Những thay đổi tích cực của V.League

Việc ông Trần Anh Tú vẫn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT VPF giúp V.League giữ guồng quay ổn định từ thượng tầng, ít nhất đến hết mùa 2025/2026. Cũng ở mùa giải này, V.League sẽ có sự thay đổi đáng khen, liên quan đến việc tăng suất xuống hạng.

Lời khuyên đáng chú ý từ HLV Kim Sang-sik

Hội nghị BCH LĐBĐ Việt Nam khóa IX (Nhiệm kỳ 2022 - 2026) thông qua một nội dung quan trọng. Cụ thể, ông Trần Anh Tú sẽ tiếp tục đảm nhận các chức vụ lãnh đạo ở VFF và VPF cho đến hết năm 2026, tương đương với khép lại nhiệm kỳ khóa IX của BCH liên đoàn. Đồng nghĩa, ông Trần Anh Tú vẫn sẽ làm Phó Chủ tịch phụ trách thường trực VFF và Chủ tịch HĐQT VPF. Tất nhiên bên cạnh đó, ông vẫn là Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM và đồng hành với futsal.

Thực tế trong khuôn khổ hội nghị, có một số ý kiến xoay quanh việc ông Trần Anh Tú vẫn giữ vị trí then chốt tại VFF và VPF. Bởi trước đó 2 tuần, ông Tú bất ngờ nộp đơn xin từ chức phó chủ tịch VFF. Lý do xin nghỉ được ông đưa ra là tập trung các công việc kinh doanh. Sau cùng, thường trực BCH VFF quyết định giữ nguyên vai trò hiện hành của ông Trần Anh Tú, ít nhất là đến hết năm 2026 - tương đương với mốc kết thúc của nhiệm kỳ khóa IX của BCH VFF.

Ông Trần Anh Tú vẫn giữ vị trí lãnh đạo VFF và VPF.

Ông Trần Anh Tú vẫn giữ vị trí lãnh đạo VFF và VPF.

Bản thân ông Trần Anh Tú cho biết, động lực để bản thân tiếp tục đồng hành với VFF, VPF đến từ sự cổ vũ, động viên của Thường trực BCH VFF, những người làm bóng đá trong nước và quốc tế. Ngoài Chủ tịch VFF - Trần Quốc Tuấn, một trong những chuyên gia góp ý, khích lệ ông Trần Anh Tú thay đổi quyết định xin nghỉ là HLV Kim Sang-sik.

“Tôi nghĩ anh không nên nghỉ đâu”, ông Trần Anh Tú dẫn lại lời chia sẻ của HLV Kim Sang-sik nói về mình trong Hội nghị BCH chiều nay. “Tôi cũng cân nhắc suy nghĩ, sắp xếp công việc của mình. Tôi thấy trách nhiệm của bản thân với VFF. Tôi đồng ý tuân theo nghị quyết của Thường trực BCH, tiếp tục công việc của mình cho đến hết nhiệm kỳ”, ông Trần Anh Tú khẳng định.

Cần nói thêm, ông Trần Anh Tú là Trưởng đoàn ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2024. Đây cũng là giải đấu lớn đầu tiên mà HLV Kim Sang-sik cầm quân “Những chiến binh Sao Vàng”. Cũng nhờ quá trình làm việc cùng nhau tại AFF Cup, ông Trần Anh Tú và HLV Kim Sang-sik thêm gắn kết, có nhiều sự trao đổi mang tính xây dựng vì thành công của đội tuyển Việt Nam nói riêng và bóng đá nước nhà nói chung.

Với việc ông Trần Anh Tú tiếp tục tại vị trên cương vị Chủ tịch HĐQT VPF, về cơ bản, thượng tầng tổ chức điều hành các giải chuyên nghiệp quốc gia vẫn sẽ được giữ nguyên. Nhờ thế, guồng quay của V.League vẫn sẽ tiếp diễn như thời điểm hiện tại.

Đột phá ở thể thức

Ngoài việc ông Trần Anh Tú tại vị ở ghế lãnh đạo VFF và VPF, hai trong những nội dung hiện diện tại Hội nghị BCH VFF lần thứ 8 khóa IX chính là điều chỉnh suất lên xuống hạng của giải VĐQG (V.League), giải hạng nhất Quốc gia và gia tăng thêm ngoại binh.

Theo đó kể từ mùa giải 2025/2026, 2 đội đứng nhất và nhì của hạng Nhất sẽ lên thẳng V.League mùa kế tiếp. Ngược lại, 2 đội đứng áp chót và chót BXH V.League sẽ xuống hạng. Đây có thể xem là đổi thay mang tính cách mạng. Bởi ở những mùa vừa qua, V.League chỉ chứng kiến đội bét bảng xuống hạng trực tiếp. Đội xếp áp chót vẫn có cơ hội trụ lại thông qua trận play-off với đội Á quân hạng Nhất.

Nhìn lại 5 mùa gần nhất, số đội bóng xếp áp chót ở V.League thoát hiểm thành công vẫn áp đảo. Hiếm có chuyện cổ tích dành cho đội đứng nhì hạng Nhất, trong giấc mơ lên chơi hạng cao nhất của hệ thống chuyên nghiệp Việt Nam. Vậy nên, với thể thức lên, xuống hạng mới, cuộc đua trụ hạng ở V.League thêm phần kịch tính hơn. Trong khi đó, các CLB tại hạng Nhất cũng có thêm hy vọng.

Bên cạnh đó, thay đổi tiếp theo trong mùa 2025/2026 chính là các đội bóng tại V.League sẽ được đăng ký tới 4 ngoại binh trong 1 trận đấu thay vì 3 như hiện tại. Trong đó, CLB sẽ dùng 3 cầu thủ ngoại trên sân và 1 người được ngồi dự bị. Với các đội tham dự giải châu Á hoặc Đông Nam Á, các CLB dự kiến có thể được đăng ký 7 ngoại binh nhưng chỉ có 3 người thi đấu trên sân, 1 người ngồi dự bị và 2 người không ra sân.

Hiện tại, các CLB dự Cúp châu Á, Cúp Đông Nam Á được đăng kí 5 ngoại binh tại V.League và sử dụng 3 cầu thủ “Tây” trong trận. Thời điểm trước đây, vì nhiều lý do khác nhau, các đội bóng chỉ được sử dụng 2 ngoại binh rồi tăng lên 3 ngoại binh tại V.League. Các câu lạc bộ Việt Nam vì thế cũng gặp nhiều khó khăn khi tham dự đấu trường quốc tế. Họ không có được sự chuẩn bị tốt nhất khi đối thủ ở các giải khác dùng nhiều ngoại binh Nam Mỹ, châu Âu.

Thêm vào đó, hạng Nhất Quốc gia mùa tới cũng sẽ có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Mỗi CLB cũng được đăng ký 1 ngoại binh. Điều này giúp cho cán cân thực lực khi đội hạng Nhất so tài với CLB V.League không bị lệch về 1 phía.

V.League 2025/2026 sẽ chứng kiến sự ổn định trên ghế thượng tầng, cũng như tạo nên nhiều đổi thay trong nhân sự và thể thức thi đấu. Nhờ đó, chất lượng của giải đấu này cũng như mở rộng thêm là Cúp Quốc gia và hạng Nhất Quốc gia sẽ được nâng thêm một tầm cao hơn.

Phó trưởng Ban Trọng tài VFF bị miễn nhiệm

Ông Võ Quang Vinh, Phó trưởng Ban Trọng tài VFF, giảng viên thể lực đã bị miễn nhiệm. Lý do hôm 5/2, ông Vinh được phân công kiểm tra thể lực đối với 3 nữ trọng tài FIFA là Lê Thị Ly, Trần Thị Thanh, Bùi Thị Thu Trang tại Cung điền kinh Hà Nội. Nội dung kiểm tra của bài test là chạy (6 lần x 40m).
Tuy nhiên ông Vinh đã tự ý quyết định cho phép 3 trọng tài này chỉ chạy 4 lần x 40m. Đặc biệt, trong báo cáo ông Vinh lại ghi các trọng tài này đã chạy đủ 6 lần x 40m và chấm điểm đạt yêu cầu.
Ban Kiểm tra VFF sau khi vào cuộc đã kết luận việc ông Võ Quang Vinh tự ý quyết định thay đổi quy định nội dung kiểm tra trọng tài, chấm điểm không đúng với kết quả kiểm tra là việc làm thiếu trung thực, sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, đào tạo trọng tài của VFF. Do vậy, ông Vinh đã bị Ban Trọng tài miễn nhiệm chức danh Phó trưởng ban.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/nhung-thay-doi-tich-cuc-cua-v-league--i763504/