Những thầy thuốc 'áo xanh' trên đảo - Bài 1: Cứu người giữa trùng khơi
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên biển, đảo thường xuyên, kịp thời sẽ tạo niềm tin, động lực để họ yên tâm bám đảo, bám biển, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại Bệnh xá đảo Trường Sa, Trung tâm y tế Trường Sa, chiến sĩ Nguyễn Minh Hiếu, đang nằm điều trị bệnh đau dạ dày cấp. Chiến sĩ Nguyễn Minh Hiếu cho biết, anh công tác tại đảo Thuyền Chài C đã được gần một năm.
Sáng 13/5/2022, sau bữa sáng như thường lệ anh cảm thấy bụng đau âm ỉ và cơn đau mỗi lúc một dữ dội. Sau khi báo cáo đồng chí Đảo trưởng và cấp trên, anh Hiếu được tàu kiểm ngư đang trực gần đảo Thuyền Chài đưa sang Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa cấp cứu.
Tại đây, các y bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và có phác đồ điều trị tích cực, Nguyễn Minh Hiếu đã cắt được cơn đau, chỉ cần tĩnh dưỡng và nằm điều trị thêm một vài hôm là có thể xuất viện trở về đơn vị. “Tôi may mắn được các y, bác sĩ cấp cứu kịp thời qua cơn nguy kịch”, chiến sĩ Nguyễn Minh Hiển nói.
Không riêng Nguyễn Minh Hiếu, mà nhiều ngư dân khi lao động trên biển khi gặp hiểm nguy đều tìm đến Trung tâm y tế Trường Sa để được được cứu chữa. Gần đây nhất là ngày 17/1/2023, Trung tâm y tế Trường Sa đã tiếp nhận và cấp cứu ngư dân Mai Văn Miên, sinh năm 1974, quê thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, bị tai nạn lao động khi đang khai thác hải sản trên biển.
Các y bác sĩ của Trung tâm y tế Trường Sa cho biết: Trước đó vào lúc 5 giờ 50 phút ngày 27/1/2023, khi đang khai thác hải sản trên vùng biển các đảo Trường Sa khoảng 18 hải lý, anh Miên bị ngã vào vật cứng trên tàu, gây ra vết thương phần mềm trên bàn tay trái. Các ngư dân trên tàu cá BĐ 96847 TS đã đưa anh Miên vào đảo Trường Sa để cấp cứu.
Qua thăm khám, các y, bác sĩ Trung tâm y tế Trường Sa chẩn đoán anh Miên có vết thương phức tạp ở bàn tay trái, bị dập nát đốt 2 của ngón thứ nhất, gãy hở đốt 1 của ngón thứ hai và đã tổ chức vệ sinh, phẫu thuật, cắt lọc vết thương, tạo mỏm cụt ngón 1 và nắn chỉnh ngón 2 bàn tay trái cho bệnh nhân. Sau khi lưu trú tại đảo để theo dõi và điều trị phục hồi sức khỏe, tinh thần ổn định, anh Miên đã được xuất viện trở về tàu tiếp tục lao động.
Chị Bùi Thị Em hiện đang sống trên đảo Trường Sa lớn cho biết: "Ngư dân khi vào khám chữa bệnh và điều trị ở đây đều được miễn phí. Cơm, thức ăn được Bệnh xá Trường Sa chuẩn bị phục vụ người bệnh chu đáo. Khi xuất viện, các y bác sĩ bệnh xá còn tặng thêm lương thực thực phẩm như mì gói, đồ hộp phòng khi ngư dân đi biển dài ngày, có thể bị thiếu thức ăn.
Đại úy, Bác sĩ Nguyễn Quang Huy, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa cho biết: Ngoài việc thu dung, cấp cứu, điều trị cho quân dân trên đảo và các ngư dân lao động trên biển khi vào đảo cấp cứu, dưới sự hỗ trợ của hội đồng chuyên môn bệnh viện, Bệnh xá đã chủ động xử lý, đề xuất vận chuyển các ca bệnh nặng, khó, phức tạp ngoài khả năng để đưa vào đất liền bằng tàu, máy bay điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Hiện nay, Bệnh xá đảo Trường Sa lớn, Trung tâm y tế Trường Sa đã được cấp thêm 1 xuồng cấp cứu với nhiều trang thiết bị hiện đại, luôn sẵn sàng một tổ quân y cơ động khi có nhiệm vụ, cơ động cấp cứu những trường hợp bị nạn trên vùng biển gần, trợ giúp ngư dân một cách an toàn, kịp thời và rất hiệu quả.
Song song với công tác chuyên môn, Trung tâm y tế Trường Sa thường xuyên chủ động làm tốt công tác giáo dục, truyền thông cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo, ngư dân trên biển về công tác vệ sinh phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chính vì vậy công tác vệ sinh phòng dịch được duy trì, thực hiện thường xuyên, có hiệu quả và không để xảy ra dịch bệnh trên đảo trong suốt những năm qua.
Trong 5 năm gần đây, từ 2017 - 2022, Bệnh xá Trung tâm y tế Trường Sa đã khám cho 9.642 lượt cán bộ, chiến sĩ, ngư dân, trong đó có gần 7 nghìn lượt là cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Thu dung, cấp cứu cho 1.542 trường hợp; phẫu thuật loại I và II cho 98 ca. Vận chuyển 63 trường hợp kịp thời vào bờ điều trị, đảm bảo an toàn cho người bệnh bao gồm 30 ca chuyển bằng tàu, 33 ca chuyển cấp cứu đường không bằng máy bay trực thăng, trong đó có 16 trường hợp là cán bộ chiến sĩ.