích cực vận động, tuyên truyền những người mù chữ và những người chưa đạt chuẩn biết chữ ra lớp.
Đến nay nhà trường đã mở được 3 lớp xóa mù chữ với gần 60 học viên tham gia: "Nhà trường đã làm rất tốt công tác đảm bảo chế độ chính sách và thường xuyên quan tâm đến đời sống của các thầy cô, động viên các thầy cô thường xuyên để bám trường, bám lớp trong công tác dạy học".
Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song các thầy giáo, cô giáo trường tiểu học Chiềng Tương vẫn ngày đêm bám lớp, bám trường, lặng thầm “gieo chữ” nơi vùng biên, mong các em học sinh nơi đây có một tương lai tươi sáng hơn.