Những thầy giáo 'bén duyên' với nghề nuôi dạy trẻ
Nói đến bậc học Mầm non, mọi người thường nghĩ đến hình ảnh các cô giáo trẻ hát hay, múa dẻo, nhẹ nhàng, khéo léo. Nhưng giờ đây, ở chính những lớp học với nhiều tiếng nói cười ríu rít ấy lại có hình ảnh khác, vừa lạ, vừa quen và sự hấp dẫn rất riêng. Đó là những lớp học do thầy giáo mầm non đảm nhiệm. Gạt bỏ những bỡ ngỡ, ngại ngùng ban đầu, những thầy giáo mầm non ấy đang hàng ngày chăm từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy từng lời ca, tiếng hát, vần thơ, con chữ cho học trò.
Từ thợ may đến thầy giáo mầm non
Thầy Trần Quốc Hiệu trở thành giáo viên mầm non khi đã ở tuổi tứ tuần và đến nay, gần 12 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, tình yêu với nghề nghiệp cứ dần lớn thêm, bởi một chữ “duyên” với học trò.
Kể về hành trình đến với nghề, thầy Hiệu tâm sự: "Học hết phổ thông, tôi thi đỗ vào Cao đẳng Nhạc họa Trung ương, học được 1 năm thì bỏ dở, rồi đi làm nhiều nghề để kiếm sống. Sau nhiều năm gắn bó với nghề may quần áo, tôi chuyển hướng, quyết tâm đi học để trở thành giáo viên mầm non vì tình yêu trẻ nhỏ luôn thôi thúc trong tôi. Vợ tôi cũng là giáo viên Tiểu học nên rất ủng hộ quyết định của chồng, chấp nhận ở nhà vừa nuôi con vừa “nuôi chồng” đi học". Bắt đầu lại sự nghiệp học hành khi đã 37-38 tuổi, thầy Hiệu chia sẻ: Năm đầu tiên ở mái trường cao đẳng chẳng dễ dàng gì vì chương trình học nhiều lý thuyết, một thời gian dài không “động” đến sách vở nên khó khăn càng tăng thêm. Bước sang những năm tiếp theo, khi học thực hành như nhảy múa, hát ca, tạo hình đồ chơi, chăm sóc trẻ, thầy Hiệu càng say mê và quyết không bỏ cuộc. Thầy bảo: “Các chị em có thể đá bóng trên sân cỏ, mình cũng có thể làm công việc của các cô giáo mầm non”. Học hết cao đẳng, thầy Hiệu lại học tiếp lên Đại học.
Bước vào tuổi 40, thầy Hiệu cầm hồ sơ đi xin việc, 2 năm đầu tiên đi dạy hợp đồng với đồng lương ít ỏi 600.000- 700.000 đồng/tháng, chỉ đủ tiền xăng xe. Hơn nữa, khi mới bước chân vào nghề, thầy không được phụ huynh ủng hộ. Bởi quan điểm của mọi người lâu nay, thầy giáo không thể dạy được trẻ mầm non. Ngày đầu tiên về nhận lớp tại nhà văn hóa thôn, nhiều phụ huynh còn viết đơn yêu cầu nhà trường phải để cô giáo dạy vì họ không yên tâm giao con cho thầy. Nhưng chỉ sau 1 tuần, mỗi ngày, thầy Hiệu đến trường đều được trẻ chạy ra đón từ xa. Là người đã có gia đình, có kinh nghiệm chăm con, thầy Hiệu tâm niệm “chăm con mình thế nào thì chăm học trò như thế”. Dần dần, phụ huynh thay đổi suy nghĩ và dành niềm tin cho thầy.
Ở trường, thầy Hiệu rất được các cô “tín nhiệm” nhờ “tài” dỗ trẻ, trẻ khóc, được thầy dỗ là sẽ nín. Mặc dù dạy ở lớp 5 tuổi nhưng khi các cháu nhà trẻ mới đến trường, còn lạ lẫm, hay khóc, các cô lại gọi thầy Hiệu. Thầy cho biết: Khi trẻ đang khóc, không nên tập trung vào trẻ, bảo trẻ nín mà thường phải “lơ đi”, nói vài ba câu bâng quơ như “Ơ, có con chim đang bay kìa!”, trẻ sẽ chăm chú nghe theo câu chuyện và nín khóc. Hay như khi dạy ở các bản làng, phải nói được vài ba câu tiếng dân tộc, trẻ sẽ thấy gần gũi, theo thầy. Yêu thích công việc, thầy Hiệu luôn làm tốt nhất mọi điều dành cho trẻ; 10 năm liên tục, thầy đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thường xuyên được mời đi giảng dạy chuyên đề để đồng nghiệp học hỏi.
Trong những giờ học, người thầy giáo mầm non duy nhất của Trường Mầm non Cẩm Ngọc, của huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) vẫn hàng ngày đem kiến thức, tiếng cười, sự tỉ mỉ, tận tình đến với học trò. Thầy tâm sự: Mỗi khi đến lớp, tôi “nhập tâm” cùng trẻ nhỏ. Nhìn nụ cười hồn nhiên, những gương mặt ngây thơ thấy mình như trẻ lại, thêm yêu và gắn bó với nghề hơn.
Sinh viên nam ngồi “nhầm lớp” ở Khoa Sư phạm Mầm non
Thầy Phạm Văn Thụn cũng vì sự yêu thích trẻ con nên quyết định đăng kí thi vào ngành Sư phạm Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Huế trước sự ngỡ ngàng, thậm chí khó hiểu của rất nhiều người.
Thầy Thụn tâm sự:" Còn nhớ, hôm tôi cầm giấy báo thi chờ đến lượt gọi vào phòng thi, giám thị nhìn tôi tròn mắt nói, cậu đứng đây làm gì, tránh ra cho thí sinh vào thi. Ngay cả khi tôi chìa giấy báo thi cho giám thị xem, thầy giáo đó kiểm tra mấy lần và vẫn không hết kinh ngạc. Trong quá trình học, không ít lần, nhiều giáo viên vào lớp tưởng tôi ngồi nhầm lớp học. Cùng với đó, những giờ học múa, học hát không hề dễ dàng chút nào đối với tôi, bởi các bạn nữ dẻo dai, khéo léo, trong khi mình chân tay lóng ngóng, người thô tháp. Nhưng cũng may mắn, trong những năm tháng sinh viên, tôi được các thầy cô rất ưu ái, tận tình chỉ bảo để mình không nản lòng, bỏ cuộc".
Năm 2008, tốt nghiệp đại học, thầy Thụn được biên chế về Phòng Giáo dục huyện Đakrông, nhận công tác tại xã Pa Nang. Từ đó, thầy Thụn đã có mặt ở rất nhiều điểm trường lẻ của Trường mầm non Pa Nang, xã Pa Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ba năm dạy thôn Ngược, bốn năm gắn bó với thôn Bù, một năm ở thôn A La, một năm ở thôn Ba Nang, ba năm thôn Cóc và đến nay là thôn Trầm, những nơi mà thầy Thụn từng đặt chân đến đều là những thôn bản vùng sâu, vùng xa khó khăn, heo hút, hiểm trở. Cũng giống như câu chuyện của thầy Hiệu, những ngày đầu đi dạy, thầy Thụn không nhận được sự tin tưởng của phụ huynh. Nhưng rồi, qua những lời giải thích, sự gần gũi với mọi người, thầy Thụn đã nhận được sự ủng hộ.
Điều đặc biệt, học trò của thầy Thụn đều tỏ ra thích thú khi được thầy giáo dạy. Giờ học của thầy Thụn thêm hấp dẫn, sinh động và hài hước bởi cái duyên đặc biệt của một giáo viên mầm non là nam giới. Ngoài dạy học, thầy Thụn còn chịu khó dành thời gian tìm tòi, sử dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương để làm đồ dùng, đồ chơi cho học sinh. Mỗi ngày ở bên học trò, điều mà thầy Thụn mong muốn là gieo thêm thật nhiều yêu thương và sự hiểu biết cho trẻ em nơi đây.
VIỆT HÀ
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_219551_nhung-thay-giao-ben-duyen-voi-nghe-nuoi-day-tre.aspx